Những thay đổi lớn trong Hiến pháp mới sửa đổi của Triều Tiên

Cập nhật 01/9/2019, 10:09:11

CHDCND Triều Tiên vừa sửa đổi Hiến pháp với nhiều thay đổi lớn, như việc đưa tên của ông Kim Jong-un vào và không đề cập tới học thuyết Chủ thể…

Vào ngày 11/4/2019, Hiến pháp Triều Tiên đã được Hội đồng Nhân dân Tối cao của nước này (tức Quốc hội Triều Tiên) sửa đổi. Thế nhưng phải đến 3 tháng sau đó, các chi tiết của đợt sửa đổi này mới được tiết lộ.

“Hiến pháp XHCN của Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên” được viết lần đầu vào năm 1972, và kể từ đó tới nay đã được sửa đổi một số lần. Lần sửa đổi mới nhất rất đáng lưu ý.

nhung thay doi lon trong hien phap moi sua doi cua trieu tien hinh 1
Đương kim lãnh đạo tối cao Triều Tiên Kim Chính Ân (Kim Jong-un). Ảnh: Reuters.

Nét đầu tiên của lần sửa đổi này là Hiến pháp lựa chọn “chủ nghĩa Kim Nhật Thành-Kim Chính Nhật” và xác định chủ nghĩa này là “nguyên tắc chỉ đạo duy nhất đối với việc xây dựng đất nước và các hoạt động”. Trước đợt sửa đổi mới nhất này, Hiến pháp Triều Tiên quy định rằng hệ tư tưởng quốc gia sẽ là “tư tưởng juche (chủ thể, tự lực cánh sinh) và tư tưởng songun (tiên quân)” – những cụm từ đã được gạch ra khỏi Hiến pháp mới. Tư tưởng Juche đã tồn tại trong bản Hiến pháp Triều Tiên trong 46 năm 4 tháng.

Chủ nghĩa song Kim, đề cao các cố lãnh tụ

Như vậy bản Hiến pháp sửa đổi của Triều Tiên sử dụng cụm từ “chủ nghĩa Kim Nhật Thành-Kim Chính Nhật” mang tên của các cố lãnh đạo của Triều Tiên chứ không phải tên của hệ tư tưởng mà chính các vị này khởi xướng.

Bên cạnh đó, tên của đương kim lãnh đạo tối cao của Triều Tiên – Kim Chính Ân(Kim Jong-un), đã lần đầu tiên được nêu trong bản Hiến pháp. Bản Hiến pháp sửa đổi quy định rằng sứ mệnh của các lực lượng vũ trang Triều Tiên là bảo vệ Ban chấp hành Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên do Đồng chí Kim Chính Ân vĩ đại đứng đầu, bằng lòng can đảm quyết tâm. Tên của các lãnh tụ Triều Tiên Kim Nhật Thành (Kim Il-sung) và Kim Chính Nhật (Kim Jong-il) đều được nêu công khai rõ ràng tương ứng trong bản Hiến pháp Triều Tiên vào tháng 9/1998 và tháng 4/2012 nhưng cả 2 trường hợp này đều là khi các vị lãnh đạo đó đã qua đời và tên của họ cũng chỉ được nêu trong lời mở đầu của bản Hiến pháp.

Trong phần mở đầu của bản Hiến pháp sửa đổi, Kim Nhật Thành và Kim Chính Nhật được đề cập tương ứng 24 và 18 lần trong sự ngưỡng mộ đối với các thành tựu của 2 ông. Bản mới nhất của lời mở đầu này, giống như bản trước đó, thảo luận bản chất của Hiến pháp và quy định rằng chính “Hiến pháp của Kim Nhật Thành và Kim Chính Nhật đã hợp pháp hóa hệ tư tưởng của Kim Nhật Thành và Kim Chính Nhật cùng các thành tựu của họ trong việc xây dựng tổ quốc”.

Tuy nhiên, trong lời mở đầu trước đây, ở những lần đề cập thứ 2 trở đi, Kim Nhật Thành và Kim Chính Nhật chỉ được đề cập bằng cụm từ “Đồng chí Kim Nhật Thành” và “Đồng chí Kim Chính Nhật”. Ngược lại, trong lời mở đầu phiên bản mới nhất, tất cả các đề cập tên hai vị này đều nhất loạt được đổi thành “Lãnh tụ vĩ đại Đồng chí Kim Nhật Thành” và “Lãnh tụ vĩ đại Đồng chí Kim Chính Nhật”, như vậy là đề cao hơn nữa hai vị cố lãnh đạo này.

Đưa tên của đương kim lãnh đạo tối cao vào Hiến pháp

Điểm thứ 2 của bản Hiến pháp sửa đổi là lần đầu tiên nó xác định “Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ do Kim Chính Ân (Kim Jong-un) đứng đầu” là “Lãnh đạo tối cao đại diện cho nhà nước”, tức là nguyên thủ quốc gia. Mặc dầu bản Hiến pháp Triều Tiên trước lần sửa đổi mới nhất này có xác định Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ là “lãnh tụ tối cao”, vẫn có chỗ để giải thích rằng vai trò quốc tế của nguyên thủ quốc gia được trao cho Chủ tịch Đoàn chủ tịch Hội đồng Nhân dân Tối cao.

Có vẻ như người ta cảm thấy cần phải điều chỉnh như thế này để ông Kim Chính Ân (Kim Jong-un) sẽ có vị thế ngang hàng với Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (đều là nguyên thủ) trong bối cảnh ông Kim trở nên tự tin hơn trong hoạt động ngoại giao thượng đỉnh trong thời gian qua.

Trong lời mở đầu của bản Hiến pháp sửa đổi, cụm từ “nhà nước có vũ khí hạt nhân” vẫn là thành tựu của ông Kim Chính Nhật (Kim Jong-il).

Bên cạnh các điểm lớn nói trên còn có nhiều thay đổi khác trong toàn bộ bản Hiến pháp Triều Tiên. Như việc Triều Tiên tập trung vào mở rộng và phát triển quan hệ kinh tế đối ngoại. Chính quyền của ông Kim Chính Ân (Kim Jong-un) xác định việc chuyển đổi chính sách từ “tiên quân” thời ông Kim Chính Nhật sang xây dựng kinh tế.

Hiến pháp Triều Tiên đã từ lâu bao gồm các điều về ngoại thương. Tuy nhiên, bản sửa đổi mới nhất đã thay đổi từ “phát triển ngoại thương dựa trên nguyên tắc bình đẳng hoàn toàn và có đi có lại” sang “bảo vệ tín dụng, cải thiện hạ tầng thương mại và mở rộng, phát triển quan hệ kinh tế đối ngoại dựa trên sự bình đẳng, có đi có lại”. Sự điều chỉnh này cho thấy Bình Nhưỡng ghi nhận tầm quan trọng của bảo vệ tín dụng và tham vọng cải thiện cơ sở hạ tầng thương mại.

Việc theo đuổi mục tiêu xây dựng kinh tế đứng đằng sau cuộc “tiến công ngoại giao” của Triều Tiên kể từ năm 2018. Liên quan đến điều này có một chi tiết đáng lưu ý là Ủy ban Ngoại vụ đã được tái lập vào tháng 4/2017 bên trong Hội đồng Nhân dân Tối cao của Triều Tiên./.

Theo VOV


Lượt xem: 22

Trả lời