Những sự kiện thế giới đáng nhớ ngày 6/1

Cập nhật 06/1/2021, 07:01:03

Cùng điểm lại những sự kiện đáng nhớ trên thế giới từng diễn ra vào ngày 6/1 và những nhân vật ấn tượng gắn liền với ngày này.

Sự kiện

Ngày 6/1/1838: Mã Morse được công bố lần đầu tiên tại New Jersey, Mỹ.

Đây là một thiết bị sử dụng xung điện để truyền tải tín hiệu liên lạc đã được mã hóa qua đường dây điện. Mã Morse dùng một chuỗi các ký hiệu đã được chuẩn hóa gồm các phần tử dài và ngắn để biểu diễn các chữ cái, chữ số, dấu chấm và các ký tự đặc biệt của một thông điệp.

Mã Morse được xem như một phát minh vĩ đại nhất của thế kỷ, giúp con người ở những vị trí khác nhau trên thế giới được xích lại gần nhau.

Cùng với sự phát triển của xã hội, công nghệ viễn thông, thông tin liên lạc đã được truyền đi với tốc độ cao. Ngày 1/2/1999, mã Morse chính thức bị loại bỏ, chấm dứt sứ mệnh lịch sử của mình.

Ngày 6/1/1912: New Mexico trở thành bang thứ 47 của Mỹ.

Cùng với Arizona, New Mexico được người Tây Ban Nha khai phá từ đầu thế kỷ XVI và trở thành một tỉnh của Mexico. Từ đầu thế kỷ XIX, lãnh thổ này đã mở cửa cho người Mỹ đến buôn bán và định cư. Trong cuộc chiến tranh 1846 – 1848, New Mexico bị quân đội Mỹ chiếm và được chính thức chuyển giao cho Mỹ bằng Hiệp định Guadalupe Hidalgo.

Ngày 6/1/1912: Alfred Wegener đưa ra thuyết trôi dạt lục địa.

Alfred Wegener cho rằng mọi lục địa đều bắt nguồn từ một siêu lục địa. Nguyên nhân khiến siêu lục địa này tan rã là vì phần đất dưới đáy biển tiếp tục mở rộng và đưa các lục địa ra xa nhau.

Ông đã khảo sát và phát hiện trên bản đồ, thềm lục địa Nam Mỹ và châu Mỹ có sự trùng khớp lạ lùng. Chúng vừa vặn như các mảnh ghép trong trò chơi ghép hình. Cỏ cây, xương hóa thạch ở hai bên lục địa châu Phi và châu Mỹ đều giống nhau. Ông cho rằng sự trùng hợp kỳ diệu này không phải là ngẫu nhiên mà hai lục địa này trước đây là một, mặc dù chúng bị tách ra xa hàng ngàn dặm đường biển.

Thuyết của ông là cơ sở lý luận để các nhà khoa học phát triển lên Học thuyết kiến tạo mảng.

Ngày 6/1/1941: Tổng thống Mỹ Franklin D.Roosevelt định nghĩa “4 mục tiêu tự do” của nước Mỹ là: tự do ngôn luận, tự do thờ phụng, tự do mong muốn và tự do tôn kính.

Ngày 6/1/1963: Nhà vua Ba tư của Iran (Shah) Mohammad Reza Pahlavi phát động cuộc “Cách mạng Trắng”, trong đó phân phối lại đất đai cho nông dân và trao cho phụ nữ quyền bỏ phiếu.

Ngày 6/1/1972: Washington cho biết Lực lượng đặc nhiệm hải quân Mỹ bắt đầu các chiến dịch hải quân thường kì tại Ấn Độ Dương. Đây là lực lượng đã được điều đến khu vực vào thời điểm nổ ra chiến tranh giữa Pakistan và Ấn Độ.

Ngày 6/1/1997: Sau một tuần mưa lũ xối xả ở Đông Nam Brazil, đã làm 67 người chết và 32.000 người mất nhà ở.

Ngày 6/1/2000: Cựu Tổng thống Nga Boris Yeltsin gặp Tổng thống Palestin Yasser Arafat ở vùng Đất Thánh.

Ngày 6/1/2003: Các nhà địa chất học tại Trường Đại học Menbel (Australia) thông báo xác định được những dấu hiệu của những dòng chất lỏng trên Sao Hỏa, nhưng không phải là nước.

Sao Hỏa là hành tinh thứ 4 trong hệ Mặt Trời, bị bao phủ bởi băng giá và bóng tối với nhiệt độ từ 20 đến âm 140 độ C. Khí quyển Sao Hỏa có đến 95% là CO2.

Ngày 6/1/2004: Tổng thống Syria Bashar Al-Assad thăm chính thức Thổ Nhĩ Kỳ kể từ khi Syria giành được độc lập năm 1946.

