Những con số thống kê dịch Covid-19 của các nước chưa nói đúng bản chất?

Cập nhật 28/3/2020, 07:03:32

Theo Giáo sư người Anh Sheila Bird, việc so sánh số liệu giữa các nước để đánh giá tình hình dịch bệnh Covid-19 có thể dẫn đến những kết luận sai lầm.

Thế giới hiện có bao nhiêu ca mắc Covid-19? Tổng cộng đã có bao nhiêu người tử vong vì dịch bệnh này? Đã có bao nhiêu quốc gia và vùng lãnh thổ bị ảnh hưởng? Số liệu cụ thể của các nước hiện giờ ra sao?

Nhưng câu hỏi này có thể được giải đáp khi bạn truy cập các trang thống kê được đánh giá là có uy tín như trang web của Đại học John Hopkins (JHU) hay trang thống kê theo thời gian thực Worldometers.

dich covid-19: nhung con so chua noi dung ban chat hinh 1
Ảnh chụp màn hình bản đồ trực tuyến số ca mắc Covid-19 trên toàn cầu của Đại học John Hopkins.

Bản đồ trực tuyến về số ca mắc Covid-19 trên toàn cầu do Đại học John Hopkins thu thập, có hơn 1 tỷ lượt xem mỗi ngày. Trang Worldometers cũng được nhiều báo sử dụng để cập nhật tình hình dịch bệnh Covid-19 hàng ngày.

Vậy vì sao tỷ lệ tử vong ở Đức ở mức rất thấp? Vì sao Anh lại có số ca mắc tương đối thấp so với các nước khác trong khi Mỹ giờ đã vượt Trung Quốc trở thành nước có số ca mắc Covid-19 nhiều nhất thế giới? Đó là những câu hỏi không thể trả lời dựa trên những số liệu từ bản đồ dịch bệnh của JHU hay bảng số liệu của Worldometers.

Các con số không nói lên toàn bộ bức tranh

Đối với những người đang so sánh số liệu để phỏng đoán dịch bệnh ở các nước diễn biến khác nhau như thế nào, thì các chuyên gia đưa ra lời cảnh báo: Các quốc gia có tiêu chuẩn thống kê khác nhau, tiêu chí khác nhau đối với việc xét nghiệm và theo dõi các ca bệnh. Tất cả những yếu tố này khiến cho việc so sánh số liệu trở thành một sai lầm nguy hiểm.

Sheila Bird, một giáo sư, nhà thống kê sinh học nổi tiếng người Anh tại Đại học Cambridge, nói rằng, việc xét nghiệm và ghi nhận các ca mắc Covid-19 là không đồng nhất ngay cả trong nội bộ từng nước chứ chưa nói đến giữa các nước với nhau.

Bird là một trong số các nhà khoa học hàng đầu đã kêu gọi chính phủ Anh tăng cường xét nghiệm và cung cấp các dữ liệu đa chiều hơn.

Chính phủ Anh nói rằng hệ thống y tế nước này hiện chưa đủ khả năng xét nghiệm tất cả những người có triệu chứng Covid-19. Chỉ các bệnh nhân “nặng” tới mức cần phải điều trị ở bệnh viện mới được xét nghiệm. Theo JHU tính đến 26/3, Anh có 9.962 ca mắc bệnh và 467 ca tử vong. Trong khi đó, theo Worldometers tính đến 27/3, Anh ghi nhận 11.658 ca mắc Covid-19, trong đó có 578 ca tử vong.

Trong khi đó, theo hướng dẫn chính thức của Bộ Y tế Đức, bất cứ ai có triệu chứng giống như cúm và từng tiếp xúc với các ca bệnh trong vòng 14 ngày qua, hoặc từng đi lại tới khu vực có nguy cơ cao, đều được xét nghiệm. Theo JHU, tính đến 26/3, Đức có hơn 41.519 người dương tính với SARS-CoV-2 nhưng chỉ có 239 người tử vong do Covid-19. Còn theo Worldometers tính đến 27/3, Đức ghi nhận 43.938 ca mắc và 267 ca tử vong.

Hàn Quốc lại tiến hành xét nghiệm bất cứ ai mà bác sỹ cảm thấy cần thiết và giới chức theo dõi các trường hợp từng tiếp xúc với các ca bệnh. Tính đến 25/3, Hàn Quốc có 9.241 ca mắc và 131 ca tử vong, theo JHU.

Các tiêu chí xét nghiệm giúp lý giải vì sao trong bản đồ của JHU số ca mắc bệnh của nước này có vẻ thấp hơn nhiều so với các nước châu Âu khác. Điều đó không đồng nghĩa với việc nước Anh có ít người mắc bệnh hơn, mà thực ra chỉ là có số người được xét nghiệm thấp hơn.

“Nếu dựa vào các con số và cho rằng chúng có thể nói cho chúng ta chính xác tổng số người đã mắc bệnh thì đó là điều nguy hiểm”, theo Mike Tildesley, phó giáo sư tại Đại học Warwick.

Việc không xét nghiệm rộng rãi cũng có thể khiến cho tình hình trở nên tồi tệ hơn. Dựa vào số ca xác nhận mắc bệnh và số ca tử vong được thống kê, Anh có vẻ như có tỷ lệ tử vong do Covid-19 tương đối cao. Nhưng điều đó không nhất thiết phản ánh đúng bản chất sự việc, vì ở Anh, chỉ có những người có triệu chứng nặng được xét nghiệm. Những người có triệu chứng vừa phải, những người sắp phục hồi, được yêu cầu ở nhà mà không cần xét nghiệm – đồng nghĩa với việc họ không được ghi chép vào số liệu.

dich covid-19: nhung con so chua noi dung ban chat hinh 2
Ảnh chụp màn hình một phần bàng số liệu của trang thống kê Worldometers (16h ngày 27/3), Anh đứng thứ 9 thế giới về số ca mắc Covid-19, nhưng tỷ lệ tử vong trên tổng số ca mắc bệnh là hơn 10%.

