Những tranh cãi về thời điểm dịch Covid-19 lên đỉnh điểm ở Mỹ

Cập nhật 26/3/2020, 14:03:49

Đến khi nào dịch Covid-19 mới lên đỉnh điểm và tác động của điều này đối với nền kinh tế đang là vấn đề gây ra nhiều tranh cãi ở Mỹ.

Một kết quả, nhiều tác động

CNN dẫn kết quả nghiên cứu từ nhà dịch tễ học hàng đầu Ira Longini, Giáo sư tại Trung tâm Thống kê và Định lượng Bệnh truyền nhiễm tại Đại học Florida, đưa ra sau khi hợp tác với Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Hoa Kỳ cho thấy, số người thiệt mạng vì virus SARS-CoV-2 ở Mỹ có thể lên đến đỉnh điểm trong vòng 3 tuần tới và “tổn thất sẽ là nghiêm trọng nhất vào thời điểm đó”.

nhung tranh cai ve thoi diem dich covid-19 len dinh diem o my hinh 1
Nước Mỹ đang chịu tác động nghiêm trọng của dịch Covid-19. Ảnh: Reuters

Cũng theo kết quả nghiên cứu nói trên, điều này có thể gây ra 2 tác động đối với nước Mỹ. Thứ nhất, việc số người tử vong vì Covid-19 gia tăng nhanh chóng có thể vượt quá khả năng phục vụ của hệ thống y tế Mỹ vốn đã rất chật vật trong việc hỗ trợ những trường hợp cần điều trị tích cực. Mặt khác, điều này có thể giúp nước Mỹ hướng tới lời kêu gọi của Tổng thống Donald Trump trong việc dỡ bỏ một phần lệnh hạn chế đi lại trong vài tuần tới.

Giáo sư Longini giải thích: “Tôi có thể dự đoán số người chết tại Mỹ sẽ lên đến đỉnh điểm trong 2-3 tuần tới bởi con số này được cho là sẽ tăng lên gấp đôi so với hiện nay trong 2-3 ngày tới. Từ đó, chúng ta có thể dỡ bỏ một phần việc bắt buộc phải ở nhà đối với những đối tượng ít bị tổn thương vì Covid-19 sau khi những tổn hại nghiêm trọng nhất của dịch bệnh này đã xảy ra”.

Khi được hỏi về khả năng dịch bệnh Covid-19 có thể bùng phát trở lại trong những tuần tới, Giáo sư Longini nhận định: “Nếu dịch bệnh chỉ bùng phát ở mức giới hạn và chúng ta có thể bảo vệ được những người dễ bị tổn thương nhất thì điều này là hoàn toàn có thể chấp nhận được. Tuy nhiên, chúng ta cần chờ xem diễn biến dịch bệnh trong 2-3 tuần tới cũng như theo dõi sát những gì Trung Quốc làm khi họ bắt đầu nới lỏng những hạn chế hiện nay”.

Dù kết quả này được cho là mới chỉ dựa trên những mô hình tính toán theo dữ liệu do CDC Mỹ cung cấp và có thể không hoàn toàn chính xác, ít nhất đã có 2 chuyên gia về dịch tễ học khác đồng ý với nhận định trên của Giáo sư Longini. Tuy nhiên, 2 chuyên gia này vẫn đưa ra một số kịch bản có một vài khác biệt so với Giáo sư Longini và cho rằng, dịch bệnh Covid-19 có thể tác động đến nước Mỹ theo một cách khác.

Tiến sĩ William Schaffner, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Đại học Vanderbilt nhận định: “Tôi có cùng nhận định với Giáo sư Longini nhưng tôi cho rằng, thời điểm từ 3-6 tuần nữa sẽ mang tính chất bước ngoặt đối với nước Mỹ”.

Theo Tiến sĩ William Schaffner, điều này là bởi, Mỹ “là một quốc gia hết sức đa dạng và điểm nóng nhất về dịch Covid-19 là ở New York. Ngoài ra, một vài khu vực khác cũng đang “nóng dần lên” vì dịch bệnh này. Trong vòng từ 3-6 tuần tới, tất cả những khu vực này hoặc sẽ chứng kiến số người thiệt mang tăng đột biến hoặc “đường cong dịch bệnh” sẽ được làm xẹp thông qua những nỗ lực giãn cách xã hội”.

