Iran có 6 “gọng kìm” tấn công Mỹ và đồng minh nếu chiến tranh xảy ra

Cập nhật 22/5/2019, 19:05:32

Iran có nhiều cách để tấn công Mỹ cùng các đồng minh của Washington trong khu vực nếu chiến tranh bùng nổ.

Iran có thể triển khai tên lửa, thủy lôi, máy bay không người lái và hàng nghìn tay súng thuộc lực lượng thân Iran trên khắp Trung Đông nếu căng thẳng gia tăng giữa nước này với Mỹ bùng nổ thành một cuộc chiến tranh.

iran co 6 "gong kim" tan cong my va dong minh neu chien tranh xay ra hinh 1
Các tay súng Hezbollah tại biên giới Syria-Lebanon. Ảnh: AP.

Thủy lôi của Iran sẽ tạo ra mối đe dọa lớn còn tên lửa của nước này có khả năng tấn công các tàu chiến của Mỹ, gây ra sự hỗn loạn tại Saudi Arabia, Israel và nhiều quốc gia vùng Vịnh khác. Trên khắp các sa mạc, Iran có những chiến binh gan góc, sẵn sàng chiến đấu với quân đội Mỹ tại Iraq, Syria và Afghanistan.

Vùng Vịnh

Các chỉ huy của Lực lượng Vệ binh cách mạng Iran từ lâu đã cảnh báo rằng trong trường hợp có chiến tranh, họ có thể cắt đứt nguồn cung cấp dầu từ vùng Vịnh đi qua Eo biển Hormuz tới Ấn Độ Dương. Iran nắm giữ một phần Eo biển Hormuz, vì vậy việc trung chuyển hàng hóa qua đây luôn phải chịu sự giám sát của các lực lượng Iran đồn trú trên biển hoặc trên bờ. Với lợi thế như vậy, Iran có thể điều tàu chặn tại khu vực này hoặc đặt thủy lôi đe dọa các tàu chở dầu khác đi qua đây.

Ngoài ra Iran có thể sử dụng tên lửa tấn công trực tiếp vào các lực lượng Mỹ tại vùng Vịnh. Hiện Mỹ đang đặt Trung tâm chỉ huy chiến dịch không quân hỗn hợp tại căn cứ không quân al-Udaid ở Qatar và có lực lượng hải quân đồn trú tại Bahrain. Bên cạnh đó lực lượng không quân Mỹ cũng sử dụng căn cứ không quân al-Dhafra tại Abu Dhabi và căn cứ không quân Ali Al Salem tại Kuwait. Chính phủ các nước Bahrain và Saudi Arabia từng cáo buộc Iran đang lên kế hoạch tấn công các lực lượng an ninh của những quốc gia này trong những năm gần đây, tuy nhiên Iran đã bác bỏ mọi cáo buộc.

Ngoài tấn công các căn cứ quân sự của Mỹ, tên lửa Iran có thể nhắm mục tiêu vào cơ sở hạ tầng của các nước vùng Vịnh, như nhà máy cung cấp điện, nhà máy cung cấp nước, nhà máy hóa dầu và khí đốt.

Tấn công từ Iraq

Các nhóm Shi’ite do Iran hậu thuẫn ngày càng trở nên lớn mạnh sau cuộc chính biến tại Iraq năm 2003. Hiện nay một số nhóm đã sáp nhập vào lực lượng an ninh của Iraq. Điều này cho thấy vai trò mở rộng của họ bất chấp sự hiện diện của quân đội Mỹ tại quốc gia này. Trong số này có 4 nhóm mạnh nhất được Iran huấn luyện, trang bị và hỗ trợ gồm Asaib Ahl al-Haq, Kataib Hezbollah, Harakat Hezbollah al-Nujaba và tổ chức Badr. Khi chiến tranh xảy ra, nhiều khả năng họ sẽ được huy động để chống lại các lực lượng Mỹ.