Ở khía cạnh quốc tế, việc so sánh hiện nay lại đang dựa trên mảnh ghép của các bức tranh khác nhau.

 Theo Giáo sư Sheila Bird, việc so sánh các số liệu giữa các nước để đánh giá tình hình dịch bệnh sẽ dẫn đến những kết luận sai lầm.

Tildesley, người chuyên xây dựng mô hình toán học nhằm mô phỏng sự lây lan của các dịch bệnh, nói rằng, mọi người cần phải quan tâm đến bức tranh lớn hơn. “Mọi người [ở Anh] có thể nhìn vào những con số và cho rằng nó thấp và sau đó không thực hiện các biện pháp phòng ngừa được khuyến cáo, đây là điều vô cùng nguy hiểm”, ông nói.

Vậy đâu là tiêu chí đánh giá?

Thay vì tập trung quá nhiều vào các con số thực tế, các nhà khoa học dành nhiều thời gian để nghiên cứu đường cong dịch bệnh – biểu đồ mô phỏng số ca mới mỗi ngày ở mỗi nước.

Tuy nhiên, việc theo dõi biểu đồ này chỉ có ý nghĩa nếu 1 nước duy trì các tiêu chí xét nghiệm trong một thời gian dài. Ví dụ, nếu Italy vẫn tiếp tục xét nghiệm ở cùng 1 tỷ lệ và số ca mắc mới trong ngày bắt đầu giảm, khi đó đường cong bắt đầu phẳng  – đó là tin tốt.

Tuy nhiên, tỷ lệ xét nghiệm cần phải ổn định. Nếu nước Anh bất ngờ xét nghiệm nhiều người hơn và có sự gia tăng đột biến các ca mới mỗi ngày, điều đó chưa chắc đồng nghĩa với việc dịch bệnh đang lây lan nhanh hơn.

Tương tự, nếu một nước nào đó hết bộ xét nghiệm, thì chắc chắn sẽ có sự sụt giảm số ca mới một cách bất ngờ, nhưng đây chỉ là con số giảm “giả” chứ không phải dịch bệnh đã được ngăn chặn hiệu quả.

Thông tin chính xác là điều rất quan trọng, vì để đánh bại dịch bệnh, mọi người cần phải sẵn sàng tuân thủ các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt. Giới khoa học nói rằng cách duy nhất để đánh bại virus là giãn cách xã hội, điều đòi hỏi mỗi người phải thay đổi đáng kể cách sống hàng ngày.

Martin Hibberd, một giáo sư y khoa tại London nói rằng, các con số cập nhật của chính phủ Anh “có thể khiến nhiều người nghĩ rằng nước này không có nhiều ca mắc Covid-19”, từ đó dẫn đến việc họ chủ quan và buông lỏng các quy định về giãn cách xã hội.

Chỉ số lây nhiễm – thể hiện mỗi người nhiễm SARS-CoV-2 có thể truyền virus sang cho bao nhiêu người – là thước đo quan trọng khi nhìn vào sự thành công của các biện pháp ngăn ngừa dịch bệnh.

Các dữ liệu này có thể cho thấy các biện pháp giãn cách xã hội có quả trong việc ngăn ngừa sự lây lan của dịch bệnh hay không.

Ví dụ, Bộ Y tế Séc ngày 24/3 đã công bố báo cáo cho thấy chỉ số lây nhiễm Covid-19 ban đầu ở Séc là 2,64 nhưng đã đã giảm suống 1,84 sau ngày 12/3 – thời điểm các biện pháp hạn chế đi lại bắt đầu có hiệu lực.

Để thuyết phục mọi người tuân thủ các quy định hạn chế, giới chứ các nước cần phải thuyết phục được người dân rằng tình hình hiện nay là đủ nghiêm trọng để cần tới sự hy sinh của họ.

“Thật không may là không có thước đo nào cho phép chúng ta có thể so sánh tình hình ở các nước khác nhau”, Tildesley nói. Nhìn vào số người tử vong có thể thấy tính nghiêm trọng ở mỗi nước nhưng khi đem ra so sánh giữa các nước với nhau thì lại rất phức tạp.

Sẽ không có sự tương đồng giữa 2 nước khi xét về khía cạnh tiếp cận các nguồn lực y tế và hệ thống chăm sóc sức khỏe, chưa kể tới các điều kiện y tế và thậm chí là cấu trúc tuổi tác dân số.

“Số người tử vong có thể cao hơn ở những nước không có đủ nguồn lực điều trị, nhưng điều này không nói lên được rằng dịch bệnh ở đó được kiểm soát và ngăn chặn kém hiệu quả hơn”, Tildesley nói.

Việc có những dữ liệu đầy đủ hơn về số ca phục hồi hoàn toàn cũng rất hữu ích. Các nhà khoa học hy vọng rằng, việc xét nghiệm kháng thể rộng rãi –  điều có thể thực hiện ở một số nước trong những ngày tới, cũng sẽ giúp vẽ ra một bức tranh chính xác hơn của dịch bệnh Covid-19./.

Theo VOV


Lượt xem: 57

Trả lời