Quan hệ Syria và Thổ Nhĩ Kỳ đã căng thẳng hàng chục năm qua do những mâu thuẫn về phân chia lãnh thổ, chia sẻ nguồn nước và Thổ Nhĩ Kỳ chỉ trích Syria về việc hẫu thuẫn các phần tử li khai người Kurd. Tuy nhiên, căng thẳng đã dịu đi khi Syria trục xuất thủ lĩnh người Kurd li khai A.Ocalan.

Ngày 6/1/2005: Công dân thứ 1 tỉ 300 triệu của Trung Quốc ra đời, trong bối cảnh Trung Quốc đang giới hạn mỗi gia đình chỉ có một con. Dự kiến, mỗi năm dân số Trung Quốc tăng khoảng 10 triệu người và sẽ đạt con số 1,46 tỉ người vào giữa những năm 2030.

Ngày 6/1/2005: Hàn Quốc chế tạo thành công robot thông minh nhất thế giới.

Robot cao 1,5 m, nặng 67 kg, trông giống như một thiếu niên trong bộ quần áo du hành vũ trụ.

Robot do các nhà khoa học thuộc Viện Nghiên cứu Khoa học và Kỹ thuật Hàn Quốc (KIST) chế tạo, có khả năng tư duy và nhận biết giống con người như: nhận biết chủ nhân, mệnh giá đồng tiền, phát hiện và phân tích những tín hiệu âm thanh, hình ảnh, cũng như sự chuyển động của con người…

Tuy nhiên, robot này chỉ đạt tốc độ di chuyển tối đa 0,9 km một giờ. Đây là robot làm theo hình người đầu tiên tại Hàn Quốc hoạt động nhờ vào một mạng điều hành vô tuyến. Robot trên là sản phẩm kết hợp của nhiều kỹ thuật hiện đại. Nó được sử dụng như những “người trợ lý” tại văn phòng hoặc trong gia đình.

Ngày 6/1/2008: Tổng thống Mikhail Saakashvili đắc cử Tổng thống Gruzia nhiệm kì II. Trong khi đó, hàng nghìn người biểu tình thuộc phe đối lập cáo buộc gian lận trong bầu cử.

Ngày 6/1/2009: Hạ nghị sĩ Cao Ánh Quang (tức Joseph Cao), trở thành người Mỹ gốc Việt đầu tiên nhậm chức Hạ nghị sĩ Liên bang Mỹ.

Ngày 6/1/2010, Turkmenistan và Iran khánh thành đường ống dẫn khí đốt liên quốc gia thứ hai từ Turkmenistan sang Iran với lượng khí đốt của Turkmenistan xuất khẩu sang Iran sẽ tăng gấp đôi, lên 20 tỉ m3/năm.

Ngày 6/1/2012: Campuchia công bố danh sách 20 “báu vật” của thủ đô.

Đây là 20 địa danh nổi tiếng có kiến trúc độc đáo lâu đời tại Phnôm Pênh, một số trong đó đã có niên đại gần 600 năm.

Trong các địa danh được xếp hạng có ngọn đồi Phnom Doun Penh, được xem là biểu tượng của thành phố với 578 năm tuổi. Một danh thắng nổi tiếng khác là Cung điện Hoàng gia Campuchia được xây dựng từ năm 1890.

Ngoài ra còn có nhà ga Đường sắt, khách sạn Hoàng gia, chợ Trung tâm Phsar Thom Thmey, tượng đài độc lập, trụ sở Bộ Tư pháp, Tòa án tối cao Campuchia, Bảo tàng Quốc gia, văn phòng tổ chức UNESCO …

Du lịch Campuchia tăng trưởng rất bền vững. 9 tháng năm 2019, hơn 3 triệu lượt khách đã đến Campuchia, đạt 4,81 triệu lượt, tăng 10% so cùng kỳ năm 2018.

Ngày 6/1/2013: Tổng thống Palestine Mahmud Abbas ra sắc lệnh đổi tên Chính quyền Palestine thành “Nhà nước Palestine”.

Đây là hành động cụ thể đầu tiên của lãnh đạo Palestine sau khi Liên hợp quốc (LHQ) quyết định nâng quy chế đối với Palestine lên “Nhà nước quan sát viên” hồi tháng 11-2012, bất chấp sự phản đối của Israel và Mỹ. Tổng thống Mahmud Abbas nhấn mạnh, động thái này nhằm đề cao chủ quyền của Palestine và là một bước trên con đường tiến tới “nền độc lập thực sự”.

Ngày 6/1/2016: Phát hiện 5 siêu sao trên các dải thiên hà.

