Nhật Bản – Ấn Độ và bài toán lợi ích chung

Cập nhật 21/3/2023, 13:03:54

Thủ tướng Nhật Bản hôm 21/3 kết thúc chuyến thăm Ấn Độ – cơ hội để 2 nền kinh tế lớn hàng đầu châu Á thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược đặc biệt và toàn cầu, hiện thực hóa chính sách Hành động hướng Đông của New Delhi và Tầm nhìn Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở của Tokyo.

Ấn Độ – thành viên không thể thiếu của Nhật Bản

Trong cuộc hội đàm giữa hai nhà lãnh đạo diễn ra vào ngày hôm qua 20/3, nhiều nội dung quan trọng được thống nhất trong đó Nhật Bản nhấn mạnh vai trò quan trọng của Ấn Độ khi thực hiện Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở.

4 trụ cột chính mà chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đang nỗ lực thực hiện đó là; nguyên tắc hòa bình và phồn vinh; xử lý vấn đề của khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương; tăng cường tính liên kết đa tầng; nỗ lực dùng biện pháp an ninh, an toàn trên biển và trên không.

Về nguyên tắc hòa bình, trên lập trường của mình Nhật Bản tôn trọng chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, phản đối việc đơn phương thay đổi hiện trạng. Nguyên tắc này cần được thực hiện, bảo đảm tại tất cả các nơi trên thế giới. Nghĩa là trong cuộc xung đột Nga-Ukraine, Nhật Bản tiếp tục ủng hộ Ukraine, phê phán mạnh mẽ Nga.

Về đối xử các vấn đề của khu vực, Nhật Bản mở rộng hỗ trợ ở các lĩnh vực biến đổi khí hậu, an ninh lương thực, an ninh mạng…Theo đó, trong cuộc hội đàm với Thủ tướng Modi, Thủ tướng Kishida Fumio cam kết sẽ hỗ trợ khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đến năm 2030 khoảng 7,5 tỷ USD cho xây dựng cơ sở hạ tầng. Riêng năm nay là năm Nhật Bản tiến hành kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao với các nước ASEAN, nên cũng đã cam kết hỗ trợ khoảng 100 triệu USD cho khu vực này thông qua Quỹ Nhật Bản-ASEAN.

Liên quan đến an ninh biển và hàng không, Nhật Bản tăng cường huấn luyện chung giữa các lực lượng với lực lượng Phòng vệ biển Nhật Bản nói chung và hỗ trợ tăng cường năng lực không quân, hải quân của các nước trong đó có Ấn Độ.

Nhìn từ góc độ trên, chúng ta có thể thấy rằng Ấn Độ là thành viên không thể thiếu trong chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, nhất là khi hai nước đã thiết lập mối quan hệ Đối tác chiến lược đặc biệt và toàn cầu. Bên cạnh đó, Nhật Bản đã cam kết nhiều khoản viện trợ mà trong đó Ấn Độ là thành viên được hưởng lợi. Riêng về nguyên tắc hòa bình muốn Ấn Độ ủng hộ và là thành viên tích cực. Liệu Ấn Độ có làm tròn vai trong mong muốn của Nhật Bản?

Hài hòa lợi ích

Năm nay có ý nghĩa quan trọng với cả hai nước khi Ấn Độ đảm nhiệm cương vị chủ tịch G20 còn Nhật Bản giữ vai trò Chủ tịch G7.

Ấn Độ được cho là đại diện của các nước khu vực Nam bán cầu. Theo đó, Nhật Bản cho rằng hợp tác với Ấn Độ nhằm xây dựng trật tự quốc tế là không thể thiếu, đồng thời đóng góp vào sự thành công của Hội nghị G7 dự kiến tổ chức vào tháng 5 tại Hiroshima, Nhật Bản, hiện thực hóa chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và rộng mở.

Ấn Độ là quốc gia có quan hệ hữu nghị truyền thống với Nga, đặc biệt trong hoạt động nhập khẩu vũ khí từ Nga. Do đó, nước này đã không tham gia vào việc thực hiện cấm vận đối với Nga trong cuộc xung đột Nga-Ukraine. Trong khu vực Nam bán cầu, Ấn Độ có quan hệ lợi ích trong một phần dự án về quân sự, kinh tế.

