Mỹ toán tính gì khi liên tiếp trừng phạt Nga-Trung vì Triều Tiên?

Cập nhật 24/8/2017, 08:08:18

Mỹ ngày 22/8 áp đặt các lệnh trừng phạt mới nhằm vào cá nhân và công ty Trung Quốc và Nga bị cáo buộc hỗ trợ Triều Tiên phát triển vũ khí.

Lệnh trừng phạt lần này được Mỹ đưa ra vài tuần sau khi Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhất trí gia tăng các lệnh trừng phạt bổ sung nhằm vào Triều Tiên với sự ủng hộ của cả Nga và Trung Quốc- những quốc gia trước đó luôn có quan điểm bảo vệ Triều Tiên.

my toan tinh gi khi lien tiep trung phat nga trung vi trieu tien hinh 1
Ảnh minh họa: AP

Siết chặt vòng vây kinh tế với Triều Tiên

Reuters dẫn thông tin từ Bộ Tài chính Mỹ cho biết, 6 công ty của Trung Quốc, 1 của Nga và 1 của Triều Tiên cùng 6 người Nga, 1 người Trung Quốc và 1 người Triều Tiên bị liệt vào danh sách trừng phạt mới của Mỹ.

Cũng theo Bộ Tài chính Mỹ, các lệnh trừng phạt mới này là nhằm trực tiếp vào những công ty và cá nhân đã tham gia hỗ trợ Triều Tiên phát triển tên lửa và hạt nhân cũng như nhập khẩu năng lượng từ Triều Tiên- trong đó có 3 công ty Trung Quốc.

Ngoài ra, lệnh trừng phạt lần này cũng nhằm vào những công ty và cá nhân tìm cách hỗ trợ Triều Tiên đưa người ra nước ngoài lao động cũng như giúp các công ty Triều Tiên nằm trong diện bị trừng phạt tiếp cận với thị trường tài chính Mỹ và thế giới.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin nhấn mạnh: “Bộ Tài chính sẽ tiếp tục gây áp lực lên Triều Tiên bằng cách nhắm vào những công ty và cá nhân hỗ trợ Triều Tiên phát triển hạt nhân và tên lửa đạn đạo. Chúng tôi sẽ cô lập họ khỏi thị trường tài chính Mỹ.

Việc các cá nhân và công ty Nga, Trung Quốc hay bất kỳ quốc gia nào tìm cách giúp Triều Tiên kiếm tiền để phát triển vũ khí hủy diệt hàng loạt là không thể chấp nhận được”.

Trong khi đó, Bộ Tư pháp Mỹ cũng đang tìm cách truy thu số tiền phạt trị giá 11 triệu USD đánh vào những công ty bị cáo buộc “rửa tiền” cho các ngân hàng Triều Tiên. Những công ty này bao gồm Velmur Management & Transatlantic Partners có trụ sở tại Singapore và Dandong Chengtai Trading có trụ sở tại Trung Quốc.

Trung Quốc đã hết sức giận dữ trước quyết định trên của phía Mỹ và kêu gọi Mỹ “ngay lập tức sửa chữa sai lầm về việc đơn phương áp lệnh trừng phạt lên các công ty và cá nhân của Trung Quốc nếu không muốn làm tổn hại đến quan hệ song phương”.

Đòn trừng phạt đầy toan tính

Theo các chuyên gia, việc Mỹ tung thêm đòn trừng phạt với các công ty và cá nhân Nga và Trung Quốc đã được dự báo từ trước. Tuy nhiên, chính quyền Mỹ đã lộ rõ toan tính của mình khi trì hoãn việc này cho đến khi cả Nga và Trung Quốc cùng bỏ phiếu nhất trí để Liên Hợp Quốc siết chặt lệnh trừng phạt đối với Triều Tiên.

Giới chức Mỹ và Liên Hợp Quốc thừa nhận, lời đe dọa “tiến hành các biện pháp trừng phạt bổ sung” nhằm vào các công ty Trung Quốc làm ăn với Triều Tiên cũng như các biện pháp gây áp lực về mặt thương mại với Trung Quốc của Mỹ dường như đã đủ mạnh để Trung Quốc- nước láng giềng và là đồng minh thân cận nhất của Triều Tiên- “bỏ rơi bạn mình”.

Tuy nhiên, đổi lại, Mỹ cũng đã không còn đưa các thể chế tài chính của Trung Quốc làm ăn với Triều Tiên vào danh sách trừng phạt nữa. Giới chuyên gia cho rằng, chính quyền Mỹ làm vậy vì họ vẫn “nuôi hy vọng” Trung Quốc sẽ gây áp lực để Triều Tiên dừng tham vọng hạt nhân và tên lửa của mình.

“Lệnh trừng phạt nhằm vào các công ty và cá nhân Trung Quốc làm ăn với Triều Tiên trong khi vẫn chừa lại các thể chế tài chình của nước này là một thông điệp “không thể nhầm lẫn” mà Washington muốn gửi đến Bắc Kinh”, ông Anthony Ruggiero, cựu quan chức Bộ Tài chính Mỹ nhận định.

“Khi làm điều này, Mỹ cũng chấp nhận “nhắm mắt cho qua” việc một số ngân hàng và thể chế tài chính của Trung Quốc sẽ tiếp tục trở thành “tấm bình phong” để các công ty của Triều Tiên thực hiện những hoạt động tài chính mờ ám”, ông Ruggiero nói thêm.

Cùng chung quan điểm, ông Richard Nephew, chuyên gia tại Đại học Columbia University, nhận định: “Chính phủ Mỹ đã tính toán rất kỹ những mục tiêu “có thể nhượng bộ” khi tung ra lệnh trừng phạt lần này”.

“Việc Mỹ chưa đề cập gì đến các ngân hàng lớn của Trung Quốc cho thấy Mỹ cũng khá lo ngại về khả năng dính “đòn trả đũa” từ Trung Quốc cũng như hệ lụy từ nguy cơ xảy ra chiến tranh thương mại Mỹ-Trung”, ông Richard Nephew nói thêm.

Trong khi đó, ông Joseph DeThomas, một chuyên gia về các lệnh trừng phạt, cho biết, động thái tung đòn trừng phạt của Mỹ sau khi Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhất trí siết chặt trừng phạt nhằm vào Triều Tiên là nhằm “củng cố thêm giá trị” về mặt pháp lý cho cả 2 lệnh trừng phạt của Mỹ và Liên Hợp Quốc.

“Các lệnh trừng phạt mới của Mỹ có thể gây ra những hệ lụy về mặt ngoại giao sau này, tuy nhiên, những lệnh trừng phạt này sẽ khiến các nước phải tôn trọng thực sự nghị quyết của Liên Hợp Quốc”, ông DeThomas nói./.

VOV.


Lượt xem: 19

Trả lời