Tại hội nghị thường niên của Hội Thiên văn học Mỹ đã công bố: Các nhà khoa học đã phát hiện 5 ngôi sao trong các thiên hà khác có kích thước ngoại cỡ, tương đương sao Eta Carinae, ngôi sao lớn và sáng nhất trong Ngân hà.

Theo nhà nghiên cứu Rubab Khan đến từ Trung tâm Không gian Goddard của Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA), kính viễn vọng không gian Hubble và kính viễn vọng không gian Spitzer của NASA đang được sử dụng để xác định 5 ngôi sao, có thể ví như là bảo sao của sao Eta Carinae. Theo ông Khan, phát hiện này sẽ làm sáng tỏ về sự phát triển của những ngôi sao siêu kích cỡ trong vũ trụ.

Eta Carinae là hệ sao sáng nhất và lớn nhất trong phạm vi bán kính 10.000 năm ánh sáng xung quanh Trái Đất. Hệ sao này nằm phía Nam của chòm Carina (Sống thuyền) và phát ra năng lượng gấp 5 triệu lần Mặt Trời. Tuy nhiên, Eta Carinae là một ngôi sao không ổn định với sự biến quang kỳ lạ. Từ năm 1800 liên tục xảy ra các vụ nổ trên bề mặt ngôi sao này.

Ngày 6/1/2019: Chất lượng sống trên thế giới năm 2018 có cải thiện đáng kể.

Tờ Thời báo New York đã công bố: Trong năm 2018, trung bình mỗi ngày có thêm 295.000 người trên thế giới được tiếp cận lưới điện, 305.000 người lần đầu tiên được cung cấp nước sạch và 620.000 người lần đầu tiên được “phủ sóng” Internet.

Số trẻ em tử vong trên thế giới giảm đáng kể khi chỉ còn khoảng 4% trẻ em dưới 5 tuổi tử vong, so với tỷ lệ 19% của năm 1960 và 7% của năm 2003.

Tiến sĩ Hans Rosling, Nhà nghiên cứu về y tế thế giới cho rằng: thế giới còn phải đối mặt với rất nhiều thử thách như: cuộc chiến chống chống đói nghèo, bệnh tật và biến đổi khí hậu. Thế nhưng, những tiến bộ, thành tựu đạt được ở khắp nơi trên thế giới cũng cần được thừa nhận và phổ biến để mỗi người có thêm động lực tạo nên nhiều thay đổi hơn nữa vì một thế giới tốt đẹp hơn.

Ngày 6/1/2020: Bộ phim “Parasite” giành giải Phim nước ngoài xuất sắc tại Giải thưởng Quả cầu Vàng 2020.

“Parasite” (Ký sinh trùng”) là tác phẩm điện ảnh của đạo diễn Hàn Quốc Bong Joon-ho. Với chủ đề cách biệt giàu nghèo trong xã hội, bộ phim đã thể hiện dưới một góc nhìn rất riêng, rất Hàn Quốc, thu hút sự đồng cảm mạnh mẽ của khán giả mọi quốc gia.

Tác phẩm làm nên lịch sử khi là phim Hàn Quốc đầu tiên nhận được giải thưởng này.

Quả cầu Vàng là sự kiện do Hiệp hội Báo chí Nước ngoài tại Hollywood (HFPA) tổ chức hàng năm nhằm tôn vinh các thành tựu trong cả lĩnh vực truyền hình lẫn điện ảnh.

Trước Giải Quả Cầu vàng, Parasite đã được chú ý rộng rãi trên toàn thế giới, gặt hái nhiều giải thưởng lớn nhỏ. Tháng 2/2020, tại lễ trao giải Oscar lần thứ 92, Parasite đã làm nên lịch sử khi trở thành phim không nói tiếng Anh đầu tiên giành được tượng vàng Phim hay nhất, điều chưa hề có tiền lệ trong lịch sử Oscar.

Ngày 6/1/2020: Phát hiện bàn cân 2.000 năm tuổi ở Israel.

Cơ quan Cổ vật Israel (IAA) cho biết đã phát hiện một bàn cân cổ có niên đại khoảng 2.000 năm tuổi. Các nhà khảo cổ cho biết đã phát hiện bàn cân cổ tại công viên quốc gia David ở Jerusalem và vật dụng này được sử dụng để đo chất lỏng như rượu và dầu ô liu.

Theo các nhà nghiên cứu, nơi phát hiện bàn cân cổ nói trên từng là quảng trường chính của Jerusalem trong thời kỳ Đền Do Thái thứ hai và cũng từng là trụ sở giám sát về đo lường và cân nặng của thành phố.

Cũng tại đây, các nhà khoa học cũng phát hiện được nhiều loại đá với kích thước khác nhau, dùng để cân trọng lượng. Theo IAA, với những bằng chứng thu thập được có thể khẳng định đã từng có hoạt động thương mại, thậm chí xuất hiện chợ tại khu vực này.

