Không nên tiêm quá sớm mũi vaccine tăng cường

Cập nhật 26/10/2021, 14:10:13

Việc tiêm quá sớm mũi vaccine tăng cường trong thời gian dưới 6 tháng kể từ mũi đầu tiên sẽ không gây hại cho cơ thể, nhưng không hữu ích.

Các nước châu Âu chưa đồng thuận về việc tiêm mũi vaccine tăng cường cho người dân.

Đây là khuyến cáo từ chuyên gia dịch tễ của Nga. Theo khuyến cáo, cơ thể người không chỉ có các cơ chế cho phép sản xuất ra một lượng lớn kháng thể, mà còn có khả năng kiểm soát mức kháng thể này.

Vì vậy tiêm thêm liều tăng cường cho một người đang có lượng kháng thể cao thì mức kháng thể chỉ tăng không đáng kể. Mốc 6 tháng sẽ là thời gian tối thiểu để tiêm mũi tăng cường.

Theo các nhà nghiên cứu việc tiêm mũi tăng cường sau ít nhất 6 tháng kể từ mũi tiêm thứ hai sẽ mang lại lợi thế miễn dịch, tăng thời gian bảo vệ đạt được của các loại vaccine hiện có.

Hồi cuối tháng 9, Mỹ đã cho phép tiêm mũi vaccine thứ ba của Pfizer-BioNTech cho những người từ 65 tuổi trở lên và những người có nguy cơ cao bị bệnh nặng do bệnh lý nền hoặc có nguy cơ phơi nhiễm cao hơn do tính chất công việc của mình, như nhân viên y tế, nhân viên bán hàng tạp hóa.

Trong khi đó, ngày 21/10, Forbes đưa tin, các kết quả sơ bộ từ các thử nghiệm lâm sàng giai đoạn cuối cho thấy việc tiêm nhắc lại vaccine COVID-19 của Pfizer và BioNTech có hiệu quả cao trong việc ngăn ngừa các triệu chứng, tới 95,6%. Đây là kết quả đáng ấn tượng, được thử nghiệm lâm sàng trên 10.000 người có độ tuổi từ 16 trở lên.

Thử nghiệm được tiến hành vào thời điểm mà biến thể Delta của COVID-19 đang phổ biến và cho hiệu quả nhất quán bất kể tuổi tác, giới tính, dân tộc và các yếu tố khác.

Ngoài Mỹ, một số quốc gia trên thế giới đã cho phép tiêm mũi tăng cường đối với người đã tiêm đủ 2 mũi vaccine và những người có hệ thống miễn dịch kém, người già và những người dễ bị tổn thương, như Anh, Hàn Quốc, Thái Lan, Baran, Bỉ, Pháp…

Theo VTV

Lượt xem: 8

Trả lời