Kết quả Thượng đỉnh Mỹ-Triều: Chưa cụ thể nhưng đầy ý nghĩa

Cập nhật 13/6/2018, 13:06:01

Theo các nhà phân tích, thỏa thuận mà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên đạt được dù chưa cụ thể về phi hạt nhân hóa nhưng là một sự khởi đầu đầy ý nghĩa.

Sau cuộc gặp Thượng đỉnh ngày 12/6 tại Singapore, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã ký Tuyên bố chung, trong đó cam kết thiết lập mối quan hệ Mỹ-Triều Tiên đáp ứng khát khao của hai dân tộc vì hòa bình và thịnh vượng, nỗ lực xây dựng một nền hòa bình lâu dài và ổn định trên Bán đảo Triều Tiên cũng như hướng tới phi hạt nhân hóa hoàn toàn Bán đảo Triều Tiên.

ket qua thuong dinh my trieu chua cu the nhung day y nghia hinh 1
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (trái) và Tổng thống Mỹ Donald Trump trong cuộc gặp Thượng đỉnh đầu tiên ngày 12/6 tại Singapore. Ảnh: AFP

Sự khởi đầu ý nghĩa

Theo giới chuyên gia, thỏa thuận mà Mỹ và Triều Tiên đạt được sau cuộc gặp Thượng đỉnh thiếu chi tiết cụ thể về vấn đề phi hạt nhân hóa, nhưng nó đánh dấu một sự khởi đầu đầy ý nghĩa về vấn đề đã được nói đến quá nhiều từ trước tới nay nhưng lại chưa thực sự bắt đầu.

Sau cuộc gặp Thượng đỉnh lịch sử với Tổng thống Mỹ Donald Trump, Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un cam kết phi hạt nhân hóa “hoàn toàn” trên Bán đảo Triều Tiên mà không đề cập cụ thể về khung thời gian hay các biện pháp – điều vốn là điểm chủ chốt trong quá trình dẫn tới thượng đỉnh.

Nhiều người đã kỳ vọng ông Trump có thể tạo được một thỏa thuận về quá trình phi hạt nhân hóa nhanh chóng và nghiêm ngặt trên Bán đảo Triều Tiên. Một số nhà phê bình thể hiện sự thất vọng về khi những yêu cầu cốt lõi lâu nay của Washington là phi hạt nhân hóa hoàn toàn, có thể xác minh và không thể đảo ngược (CVID), lại không được đề cập trong Tuyên bố chung.

Tuy nhiên, nhiều nhà quan sát cho rằng, một thỏa thuận như vậy sau nhiều năm thiếu vắng các cuộc đàm phán về giải trừ hạt nhân, dù là song phương hay 6 bên, vẫn là một sự khởi đầu đầy ý nghĩa cho những gì sẽ diễn ra sắp tới: Hợp tác giữa 2 nước đối địch một thời gian dài, việc xây dựng lòng tin và hướng tới phi hạt nhân hóa.

Trao đổi với hãng thông tấn Yonhap của Hàn Quốc, ông Nam Chang-hee, chuyên gia an ninh tại Đại học Inha, cho rằng: “Việc soạn thảo một văn bản như vậy ở một cuộc gặp gỡ đầu tiên là một kết quả hết sức ý nghĩa. Dù phi hạt nhân hóa hoàn toàn có thể sẽ phải mất thời gian dài, nhưng Triều Tiên sẽ vẫn hợp tác ở chừng mực mà họ sẽ không vi phạm cơ chế không phổ biến vũ khí hạt nhân”.

Trong buổi họp báo sau cuộc gặp Thượng đỉnh, Tổng thống Donald Trump nói rằng, việc giải giáp vũ khí hạt nhân của Triều Tiên sẽ diễn ra sớm nhất có thể, nhưng ông không nêu ra thời hạn chót.

Mỹ vốn coi CVID là một yếu tố chủ chốt. Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích cho rằng, Mỹ và Triều Tiên vẫn chưa làm rõ khái niệm “phi hạt nhân hóa” của 2 bên có trùng khớp nhau hay không”.

Ông Koh Yoo-hwa, giáo sư nghiên cứu về Triều Tiên tại Đại học Dongguk của Hàn Quốc cho rằng, khái niệm “phi hạt nhân hóa hoàn toàn” mà Triều Tiên tuyên bố có thể được coi là tương đương với CVID”.

Bước đầu hướng tới hòa bình trên bán đảo Triều Tiên

Ngoài vấn đề phi hạt nhân hóa, Tuyên bố chung giữa Mỹ và Triều Tiên còn đề cập tới việc thiết lập mối quan hệ mới giữa 2 nước, xây dựng một nền hòa bình lâu dài và ổn định trên Bán đảo Triều Tiên.

Đây cũng được xem là bước khởi mới cho mối quan hệ giữa 2 nước thù địch thời chiến tranh (Chiến tranh Triều Tiên) và mở ra trang mới cho hòa bình trên bán đảo Triều Tiên.

Lần đầu tiên ngồi lại với nhau của lãnh đạo 2 nước ở 2 bên chiến tuyến trong chiến tranh Triều Tiên có thể đem lại một tuyên bố chung cũng là một thành công. Dù không đề cập tới khung thời gian cụ thể, nhưng nó tạo không gian để 2 bên có thể thúc đẩy thành một mối quan hệ hợp tác.

Một trong những điều được xem là nhượng bộ lớn nhất đối với Bình Nhưỡng, là việc ông Trump tuyên bố sẽ chấm dứt “trò chơi chiến tranh” với Hàn Quốc, khi đề cập tới các cuộc tập trận chung Mỹ-Hàn mà lâu nay vẫn bị Triều Tiên chỉ trích.

Tuyên bố chung Mỹ-Triều cũng nói rằng hai nước sẽ nỗ lực xây dựng một cơ chế hòa bình ổn định và lâu dài trên bán đảo Triều Tiên.

“Quá khứ không định hình cho tương lai, và lịch sử đã chứng minh điều đó khi kẻ thù có thể trở thành bạn bè”. Tổng thống Trump đã nói như vậy trong buổi họp báo sau cuộc gặp Thượng đỉnh. Đặc biệt, ông bày tỏ hy vọng có thể chính thức chấm dứt chiến tranh Triều Tiên 1950-1953 mà các bên mới chỉ ký Hiệp định đình chiến chứ không phải hiệp ước hòa bình./.

Theo VOV


Lượt xem: 26

Trả lời