Nội dung đáng chú ý của cuộc gặp giữa Chủ tịch Trung Quốc và Tổng thống Nga

Cập nhật 21/3/2023, 13:03:46

Cuộc gặp Thượng đỉnh giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin ở Moscow đánh dấu cuộc gặp lần thứ 40 giữa hai nhà lãnh đạo này.

Cuộc gặp lần thứ 40

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đến thăm Moscow trong một “chuyến hành trình hữu nghị, hợp tác và hòa bình”, vài tuần sau khi Bắc Kinh công bố văn kiện lập trường 12 điểm kêu gọi ngừng bắn ở Ukraine và không lâu sau khi nước này làm trung gian hòa giải hai nước từng là đối thủ của nhau ở Trung Đông một thời gian dài là Saudi Arabia và Iran.

Trong chuyến thăm 3 ngày tới Moscow bắt đầu từ 20/3, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có cuộc trao đổi trực tiếp với Tổng thống Nga Vladimir Putin – người mà ông gọi là “người bạn tốt nhất”. Cuộc gặp Thượng đỉnh ở Moscow đã đánh dấu cuộc gặp lần thứ 40 giữa hai nhà lãnh đạo này.

Đây cũng là chuyến công du đầu tiên của nhà lãnh đạo Trung Quốc tới Nga kể từ khi Moscow tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt vào cuối tháng 2 năm ngoái. Cuộc xung đột ở Ukraine đã được nêu ra trong những giờ đầu của cuộc gặp và dự kiến sẽ là một trọng tâm thảo luận chính trong suốt chuyến thăm kéo dài 3 ngày của ông Tập.

Theo hãng thông tấn nhà nước Nga RIA, cuộc trao đổi giữa hai nhà lãnh đạo kéo dài 4 tiếng rưỡi ngày 20/3 và những cuộc trao đổi tiếp theo dự kiến sẽ tiếp tục diễn ra vào hôm nay (21/3). Tại cuộc gặp, Tổng thống Nga Putin đánh giá cao những bước nhảy vọt trong sự phát triển của Trung Quốc. Trong khi đó, ông Tập gọi Tổng thống Putin là “người bạn thân thiết” và cho rằng sự phát triển của Nga đã “được cải thiện đáng kể”.

Liên quan đến Ukraine, Tổng thống Putin một lần nữa khẳng định với Chủ tịch Tập Cận Bình rằng ông “luôn cởi mở với tiến trình đàm phán”.

“Chúng tôi đã nghiên cứu cẩn thận các đề xuất của Trung Quốc để giải quyết cuộc khủng hoảng nghiêm trọng ở Ukraine. Tất nhiên, chúng tôi sẽ nhân cơ hội để thảo luận về vấn đề này”, Tổng thống Putin cho hay.

Trung Quốc gần đây đã tìm cách xây dựng hình ảnh như một bên ủng hộ hòa bình và khẳng định quan hệ giữa nước này với Nga sẽ đóng góp tích cực cho sự ổn định toàn cầu. Chuyến thăm Nga của Chủ tịch Trung Quốc đã tạo nền tảng để hai bên làm sâu sắc hơn sự hợp tác chiến lược, hiện đã mở rộng từ hợp tác ngoại giao đến tập trận chung và trao đổi thương mại.

Trong tuyên bố được đưa ra sau khi ông Tập hạ cánh ở Moscow ngày 20/3, nhà lãnh đạo Trung Quốc khẳng định: “Trong một thế giới hỗn loạn và biến động, Trung Quốc sẵn sàng hợp tác với Nga để bảo vệ vững chắc trật tự toàn cầu”.

Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng ông Tập cần thận trọng trong chuyến thăm Moscow khi một mặt nhà lãnh đạo Trung Quốc muốn nỗ lực tăng cường quan hệ với đối tác mà Bắc Kinh cho là quan trọng để đối phó với ảnh hưởng của Mỹ nhưng mặt khác, Trung Quốc cũng không muốn không xa lánh châu Âu – một đối tác ngày càng thận trọng khi Nga – Trung xích lại gần nhau.

Theo nhà phân tích quốc phòng và an ninh – Giáo sư Michael Clarke, Tổng thống Putin và Chủ tịch Tập Cận Bình “rõ ràng có mối quan hệ rất tốt. Họ đã gặp nhau 40 lần kể từ khi nắm quyền”. Chuyên gia này cũng cho rằng, hai nhà lãnh đạo Nga và Trung Quốc đều có chung lập trường về việc cần thay đổi các quy tắc của hệ thống hiện nay với sự chi phối của Mỹ và phương Tây.

