Nga ủng hộ Mỹ hay Trung Quốc khi Biển Đông có đối đầu?

Cập nhật 09/3/2016, 08:03:39

Các nhà phân tích Nga mới đây cho hay, để chống lại “sự bá quyền” của Mỹ, Nga sẵn sàng ủng hộ và trợ giúp nhiệt tình cho Trung Quốc ở Biển Đông.

Thế đối đầu Mỹ-Trung ở Biển Đông đang nóng dần lên khi Washington điều tàu chiến tới khu vực đảo mà Bắc Kinh đã cải tạo phi pháp và triển khai chiến đấu cơ và hệ thống phòng không tại đó.

nga ung ho my hay trung quoc khi bien dong co doi dau? hinh 0
Hạm đội Nga tham gia cuộc tập trận hải quân chung 2015 với Trung Quốc. Ảnh: Sputnik.

 

Một câu hỏi được đặt ra là vai trò của Nga ở đây là gì?

Hôm 3/3 tờ Navy Times đưa tin về việc Mỹ điều tàu sân bay USS John C. Stennis, 2 khu trục hạm và 3 tuần dương hạm từ Hạm đội 7 của nước này sang Biển Đông nhằm đáp trả việc Trung Quốc gửi chiến đấu cơ tới đảo Phú Lâm – hòn đảo lớn nhất trong quần đảo Hoàng Sa [mà Trung Quốc chiếm giữ trái phép-ND].

Trung Quốc lập tức phản ứng mau lẹ. Hôm 4/3, Fu Ying, phát ngôn viên của Quốc hội Trung Quốc cáo buộc hành động của Washington là nhằm tạo căng thẳng.

Tháng 2/2016 Mỹ tố Trung Quốc đang quân sự hóa Biển Đông bằng việc bố trí hệ thống tên lửa phòng không, hệ thống radar tiên tiến và máy bay chiến đấu trên đảo Phú Lâm nhằm tăng cường sự kiểm soát của Trung Quốc đối với vùng biển mà 1/3 thương mại toàn cầu đi qua.

“Nga ưu ái Trung Quốc”

Liên quan đến vấn đề này, nhà báo Andrei Ivanov của tờ báo Nga độc lập Svobodnaya Pressa cho rằng căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc không chỉ vì biển đảo mà còn vì quyền lãnh đạo toàn cầu.

Theo nhà báo này, Trung Quốc đang đấu tranh để có quyền đó mà Mỹ thì không dễ dàng bỏ qua.

Nhà báo Ivanov nhận xét: Thú vị là, tại cuộc họp báo mà phát ngôn viên Fu Ying chỉ trích Mỹ, bà này cũng dành nhiều lời tốt đẹp cho phía Nga.

Tại cuộc họp báo, bà Fu nhấn mạnh rằng “Quan hệ Trung-Nga đang trong giai đoạn tốt đẹp nhất trong lịch sử”.

Theo bà này, giữa Bắc Kinh và Moscow không có tranh chấp nghiêm trọng nào cả, và hai nước “không gây sức ép lên nhau, có thể tập trung trọn vẹn vào việc thảo luận hợp tác cũng như trao đổi ý kiến”.

Nhà báo Nga Ivanov cho rằng lời lẽ của phát ngôn viên Trung Quốc Fu Ying có thể là chỉ dấu cho thấy Trung Quốc đang ngày càng quả quyết ở Thái Bình Dương chính là nhờ vào sự ủng hộ của Nga.

Trung Quốc tận dụng sơ hở của Mỹ

Khi được hỏi về tình hình Biển Đông, Mikhail Alexandrov, chuyên gia hàng đầu tại Trung tâm Nghiên cứu Quân sự và Chính trị tại Viện Quan hệ Quốc tế Moscow, nói với tờ Svobodnaya Pressa rằng các quá trình đang diễn ra trong khu vực đều là tuân theo quy luật địa chính trị.

Ông Alexandrov nhận định: “Trên khắp thế giới đang diễn ra một quá trình định dạng lại các lực lượng. Sức mạnh của các trung tâm quyền lực độc lập với phương Tây, trong đó có Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Iran và Brazil, đang gia tăng. Mỹ không còn kiểm soát được toàn hành tinh nữa. Một khi họ vướng vào một dạng đối đầu nào đó với bất cứ một trung tâm quyền lực nào, thì những trung tâm quyền lực còn lại sẽ tận dụng cơ hội để mở rộng ảnh hưởng”.

Kết quả là, nhà phân tích nói, “Trung Quốc khai thác đầy đủ xung đột giữa Nga và phương Tây. Các nguồn lực của Mỹ đã được chuyển hướng sang châu Âu, và Syria, Thổ Nhĩ Kỳ, Ukraine. Thậm chí người ta còn bàn tán về khả năng chiến tranh trong lòng châu Âu. Mỹ đã làm cho tình hình căng thẳng ở vùng Baltic leo thang. Hệ quả là họ có thể quên mất việc Trung Quốc đang mạnh lên nhờ vào điều đó”.

Từ góc độ chiến lược, Alexandrov cho rằng Bắc Kinh phát hiện Mỹ đang phân tán nguồn lực ra nhiều nơi khác nên họ quyết định bố trí máy bay và hệ thống phòng không ở Biển Đông.

