Lời khuyên cho Mỹ khi Triều Tiên dọa hủy gặp Thượng đỉnh

Cập nhật 17/5/2018, 07:05:58

Giới chuyên gia khuyên rằng, Mỹ không nên có những tuyên bố thù địch không cần thiết trước thềm đàm phán Thượng đỉnh Mỹ-Triều.

Ngày 16/5, nhà cựu đàm phán của Hàn Quốc tại Hội nghị Thượng đỉnh liên Triều 2000 đưa ra lời khuyên Mỹ nên để Triều Tiên có cơ hội “giữ thể diện”, bởi vì những tuyên bố thù địch không cần thiết có thể làm hỏng cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa sắp tới giữa Mỹ và Triều Tiên.

loi khuyen cho my khi trieu tien doa huy gap thuong dinh hinh 1
Giới chuyên gia đưa ra lời khuyên với Mỹ khi Triều Tiên đe dọa rút hủy cuộc gặp Thượng đỉnh sắp tới. Ảnh: The Korea Times

Trước đó cùng ngày, Triều Tiên đã bất ngờ đơn phương hủy bỏ cuộc đàm phán cấp cao liên Triều chỉ vài giờ trước khi diễn ra, đồng thời đe dọa rút khỏi Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều sắp tới.

Ông Park Jie-won thuộc Đảng Dân chủ và Hòa bình Hàn Quốc, đồng thời là nhà cựu đàm phán tại Hội nghị Thượng đỉnh liên Triều năm 2000 nhìn nhận tình hình: “Gần đây, Mỹ đã có hàng loạt tuyên bố không cần thiết gây tổn hại tới hình ảnh của Triều Tiên. Mỹ cần phải chấm dứt điều này nếu họ thực sự muốn đạt được phi hạt nhân hóa”.

Hội nghị Thượng đỉnh liên Triều 2000 là lần đầu tiên trong lịch sử nhà lãnh đạo Hàn Quốc và Triều Tiên ngồi vào bàn đàm phán kể từ sau cuộc chiến 1950-1953. Ông Park Jie-won lúc đó là một thành viên trong phái đoàn đàm phán của cố Tổng thống Hàn Quốc Kim Dae-jung.

“Tôi cho rằng, lý do cơ bản đằng sau đe dọa hủy cuộc gặp Thượng đỉnh với Mỹ, là phản ứng mạnh mẽ của Triều Tiên trước việc Mỹ gấp rút và gây sức ép trong vấn đề phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên”, ông Park Jie-won nói.

Cũng theo ông Park Jie-won, cả Mỹ và Triều Tiên cần kiên nhẫn với đối tác của mình, cũng như cân nhắc hành động thận trọng.

“Người phương Đông đặt ưu tiên hàng đầu là sự kiêu hãnh, trong khi người phương Tây thường lựa chọn các giải pháp thực dụng. Triều Tiên có rằng ý thức hệ và cấu trúc xã hội khác với của Mỹ. Và để có được một Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều thành công, cả hai bên cần phải kiên nhẫn”.

Nhiều chuyên gia phân tích chính trị khác lại nhìn nhận, động thái cứng rắn bất ngờ của Triều Tiên là nhằm giữ thế chủ động trong các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa.

Hầu hết các ý kiến cho rằng, Triều Tiên không muốn làm hỏng bầu không khí tích cực hiện nay song Bình Nhưỡng đang cố gia tăng sức mạnh đàm phán trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh, đồng thời gửi một cảnh báo tới Washington và Hàn Quốc không nên đánh giá thấp Triều Tiên.

Hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên KCNA ra lý do Bình Nhưỡng hủy cuộc gặp cấp cao liên Triều và đe dọa rút khỏi Thượng đỉnh Mỹ-Triều là vì cuộc tập trận chung “Thần Sấm” giữa Không quân Mỹ và Hàn Quốc.

Tuy nhiên, các chuyên gia lại nói đây không phải lý do thực sự. Bởi vì cuộc tập trận chung này bắt đầu từ hôm 11/5 và sau đó 4 ngày chính Triều Tiên đã đề xuất gặp cấp cao với Hàn Quốc. Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un trước đó cũng nói với các đặc phái viên của Hàn Quốc rằng, ông “hiểu” các cuộc tập trận chung của Seoul và các đồng minh.

“Lấy cuộc tập trận làm lý do, Bình Nhưỡng đang gián tiếp thể hiện sự bất bình với những lập trường cứng rắn mà Mỹ tuyên bố gần đây, như việc loại bỏ vũ khí hạt nhân, giải giáp các loại vũ khí khác và cải thiện nhân quyền”, chuyên gia Shin Beom-chul, tại Viện Nghiên cứu Chính sách Asan nói.

Giáo sư Ko Yu-hwan tại Đại học Dongguk của Hàn Quốc thì cho rằng: “Trong bầu không khí hóa giải sau khi 2 miền Triều Tiên ra Tuyên bố Bàn Môn Điếm, Bình Nhưỡng vẫn muốn gửi thông điệp tới cả Seoul và Washington rằng họ sẽ sai lầm khi tiếp tục hành động như vậy”.

Hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên KCNA trong tuần này cũng có bài viết trong đó nói rằng: “Mặc dù Hàn Quốc cam kết tham gia vào những nỗ lực vì hòa bình, thịnh vượng và thống nhất Bán đảo Triều Tiên, song nước này vẫn tiếp tục có hành động đi ngược với cam kết này”.

Du vậy, bất chấp động thái cứng rắn bất ngờ của Bình Nhưỡng, giới chức Hàn Quốc và giới phân tích chính trị vẫn tin rằng Triều Tiên không muốn phá hoại bầu không khí hòa hảo trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều hiện nay. Triều Tiên vẫn đang trong quá trình đóng cửa và tháo dỡ bãi thử hạt nhân Punggye-ri.

Chính Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc cũng khẳng định, sẽ không có gì thay đổi trong kế hoạch đóng cửa bãi thử hạt nhân Punggye-ri của Triều Tiên./.

Theo VOV


Lượt xem: 19

Trả lời