Lây nhiễm COVID-19 chủ động – “Sự đánh đổi” đầy rủi ro với hiểm họa khôn lường

Cập nhật 21/1/2022, 14:01:34

Hiện một bộ phận người dân có tâm lý đằng nào cũng mắc COVID-19 nên cố tình nhiễm bệnh để tăng hiệu lực kháng thể hơn so với tiêm vaccine.

Chủ động mắc COVID-19 – Chuyện ngược đời có thật

Đối mặt với COVID-19, hầu như tất cả chúng ta đều có tâm lý phòng vệ, tránh không mắc bệnh. Tuy nhiên, trong bối cảnh số ca mắc mới không ngừng gia tăng, một số người lại có ý nghĩ rằng trước sau gì cũng mắc nên đã cố tình để lây nhiễm COVID-19, đặc biệt là biến thể Omicron, một biến thể mà khi mắc người bệnh chỉ có triệu chứng nhẹ.

Nghe có vẻ ngược đời nhưng đây đang trở thành một xu hướng tai hại ở một số nơi trên thế giới. Những người chủ động lây nhiễm COVID-19 tin rằng khi khỏi bệnh, cơ thể sẽ tạo được lượng kháng thể ở mức siêu miễn dịch.

Tại Mỹ, vào cuối tháng 10/2021 vừa qua, người dẫn chương trình nổi tiếng Dennis Prager đã công khai trên phương tiện truyền thông rằng ông mắc COVID-19 do cố tình. Câu chuyện đã gây xôn xao dư luận. Người dẫn chương trình 73 tuổi của “The Dennis Prager Show” thông báo rằng, ông đã có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19 sau nhiều tháng tích cực cố gắng lây nhiễm. Ông Prager là một trong số những người phản đối vaccine tại Mỹ và nghĩ rằng miễn dịch tự nhiên thì tốt hơn.

Ông Prager cho biết đã phải được điều trị bằng kháng thể đơn dòng và một loạt các liệu pháp điều trị khác, nhiều phương pháp trong số đó chưa được Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) Mỹ phê duyệt. Đó là lý do ông vẫn may mắn sống sót nhưng nhiều người có hành động tương tự thì không.

Chủ động để “nhiễm trùng đột phá”

Ông Prager là một trong nhiều người truyền bá thông tin sai lệch về việc lây nhiễm COVID-19. Quan điểm phản đối vaccine đã khiến ông có hành động tai hại này. Tuy nhiên, đối với nhiều người đã được tiêm vaccine đầy đủ, họ vẫn chủ động để bị lây bệnh. Việc lây nhiễm COVID-19 sau khi đã tiêm vaccine đầy đủ được gọi là “nhiễm trùng đột phá”.

Triệu chứng của người đã được tiêm vaccine COVID-19 khi bị “nhiễm trùng đột phá” thường nhẹ, do đó nhiều người cố tình lợi dụng điều này để bị nhiễm bệnh sau khi đã được tiêm. Họ tin rằng khi khỏi bệnh, cơ thể sẽ tạo được siêu miễn dịch, nhưng nhiều người bị “nhiễm trùng đột phá” đã phải nhập viện và thậm chí tử vong vì niềm tin sai lệch này. Tháng 9/2021, CDC Mỹ thống kê hơn 10.000 người đã phải nhập viện do “nhiễm trùng đột phá”, 2.500 người tử vong do mắc COVID-19 sau khi đã tiêm chủng đầy đủ.

Lây nhiễm COVID-19 chủ động - Sự đánh đổi đầy rủi ro với hiểm họa khôn lường - Ảnh 1.

Đối với việc cố tình để lây nhiễm COVID-19, rủi ro cao hơn so với bất kỳ lợi ích nào có thể thu được. (Ảnh: Time Magazine)

Tác hại khôn lường của việc lây nhiễm chủ động

Theo các chuyên gia, không có cách nào để dự đoán mức độ nghiêm trọng của ca mắc COVID-19 sau khi lây nhiễm chủ động. Ngay cả với biến thể Omicron có triệu chứng ở mức độ nhẹ hơn so với các biến thể khác, đây vẫn sẽ là thảm họa đối với người dễ bị tổn thương, bao gồm tuổi cao, bệnh nền, người chưa tiêm chủng. Nhiều nước, trong đó có Nam Phi, Mỹ, Anh, Israel, Hàn Quốc, Thái Lan đã ghi nhận những ca tử vong do biến thể Omicron.

Ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới, nói: “Mặc dù Omicron gây ra bệnh ít nghiêm trọng hơn Delta nhưng nó vẫn là một loại virus nguy hiểm, đặc biệt đối với những người chưa được tiêm chủng“.

Mọi sự lây nhiễm đều có thể gây ra hiệu ứng domino, ảnh hưởng đến những người khác. Việc lây nhiễm COVID-19 dù chỉ với triệu chứng nhẹ cũng có thể gây quá tải hệ thống y tế các nước khi số ca mắc tăng cao. Chính vì điều này nhiều nước đã mạnh tay, như Thụy Điển phạt tù tới 5 năm đối với người cố tình lây mắc COVID-19.

Theo giới chuyên gia, tốt nhất là không nên để bị mắc COVID-19 dưới bất kỳ hình thức nào do có thể để lại hội chứng COVID kéo dài với các triệu chứng bao gồm mệt mỏi, sương mù não, khó thở và nhiều biểu hiện khác. Ngay cả những trường hợp mắc COVID-19 nhẹ cũng có thể dẫn đến tình trạng COVID-19 kéo dài.

Rủi ro cao hơn so với bất kỳ lợi ích nào có thể thu được chính là nhận định của hầu hết các chuyên gia y tế về việc cố tình để lây nhiễm COVID-19. Ngoài ra, theo Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ, vaccine COVID-19 và mũi tăng cường đã là đủ để cung cấp cho mọi người khả năng được bảo vệ mạnh mẽ. Do đó, việc cố tình lây nhiễm COVID-19 để tăng miễn dịch sẽ là một “sự đánh đổi” không cần thiết đối với bất cứ ai.

Theo VTV


Lượt xem: 16

Trả lời