Mặc dù thúc đẩy hợp tác với Nga nhưng nhà quan sát này nhận định: “Trung Quốc sẽ quyết định những gì cần làm dựa trên các lợi ích của mình. Họ sẽ không “đốt cây cầu” kết nối quan hệ với Mỹ và châu Âu cũng như không muốn hoàn toàn đứng về một phía”.

Đột phá để chấm dứt xung đột ở Ukraine?

Chuyến thăm Nga của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình – người vừa tái đắc cử nhiệm kỳ thứ ba và đang tìm cách tăng cường vai trò của Bắc Kinh trên trường quốc tế, đã làm dấy lên hy vọng sẽ có một vài đột phá nhằm chấm dứt cuộc xung đột ở Ukraine hiện đã bước sang năm thứ hai và khiến hàng chục nghìn người thương vong.

Những hy vọng này lóe lên không chỉ bởi vai trò trung gian hòa giải của Trung Quốc trong thỏa thuận hòa bình giữa Saudi Arabia và Iran cũng như văn kiện lập trường 12 điểm về cuộc khủng hoảng ở Ukraine mà còn bởi những thông tin cho biết, sau cuộc gặp Thượng đỉnh với Tổng thống Putin, ông Tập sẽ có cuộc trao đổi trực tuyến với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky.

Nếu điều này diễn ra, đó sẽ là cuộc trao đổi đầu tiên giữa ông Tập và Tổng thống Zelensky kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine vào cuối tháng 2 năm ngoái.

Dù vậy, hầu hết các nhà quan sát đều cho rằng chuyến thăm cấp nhà nước của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chủ yếu tập trung vào việc củng cố mối quan hệ “không giới hạn” với Nga thay vì làm trung gian hòa giải cho cuộc xung đột ở Ukraine bởi hiện nay, các bên tham chiến dường như chưa sẵn sàng để chấm dứt xung đột.

“Cho tới khi Nga và Ukraine không còn muốn giao tranh và kiếm lối thoát cho xung đột, nếu không thì khó có thể chấm dứt nó. Tôi không nghĩ Trung Quốc muốn can thiệp vào quá trình này”, Bonnie Glaser, Giám đốc Chương trình châu Á tại Quỹ Marshall tại Đức cho hay.

Theo bà Glaser, tài liệu 12 điểm của Trung Quốc về cuộc xung đột ở Ukraine là một bản tóm tắt lập trường của Bắc Kinh chứ không phải là một “kế hoạch hòa bình”, đặc biệt khi nó không nêu ra bất kỳ khía cạnh cụ thể nào Bắc Kinh sẵn sàng đóng góp với vai trò chủ động hơn.

Trong khi tài liệu này ủng hộ chủ quyền của Ukraine và kêu gọi nhanh chóng giải quyết xung đột thì nó cũng đổ lỗi cuộc khủng hoảng ở Ukraine cho “tư duy Chiến tranh Lạnh”, đó là sự mở rộng của NATO về phía Đông cũng như việc phương Tây phớt lờ những lo ngại an ninh của Nga. Tài liệu của Trung Quốc cũng chỉ trích “các lệnh trừng phạt đơn phương” của phương Tây nhằm vào Nga.

“Tài liệu này dành một đoạn nói về nhu cầu cần cung cấp hỗ trợ nhân đạo nhưng liệu Trung Quốc có cung cấp sự hỗ trợ đó hay không? Vì thế, đây không phải là kế hoạch hòa bình và Trung Quốc không đóng vai trò như một bên kiến tạo hòa bình”.

Nhận định trên tờ Rossiiskaya Gazeta của Nga, Chủ tịch Tập Cận Bình cho rằng tài liệu lập trường của Trung Quốc về xung đột ở Ukraine “đóng vai trò như một nhân tố mang tính xây dựng nhằm chấm dứt khủng hoảng và thúc đẩy giải pháp chính trị”. Trên thực tế, hiện nay Trung Quốc dường như đang ở vị trí thuận lợi hơn hầu hết các quốc gia khác để đóng vai trò trung gian hòa giải.

Dù vậy, theo chuyên gia Glaser, trong khi Saudi Arabia và Iran đều “tìm cách để bắt đầu cải thiện quan hệ” thì trong cuộc xung đột ở Ukraine “khoảnh khắc này chưa đến”./.

 VOV.

Lượt xem: 4

Trả lời