Mỹ điều thêm quân đến Trung Đông, viện cớ các mối đe dọa từ Iran

Cập nhật 18/6/2019, 13:06:05

Cáo buộc Iran tấn công các tàu chở dầu trên vịnh Oman, Mỹ tuyên bố điều thêm quân tới Trung Đông

Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan hôm 17/6 tuyên bố triển khai thêm khoảng 1.000 binh sĩ đến Trung Đông mà theo ông là với mục đích phòng thủ, viện lý do lo ngại về mối đe dọa từ Iran.

Đối đầu Mỹ-Iran tăng nhiệt

Hơn một năm sau khi Tổng thống Donald Trump tuyên bố rút khỏi thỏa thuận hạt nhân năm 2015, những lo ngại về cuộc đối đầu giữa Iran và Mỹ lại tăng lên từ hôm 13/6, khi 2 tàu chở dầu bị đâm ở vịnh Oman, mà Washington đã đổ lỗi cho Tehran là đứng sau vụ việc.

my dieu them quan den trung dong, vien co cac moi de doa tu iran hinh 1
Tàu sân bay USS Abraham Lincoln tại vịnh Arab ngày 19/5/2019. (Ảnh: Hải quân Mỹ/Reuters).

Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ tuyên bố: “Cuộc tấn công của Iran đã xác thực thông tin tình báo đáng tin cậy mà chúng tôi đã nhận được về hành vi thù địch của các lực lượng Iran và các nhóm ủy quyền đe dọa nhân viên và lợi ích của Mỹ trên toàn khu vực”.

Washington trước đó đã siết chặt các lệnh trừng phạt, yêu cầu tất cả các quốc gia và công ty tạm dừng nhập khẩu dầu của Iran, nếu không sẽ bị trục xuất khỏi hệ thống tài chính toàn cầu.

Hôm qua (17/6), Iran đã tuyên bố sẽ sớm nâng mức làm giàu uranium lên 20% và giảm các cam kết theo Thỏa thuận hạt nhân năm 2015. Thỏa thuận hạt nhân năm 2015, mà Iran và các bên ký kết khác vẫn được duy trì sau quyết định của Tổng thống Mỹ Trump, đã giới hạn trữ lượng uranium có hàm lượng thấp (3,67%) của Iran ở mức 300 kg.

Phát ngôn viên của Tổ chức Năng lượng Nguyên tử Iran Behrouz Kamalvandi cho biết, nước này sẽ vượt qua giới hạn 300 kg vào cuối tháng 6/2019.

Động thái này làm giảm cam kết trong hiệp ước hạt nhân được ký kết với Nga, Anh, Đức, Trung Quốc và Liên minh châu Âu, nhưng Tổng thống Iran Hassan Rouhani nói rằng việc này sẽ không ảnh hưởng đến lợi ích của khu vực hoặc thế giới.

Thỏa thuận hạt nhân nhằm ngăn cản việc sản xuất bom hạt nhân của Iran để đổi lấy việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt quốc tế.

Anh cho biết nếu Iran vi phạm các giới hạn đã được thỏa thuận, London sẽ xem xét tất cả các lựa chọn. Israel đã kêu gọi các cường quốc tiếp tục tăng cường các biện pháp trừng phạt chống lại Tehran nếu nước này vượt quá giới hạn làm giàu uranium.

 Đại diện cấp cao EU phụ trách chính sách đối ngoại Federica Mogherini cho biết, tuy nhiên, EU sẽ chỉ phản ứng với bất kỳ vi phạm nào được Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế chính thức xác định.
my dieu them quan den trung dong, vien co cac moi de doa tu iran hinh 2
Tàu chở dầu của Nhật Bản Kokuka Courageous bị hư hỏng sau khi bị tấn công (Ảnh: Hải quân Mỹ/Reuters).

Vụ nổ tàu chở dầu- cái cớ điều quân của Mỹ

Chính quyền của ông Trump đã cáo buộc Iran đứng sau vụ nổ tàu chở dầu ở Vịnh Oman, một tuyến đường vận chuyển dầu quan trọng.

Mỹ đã công bố một video vào tuần trước, cho đó là bằng chứng chứng tỏ Lực lượng Bảo vệ Cách mạng Iran đứng sau các cuộc tấn công mới nhất nhằm vào tàu Kokuka Courageous của Nhật và tàu  Front Altair của Na Uy khi các tàu này di chuyển qua vịnh Oman, cách Iran khoảng 40km hôm 13/6. Hai tàu này đều đang chở đầy các sản phẩm dầu mỏ khi gặp nạn.

Quân đội Mỹ cũng đã công bố thêm hình ảnh “bằng chứng” vào thứ Hai 17/6.

Một quan chức quốc phòng Mỹ yêu cầu không công bố danh tính cho biết, việc triển khai thêm quân mới bao gồm các lực lượng tình báo, giám sát và trinh sát trên không của quân đội Mỹ giúp phát hiện các mối đe dọa, tìm kiếm hình ảnh và thông tin tình báo. Việc triển khai quân này cũng sẽ bao gồm các nhân viên có thể tăng cường bảo vệ quân đội Mỹ đã được triển khai đến khu vực.

Cũng trong ngày 17/6, Tổng tư lệnh lực lượng vũ trang Iran, Thiếu tướng Mohammad Baqeri, đã tuyên bố phủ nhận rằng Tehran đứng sau các cuộc tấn công và nói nếu nước Cộng hòa Hồi giáo này quyết định chặn đường vận chuyển trên eo biển Hormuz chiến lược, họ sẽ làm điều đó một cách công khai.

Phát biểu trên Truyền hình Nhà nước, Thư ký của Hội đồng An ninh Quốc gia Tối cao Iran, ông Ali Shamkhani cho biết, Tehran chịu trách nhiệm về an ninh ở vùng Vịnh và kêu gọi các lực lượng Mỹ rời khỏi khu vực.

Theo một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ, Ngoại trưởng Mike Pompeo đã trao đổi với các quan chức NATO, Trung Quốc, Kuwait, Hàn Quốc, Anh và các nước khác, chia sẻ bằng chứng về sự liên quan của Iran trong các cuộc tấn công vào tàu chở dầu Na Uy và Nhật Bản.

Hôm Chủ nhật 16/6, ông Pompeo cho biết, Mỹ không muốn gây chiến với Iran nhưng sẽ thực hiện mọi hành động cần thiết, bao gồm cả ngoại giao, để đảm bảo việc di chuyển an toàn qua các tuyến hàng hải ở khu vực Trung Đông./.

Theo VOV


Lượt xem: 12

Trả lời