 Tiến sĩ William Schaffner cho biết, ông cũng khá hoài nghi về khả năng Mỹ có thể duy trì những giới hạn đối với một bộ phận rất nhỏ người dân còn lại: “Việc yêu cầu những người này tiếp tục ở yên trong nhà là điều hết sức khó khăn”.

Đồng tình với quan điểm của Tiến sĩ William Schaffner, Giáo sư, Tiến sĩ dịch tễ học Arnold Monto tại Đại học Y tế Cộng đồng Michigan, chia sẻ: “Tôi nhất trí rằng, sau khoảng 3 tuần nữa chúng ta sẽ hiểu rõ hơn về những gì đang chờ đợi nước Mỹ sắp tới.

Dịch bệnh này đang tấn công vào những cộng đồng khác nhau ở những thời điểm khác nhau với những cường độ khác nhau, nên thật khó để có thể đưa ra một cái nhìn tổng thể. Dù vậy, tôi nhất trí rằng, việc tiếp tục thực thi những biện pháp nhằm hạn chế dịch bệnh lây lan như giãn cách xã hội vẫn là rất cần thiết”.

nhung tranh cai ve thoi diem dich covid-19 len dinh diem o my hinh 2
Sẽ phải rất khó khăn để nền kinh tế Mỹ có thể phục hồi sau dịch Covid-19. Ảnh: THX

Vẫn còn nhiều tranh cãi

Tuy nhiên, quan điểm của 3 chuyên gia nói trên vẫn vấp phải nhiều tranh cãi. Tiến sĩ Stefan Flasche, chuyên gia về mô hình dịch tễ tại Trường Y học Nhiệt đới và Vệ sinh Dịch tế London, Anh, chia sẻ: “Không thể đoán định khi nào là đỉnh dịch Covid-19” và điều này hoàn toàn phụ thuộc vào các biện pháp phòng, chống hiện nay, “có thể là rất sớm nhưng cũng có thể phải vài ba tháng nữa”.

“Tuy nhiên, chúng ta vẫn cần lưu ý đến một kịch bản là dịch bệnh sẽ lây lan mạnh mẽ như ở Trung Quốc và Hàn Quốc trước khi hạ nhiệt dần đủ để Chính phủ có thể dỡ bỏ các biện pháp giãn cách xã hội. Dù vậy, chúng ta sẽ cần phải chứng kiến chu kỳ này xảy ra vài lần bởi rất có thể số ca mắc mới có thể tăng lại do chúng ta vẫn chưa thể đạt được miễn dịch cộng đồng. Trong trường hợp đó, chúng ta sẽ chứng kiến nhiều đỉnh dịch kéo dài trong suốt 12 tháng tới”, Tiến sĩ Flasche nói.

Điều này hoàn toàn đi ngược lại với những tuyên bố của Tổng thống Mỹ Donald Trump rằng, ông muốn các biện pháp giãn cách xã hội càng sớm được dỡ bỏ càng tốt để vực dậy nền kinh tế Mỹ càng sớm càng tốt. Tổng thống Trump từng bày tỏ tin tưởng, nền kinh tế Mỹ sẽ đi theo “đồ thị hình chữ V” –  ám chỉ khả năng khôi phục “cực nhanh”.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế bày tỏ hoài nghi về “sự phục hồi cực nhanh” mà ông Trump đề cập. Các chuyên gia cảnh báo, việc sớm dỡ bỏ các biện pháp phòng, chống Covid-19 có thể gây tổn hại nghiêm trọng hơn cho nền kinh tế Mỹ.

Giáo sư Kinh tế Erin Strumpf tại Đại học McGill chia sẻ: “Chưa có dấu hiệu nào cho thấy chúng ta có thể sớm trở lại với cuộc sống thường nhật trước đây. Chúng ta cần các biện pháp cụ thể để hạn chế tối đa những kết quả khó đoán định. Các thị trường, nhà đầu tư và cả nền kinh tế sẽ không thể hoạt động tốt trong bối cảnh xã hội bất ổn và rối loạn. Chúng ta sẽ sớm biết được những ai là nạn nhân chủ yếu của Covid-19 và điều này sẽ thay đổi rất nhiều cách thức chúng ta thảo luận về vấn đề này”./.

Theo VOV


Lượt xem: 34

Trả lời