Mỹ không dễ đá Trung Quốc khỏi Biển Đông

Nhà phân tích của Nga cho rằng hiện nay Mỹ không dễ gì đẩy Trung Quốc khỏi khu vực này do sức mạnh phòng không của Trung Quốc đã được cải thiện và Moscow có thể cung cấp tên lửa hành trình trên biển cho Trung Quốc. Do đó Mỹ khó lòng bảo đảm thắng lợi trong một trận hải chiến ở đây.

Và nếu Mỹ thất bại ở Biển Đông, ảnh hưởng của họ trên toàn cầu sẽ sụp đổ giống như tòa lâu đài dựng bằng những quân bài domino.

Theo nhà phân tích Nga, sức mạnh quân sự của Trung Quốc chưa bằng được các đối thủ phương Tây nhưng họ vẫn có lợi thế trong các cuộc hải chiến gần bờ biển của họ.

Bên cạnh đó, quân đội Trung Quốc đã được trang bị tàu ngầm mới, phi cơ mới và tên lửa đạn đạo tầm trung để tấn công các nhóm tàu sân bay.

Nga bán công nghệ quân sự tiên tiến cho Trung Quốc

Nhà phân tích Nga cho rằng theo kinh nghiệm, Mỹ sẽ không dễ dàng rời bỏ khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Xuất phát từ câu chuyện của nước Nga với Mỹ, ông này nói: “Chúng tôi từ lâu đề xuất với Mỹ rằng họ hãy để yên cho không gian hậu Xô Viết, và chúng tôi sẽ không làm phiền họ ở nơi khác trên thế giới”.

nga ung ho my hay trung quoc khi bien dong co doi dau? hinh 3
Cuộc tập trận hải quân Nga-Trung ở Vladivostok là cuộc tập trận hải quân lớn nhất trong lịch sử hai nước tới nay. Ảnh: Sputnik.

 

Theo Alexandrov, sau khi Liên Xô sụp đổ, Mỹ tự xem mình như một nhà lãnh đạo toàn cầu không bị thách thức.

Khi phóng viên đề cập đến việc Trung Quốc phụ thuộc vào Mỹ về mặt thương mại, ông Alexandrov phản bác điều này bằng việc nhấn mạnh rằng “chẳng biết mèo nào cắn mỉu nào”. Theo Alexandrov, nếu Trung Quốc cắt đứt quan hệ thương mại với Mỹ, giống như Mỹ làm với Nga thì sẽ hình thành một hệ thống tài chính khác thay thế mà không có sự tham gia của phương Tây.

Và do vậy, Alexandrov kết luận Mỹ sẽ không cắt đứt quan hệ với Trung Quốc, cũng không áp dụng lệnh trừng phạt với nước này.

Alexandrov dự báo: Các bên giờ sẽ vờn nhau. Trung Quốc tiếp tục gia tăng sức mạnh trong khu vực, còn Mỹ sẽ tiếp tục chứng tỏ mình là cường quốc biển mạnh nhất thế giới.

Theo Alexandrov, cuộc chạy đua vũ trang sẽ tiếp tục cho đến khi một bên “hết hơi”. Theo ông này, người hết hơi trước sẽ là Mỹ vì Mỹ có khoản thâm hụt ngân sách khổng lồ và khoản nợ công “khủng”.

Liên quan đến vai trò của Nga trong màn kịch Mỹ-Trung hiện nay, nhà phân tích này cho rằng Trung Quốc đang nhận được sự ủng hộ của Nga. Ông ta nói: “Nga là nước duy nhất bán công nghệ vũ khí hiện đại cho Trung Quốc. Nếu không có sự trợ giúp của Nga, Trung Quốc sẽ lạc hậu đáng kể sau phương Tây về phương diện máy bay và tên lửa hành trình”.

Hơn nữa, “Nga và Trung Quốc đã có một hiệp ước hữu nghị và hợp tác, trong đó có điều khoản về tham vấn trong trường hợp có đe dọa với một trong hai nước. Trong trường hợp nổ ra xung đột với Mỹ, Nga sẽ cung cấp các hỗ trợ cho Trung Quốc, theo tinh thần hiệp ước này”.

Phấn đấu cho hệ thống đa cực

Phân tích gia Alexandrov nhấn mạnh, mục tiêu của Nga là một hệ thống đa trung tâm nhằm đẩy Mỹ khỏi vị thế bá quyền toàn cầu.

Theo ông này, hiện nay Mỹ đang áp đặt quyết định của riêng họ lên các nước khác. Thế nhưng trong một thế giới đa cực, người ta có thể hình thành các liên minh chiến thuật nhằm chống lại các đối thủ khác lớn hơn. Ông này nhấn mạnh rằng một hệ thống như thế cổ xúy cho sự cân bằng quyền lực, giúp các nước tránh né quyền chi phối của một cường quốc nào đó.

Nhà phân tích Alexandrov nói: “Khi tạo ra được một hệ thống đa trung tâm, chúng ta có thể phán xét liệu việc tiếp tục hợp tác với Trung Quốc có lợi cho Nga hay không. Hiện nay, điều này là vẫn có lợi”./.

VOV


Lượt xem: 23

Trả lời