Ấn Độ cũng là một thành viên của Bộ tứ QUAD  bao gồm Nhật, Mỹ, Australia, Ấn Độ, đồng thời cũng là thành viên của Nhóm năm nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS) gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi. Các nhóm này có những quan điểm khác nhau về xung đột Nga-Ukraine. Khi cùng lúc tham gia vào 2 nhóm trên, Ấn Độ sẽ phải có những lựa chọn cái gọi là ngoại giao cân bằng và Nhật Bản cũng phải làm thế nào để tránh những bất mãn tại các diễn đàn quốc tế, thậm chí ngay trong nội bộ quốc gia.

Để hài hòa lợi ích, với tư cách là nước chủ nhà Nhật Bản đã mời Ấn Độ tham dự Hội nghị G7 sẽ được tổ chức vào tháng 5 tới tại Nhật Bản. Ấn Độ đã đồng ý. Tiếp theo đó là Thủ tướng Ấn Độ sẽ thăm Nhật Bản trong năm nay dựa trên thỏa thuận ngoại giao chớp nhoáng. Đây là động thái nhằm củng cố cố mối quan hệ đặc biệt và toàn cầu với Ấn Độ, đồng thời thúc đẩy thỏa thuận hướng tới thống nhất lập trường về vấn đề quốc tế mà có sự tham gia của cả hai bên. Ấn Độ với tư thế trên sẽ đưa ra lập trường thiên về ủng hộ Nhật Bản, nhưng cũng không thể làm mất lòng Trung Quốc và Nga.

Như vậy, hài hòa các quan điểm trong các vấn đề khác nhau vô cùng khó, đòi hỏi sự minh bạch về lợi ích mà hai bên cùng hướng tới.

Kỳ vọng của Ấn Độ

Ngày hôm nay, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida sẽ kết thúc chuyến thăm kéo dài 27 giờ tới New Delhi để làm sâu sắc thêm mối quan hệ song phương với Ấn Độ. Đây cũng là dịp để ông Kishida trình bày với công chúng những kế hoạch tham vọng của Nhật Bản tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Như vậy là ông Kishida đã có ít nhất 3 lần gặp gỡ, tiếp xúc với người đồng cấp Ấn Độ Narendra Modi trong vòng 1 năm qua. Và hai nhà lãnh đạo Ấn – Nhật sẽ còn ít nhất 3 cuộc gặp nữa từ giờ tới cuối năm, khi Nhật Bản chủ trì Hội nghị Thượng đỉnh G7, còn Ấn Độ là chủ nhà của Hội nghị Thượng đỉnh G20. Điều đó cho thấy các hoạt động tiếp xúc hợp tác giữa hai quốc gia này sẽ còn nhiều cột mốc mới trong năm nay. Chuyến thăm lần này của Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida chỉ là sự khởi đầu.

Chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Nhật Bản mang mang tính biểu tượng cho mối quan hệ Ấn-Nhật. Đây là tín hiệu cho thấy lãnh đạo cấp cao hai bên vẫn đang duy trì các cuộc tiếp xúc, ở vào thời điểm mà hai nước đều đang đảm nhận các vai trò quan trọng trên sân chơi khu vực. Việc Thủ tướng Kishida lựa chọn Ấn Độ để công bố các ý tưởng mới của Nhật Bản với khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở mang hàm ý với nước chủ nhà. Đây thực sự là cử chỉ đề cao vai trò đang lên của Ấn Độ trên bàn cờ địa chính trị, cũng như kinh tế của thế giới.

Thứ hai, Ấn Độ và Nhật Bản đều đang có rất nhiều điểm tương đồng trong cách tiếp cận với nhiều vấn đề của thế giới. Ví dụ như vấn đề an ninh, quốc phòng tại Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, nơi mà trật tự đa phương và các luật lệ quốc tế được cho là đang bị đe dọa. Cả New Delhi và Tokyo đều chủ trương đề cao thượng tôn pháp luật, chống lại sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực. Sự gắn kết về quốc phòng và an ninh của Ấn Độ và Nhật Bản cả ở song phương lẫn trên bình diện Quad đều cho thấy điều này. Ngoài ra, hai nước còn có những lợi ích song phương về kinh tế như hợp tác trong việc phân bổ lại các chuỗi cung ứng toàn cầu theo hướng bền vững, hợp tác về khoa học và các công nghệ then chốt và mới nổi.

Việc củng cố, làm sâu sắc hợp tác song phương sẽ mang lại lợi ích cả hai chiều cho Ấn Độ và Nhật Bản. Nhưng với Ấn Độ, nước này sẽ có thể tranh thủ cả được vị thế và nguồn lực về nhiều mặt của Nhật Bản để nâng tiềm lực và giá trị của mình lên tầm cao mới./.


Lượt xem: 2

Trả lời