Phản ứng trái chiều trước việc Hy Lạp thông qua gói “khắc khổ” mới

Cập nhật 09/5/2016, 19:05:10

Trong khi các chủ nợ đánh giá cao việc Quốc hội Hy Lạp thông qua gói “khắc khổ” mới thì người dân nước này lại cực lực phản đối.

Sau hai ngày thảo luận căng thẳng và chỉ kết thúc vào rạng sáng nay (9/5) theo giờ địa phương, Quốc hội Hy Lạp đã thông qua gói cải cách mới theo yêu cầu của các chủ nợ quốc tế, đặc biệt trong đó có những biện pháp gây tranh cãi là tái cấu trúc lại hệ thống lương hưu,  tăng thuế đối với các tầng lớp trung và thượng lưu.

phan ung trai chieu truoc viec hy lap thong qua goi "khac kho" moi hinh 0
Biểu tình phản đối thông qua gói "khắc khổ" mới ở Hy Lạp bùng phát thành bạo lực. (Ảnh: AFP)

 

Chính phủ Hy Lạp hy vọng, với bước đi này, nhóm Bộ trưởng Tài chính Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), dự  kiến nhóm họp hôm nay (9/5), sẽ có “động thái tích cực” trong giải quyết vấn đề nợ công dai dẳng của nước này.

Toàn bộ 153 nghị sĩ thuộc liên minh cầm quyền trên tổng số 300 nghị sĩ Quốc hội Hy Lạp đã bỏ phiếu thông qua gói biện pháp "thắt lưng buộc bụng" mới theo yêu cầu của các chủ nợ quốc tế để nhận được gói cứu trợ quốc tế thứ 3.

Với nhan đề "Một hệ thống an sinh xã hội, cải cách hệ thống hưu trí và thuế thu nhập thống nhất", luật mới bao gồm những điều khoản như cắt giảm lương hưu, sáp nhập các quỹ bảo  hiểm, gia tăng các khoản đóng góp và tăng thuế, đặc biệt là đối với những người có mức thu nhập trung bình và cao.

Chính phủ  Hy Lạp hy vọng có thể tiết kiệm được 1,8 tỷ euro từ việc giảm lương hưu, đồng thời thu về cho ngân sách nhà nước một khoản tương đương từ việc tăng thuế. Dù gây nhiều tranh cãi, song theo Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras, hệ thống lương hưu của Hy Lạp cần một cuộc cải cách sâu rộng, mà các Chính phủ tiền nhiệm đã không dám thực hiện.

 
 

Ông Tsipras nói: “Chúng tôi quyết tâm, bằng mọi giá làm cho Hy Lạp hồi sinh, lại có thể tự đứng vững trên đôi chân của mình và tiêu diệt khối u tham nhũng ăn mòn đất nước trong suốt nhiều năm qua, đẩy Hy Lạp tới chỗ phá sản. Chúng tôi sẽ làm được điều này”.

Sau nhiều lần trì hoãn, một cuộc họp bất thường của Nhóm Bộ trưởng Tài chính khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) sẽ diễn ra hôm nay, trong bối cảnh những cải cách đã được nhất trí từ hồi  mùa hè năm ngoái để đổi lấy gói cứu trợ thứ 3  tới nay vẫn chưa thể làm hài lòng các chủ nợ.

Hôm qua (8/5), Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean Claude Juncker tuyên bố, về cơ bản Hy Lạp đã đạt được những yêu cầu cải cách mà các chủ nợ đề ra trước đó và khẳng định các đối tác của nước này trong Eurozone sẽ bắt đầu đàm phán về phương án giảm nợ cho Hy Lạp.

Theo các nhà phân tích,  việc Quốc hội Hy Lạp bỏ phiếu thông qua luật cải cách  mới ngay trước thềm cuộc họp quan trọng này sẽ giúp nước này nhận được những đánh giá tích cực từ các đối tác trong Liên minh châu Âu.

Tuy nhiên, ở trong nước,  Chính phủ Hy Lạp lại đang phải đứng trước nhiều sức ép. Được xem là một cuộc tổng cải cách lớn đối với hệ thống lương hưu của đất nước, luật mới đã dẫn tới các cuộc biểu tình và đình công lớn tại Hy Lạp trong suốt những ngày cuối tuần qua.

Ngay tối 8/5, khoảng 20.000 người đã xuống đường biểu tình ở thủ đô Athens cũng như Thessaloniki, thành phố lớn thứ hai ở Hy Lạp, để phản đối gói biện pháp khắc khổ mới của Chính phủ.

Đụng độ đã xảy ra khi người biểu tình quá khích tấn công cảnh sát. Một nhóm người biểu tình cũng đã tìm cách xông vào khu vực cấm trước Toà nhà Quốc hội ở thủ đô Athens, khiến lực lượng an ninh phải sử dụng hơi cay và vòi rồng để đẩy lui nhóm biểu tình. Trong khi đó, nhiều con tàu chở hàng và khách du lịch cũng không thể rời cảng và dự kiến sẽ phải neo đậu ở bến cho đến hết ngày mai.

Phe đối lập chính tại Hy Lạp, Đảng Dân chủ mới cũng đã lên tiếng cáo buộc Chính phủ không đủ khả năng giải quyết vấn đề nợ và phải chịu trách nhiệm về sự chậm trễ của các cuộc đàm phán. Đảng này cũng đã yêu cầu Chính phủ từ chức và tổ chức bầu cử sớm để Hy Lạp tránh phải rơi vào một thời kỳ thắt lưng buộc bụng mới./.

VOV


Lượt xem: 27

Trả lời