Nhân vật

Ngày 6/1/1838: Ngày sinh của Max Bruch – nhà soạn nhạc lãng mạn của Đức, đồng thời, ông cũng là một nhạc trưởng tài ba.

Bruch mất tại Berlin ngày 2/10/1920 ở tuổi 82.

Ngày 6/1/1872: Ngày sinh nhà soạn nhạc người Nga Alexander Scriabin.

Alexander Scriabin nổi tiếng trong thời kỳ chuyển giao giữa âm nhạc lãng mạn và hiện đại.

Các sáng tác của ông chịu ảnh hưởng sâu sắc của truyền thống cổ điển Nga, thiên về ca ngợi vẻ đẹp thiên nhiên và tình yêu cao đẹp, những ước vọng mang tính lãng mạn. Đó là những tác phẩm cho đàn piano như Sonate số 2, nocturne và concerto…

Sáng tác giao hưởng của ông không nhiều gồm 8 bản, nhưng đây là một phần quan trọng trong di sản của ông. Tác phẩm của ông thường mang tính tiêu đề, đặc biệt là bản giao hưởng số 3 với tên gọi “Bài thơ thần thánh” đã đưa ông lên địa vị một nhà giao hưởng nổi tiếng đương thời.

Aleksandr Nikolayevich Scriabin mất ngày 14/4/1915 tại Moskva, Nga.

Ngày 6/1/1884: Ngày mất nhà thực vật học người Áo Gregor Johann Mendel.

Mendel sinh ngày 22/7/1822, tại Heisendorf, Áo. Năm 1853, sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Tổng hợp Viên, Mendel về sống trong một tu viện và dạy học tại trường Cao đẳng Thực hành. Tại tu viện này, ông đã thực hiện nhiều thí nghiệm về quy luật di truyền áp dụng cho các sinh vật. Sau đó, ông làm thí nghiệm lai phối hợp các thứ đậu khác nhau và công bố trong luận vǎn “Sự lai giống thực vật”.

Ông mất năm 1884 tại Áo. Mãi 6 năm sau khi Mendel qua đời, các nghiên cứu quí giá của ông mới được nhân loại biết tới. Tuy công trình nghiên cứu về di truyền học của ông được công nhận khá muộn, nhưng ngày nay các nhà khoa học vẫn xem năm 1900 là “mốc lịch sử đánh dấu sự ra đời của ngành di truyền học” và Mendel vẫn là “Ông tổ của ngành di truyền học”.

Ngày 6/1/1933: Ngày sinh nhà du hành vũ trụ người Nga Oleg Grigoryevich Makarov.

Oleg Grigoryevich Makarov sinh tại thành phố Udomlya, Nga. Năm 1966, ông được chọn để đào tạo thành phi hành gia. Năm 1973, Makarov lần đầu tiên bay vào không gian trên tàu Soyuz-12 (Liên hợp-12). Đây là chuyến bay thử nghiệm những thiết kế mới của tàu Soyuz. Một năm sau, ông tiếp tục có chuyến bay thứ hai trên tàu Soyuz-18a… Đến năm 1980, ông đã bay chuyến cuối cùng lên không gian trên tàu Soyuz-T3.

Ông hai lần vinh dự được phong tặng danh hiệu “Anh hùng Liên Xô” và 4 lần được trao tặng “Huân chương Lenin” cùng nhiều phần thưởng cao quý khác.

Ông qua đời ngày 28-05-2003, tại Moskva, Nga.

Ngày 6/1/1993: Ngày mất nghệ sĩ ba lê nổi tiếng người Nga Rudolf Nureyv.

Rudolf Nureyev sinh ngày 17/3/1938, tại Irkutsk, Nga.

Sau khi tốt nghiệp trường Ballet Leningrad, ông làm việc tại đoàn Ballet Kirov với vị trí solo và trở thành một trong những vũ công nổi danh nhất nước Nga. Năm 1962, Nureyev hợp tác làm việc với Ballet Hoàng Gia Anh. Ông cùng với Margot Fonteyn, một trong những nữ nghệ sĩ Ballet hàng đầu thế giới, tạo nên một cặp múa hoàn hảo qua các tác phẩm múa kinh điển như “Hồ Thiên Nga”, “Romeo và Juliet”… Với lối diễn giàu biểu cảm cùng những động tác điêu luyện, họ đã khiến người xem trầm trồ, thán phục.

Sau khi mất, ông được tôn vinh là một trong những nam nghệ sỹ múa ballet vĩ đại nhất thế kỷ XX.

Theo VTV


Lượt xem: 19

Trả lời