Philippines tố Trung Quốc xua đuổi tàu cá ở rạn san hô Quirino

Cập nhật 02/3/2016, 21:03:43

Chính quyền Trung Quốc hiện chưa đưa ra bình luận nào về cáo buộc này của phía Philippines.

Reuters ngày 2/3 dẫn nguồn tin từ các quan chức Philippines cho biết, Trung Quốc đã điều một số tàu đến rạn san hô tranh chấp ở Biển Đông để ngăn ngư dân Philippines tiếp cận ngư trường truyền thống của họ, tiếp tục gây gia tăng căng thẳng trong khu vực.

philippines to trung quoc xua duoi tau ca o ran san ho quirino hinh 0
Một chiếc tàu của Hải quân Trung Quốc. (Ảnh minh họa: Getty)

 

Thị trưởng Kalayaan, ông Eugenio Bito-onon cho biết, Trung Quốc đã triển khai 7 tàu đến rạn san hô Quirino (hay còn gọi là Jackson) gần đảo Pagasa thuộc quần đảo Trường Sa.

Quần đảo Trường Sa hiện đang là điểm nóng tranh chấp ở Biển Đông, đây là khu vực giàu tài nguyên, nằm tuyến đường hàng hải quan trọng nối liền Bắc Á đến châu Âu, Nam Á và Trung Đông.

“Điều này là rất đáng báo động, rạn san hô Quirino nằm trên tuyến đường nối từ Palawan đến Pagasa. Đây là điểm mà tàu thuyền của chúng tôi thường dừng lại để nghỉ ngơi”, ông Eugenio Bito-onon nói với Reuters.

Ông Bito-onon nói thêm: “Trung Quốc đang cố gắng gây hấn với chúng tôi bằng cách đặt một trạm kiểm soát tưởng tượng ở đó. Đây là một sự vi phạm rõ ràng quyền tự do đi lại của chúng tôi, cản trở tự do hàng hải”.

Các ngư dân Philippines đã thông báo với nhà chức trách nước này về trường hợp một chiếc thuyền bị mắc kẹt ở khu vực nói trên và hiện vẫn đang lưu lại ở đây, tuy nhiên, chiếc thuyền này không bị tàu Trung Quốc “quấy nhiễu”.

Chính quyền Trung Quốc hiện chưa đưa ra bình luận nào về cáo buộc này của phía Philippines.

Quân đội Philippines cho biết, họ vẫn đang cố gắng để xác minh sự hiện diện của tàu Trung Quốc gần rạn san hô Quirino, nơi một tàu chiến Trung Quốc bị cáo buộc đã bắn cảnh cáo ngư dân Philippines trong năm 2011.

Người phát ngôn Quân đội Philippines, Thiếu tướng Restituto Padilla nói vớiReuters: “Chúng tôi biết có tàu Trung Quốc di chuyển xung quanh khu vực quần đảo Trường Sa. Ngoài ra còn có các tàu của họ được bố trí xung quanh Bãi Cỏ Mây, vì vậy chúng tôi muốn làm rõ rằng, sự hiện diện đó có phải lâu dài hay không”.

Căng thẳng leo thang

Một nguồn tin quân sự từ Palawan cho biết, máy bay giám sát của Philippines đã phát hiện 4 – 5 tàu Trung Quốc ở khu vực lân cận san hô Quirino hồi tuần trước. Nguồn tin này không thể xác nhận các tàu nói trên chỉ đi ngang qua hay có ý định hiện diện lâu dài ở khu vực này, bởi đây là khu vực gần Đá Vành Khăn, nơi Trung Quốc đang tiếp tục hoạt động xây dựng đảo nhân tạo trái phép.

philippines to trung quoc xua duoi tau ca o ran san ho quirino hinh 1
Hoạt động xây dựng đảo nhân tạo trái phép của Trung Quốc ở quần đảo Trường Sa đang gây quan ngại cho cộng đồng quốc tế. (Ảnh: Reuters)

 

Tờ Philippines Star dẫn lời một ngư dân giấu tên cho biết, tàu Trung Quốc đã có hành động xua đuổi khi các ngư dân Philippines cố gắng tiếp cận khu vực này hồi tuần trước.

Ngư dân này nói: “Những chiếc tàu màu xám và trắng của Trung Quốc đã xuất hiện ở đó khiến chúng tôi không thể tiếp cận được ngư trường truyền thống”.

Những cáo buộc của Philippines xuất hiện trong bối cảnh hôm qua (1/3) Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter đã lên tiếng cảnh báo các hành động mà ông cho là “khiêu khích” của Trung Quốc ở Biển Đông, trong đó có việc triển khai tên lửa phòng không đến quần đảo Hoàng Sa.

Phát biểu tại San Francisco, người đứng đầu Lầu Năm Góc nhấn mạnh: “Trung Quốc không được quân sự hóa ở Biển Đông. Các hành động cụ thể sẽ kéo theo những hậu quả cụ thể”.

Khi được hỏi những hậu quả đó có thể là gì, ông Carter cho biết, quân đội Mỹ đã tăng cường việc điều các trang thiết bị quân sự đến khu vực châu Á- Thái Bình Dương và từ nay đến năm 2020 sẽ chi tiêu khoảng 425 triệu USD vào các cuộc tập trận với các quốc gia trong khu vực chịu ảnh hưởng của các hành động nói trên của Trung Quốc.

Ông Carter khẳng định, hành động của Trung Quốc đã tạo ra những thỏa thuận 3 bên mà chỉ vài năm trước “không ai có thể nghĩ tới”.

Ngoài ra, ông Carter cho biết, Lầu Năm Góc dự định chi 8 tỷ USD trong năm tài khóa 2017 để sắm thêm các tàu ngầm và các thiết bị lặn không người lái hiện đại.

Trung Quốc mới đây đã ngang nhiên đưa tên lửa phòng không, chiến đấu cơ đến đảo Phú Lâm thuộc Hoàng Sa của Việt Nam. Cũng theo các ảnh chụp vệ tinh quân sự của Mỹ, Trung Quốc dường như đang lắp đặt trái phép các hệ thống radar cao tần ở các bãi đá thuộc Trường Sa của Việt Nam. Giới quan sát cho rằng, động thái này của Trung Quốc đang thể hiện ý đồ quân sự hóa Biển Đông.

“Các hành động này có thể làm gia tăng nguy cơ tính toán sai lầm hay nguy cơ xung đột giữa các bên tuyên bố chủ quyền”, ông Carter nói./.

VOV


Lượt xem: 29

Trả lời