Hiện tại, Mỹ đang có khoảng 5.200 binh sỹ đồn trú tại Iraq, phân bổ tại 4 căn cứ chính, sân bay Baghdad và các trụ sở của liên minh chống khủng bố do Mỹ dẫn đầu tại khu vực Vùng Xanh (Green Zone). Các lực lượng thân Iran kể trên có căn cứ rất gần nơi quân đội Mỹ đồn trú. Họ có năng lực tên lửa và máy bay không người lái rất mạnh mẽ.

Tấn công từ Yemen

Phiến quân Houthi tại Yemen luôn giương cao khẩu hiệu “Tử chiến với Mỹ, Tử chiến với Israel” trong mọi thời điểm. Mỹ từng hỗ trợ liên minh do Saudi Arabia dẫn đầu chống lại nhóm phiến quân này kể từ năm 2015. Cuộc xung đột đã khiến hàng chục nghìn người thiệt mạng và tạo ra một trong những thảm họa nhân đạo tồi tệ nhất lịch sử tại Yemen.

 Iran và lực lượng Houthi có mối liên hệ từ lâu đời, tuy nhiên cả hai đều bác bỏ cáo buộc của liên minh do Saudi Arabia dẫn đầu cho rằng Tehran đã huấn luyện và cung cấp vũ khí cho các tay súng Houthi. Kể từ khi cuộc chiến tại Yemen nổ ra, phiến quân Houthi bị cáo buộc thường sử dụng tên lửa và máy bay không người lái tấn công Saudi Arabia – một trong những đồng minh thân cận nhất của Mỹ.

Các chuyên gia của Liên Hợp Quốc cho biết, Houthi đang có trong tay những chiếc máy bay không người lái hiện đại có thể dội những quả bom lớn nhằm vào các mục tiêu ở xa với độ chính xác cao hơn trước kia. Houthi cũng kiểm soát lực lượng hải quân cũ của Yemen, cùng nhiều tàu cao tốc và ngư lôi. Điều này đồng nghĩa với việc họ có thể gây gián đoạn quá trình vận chuyển hàng hóa trên Biển Đỏ.

Tấn công từ Syria

Suốt 8 năm kề vai sát cánh cùng chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad trong cuộc xung đột tại Syria, Iran đã gây dựng được mạng lưới các lực lượng ủng hộ nước này tại những khu vực do chính phủ Syria kiểm soát. Trong số đó có nhóm Hezbollah của Lebenon, nhóm Nujaba của Iraq và nhóm Fatemiyoun của Afghanistan. Họ hoạt động gần biên giới giữa Syria và Iraq, gần căn cứ quân sự Tanf của Mỹ và gần Cao nguyên Golan do Israel kiểm soát. Israel từng một số lần nhắm mục tiêu tấn công vào căn cứ của Iran và đồng minh nước này tại Syria, tìm cách đẩy họ ra xa khu vực biên giới. Hồi tháng 1/2019, Israel đã cáo buộc các lực lượng Iran bắn tên lửa vào một khu nghỉ dưỡng tại Cao nguyên Golan.

Tấn công từ Lebanon

Nhóm vũ trang Hezbollah tại Lebanon được thành lập bởi lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran trong thời kỳ diễn ra nội chiến Lebanon hồi những năm 1980. Ngày nay, Hezbollah là nhóm vũ trang quyền lực nhất tại quốc gia này, nối dài tầm với của Iran tới tận biên giới Israel.

Hezbollah sở hữu một số lượng lớn rocket và tên lửa cỡ nhỏ có tầm bắn chính xác có thể vươn xa tới lãnh thổ Israel, trong đó có cả lò phản ứng hạt nhân của Tehran. Binh sĩ Hezbollah cũng được đánh giá cao với kinh nghiệm chiến đấu dày dặn rút ra từ cuộc chiến với Israel cũng như quá trình chiến đấu cùng quân đội chính phủ Syria. Hezbollah từng cảnh báo trong trường hợp xảy ra chiến tranh, họ sẽ xâm nhập vào các lực lượng chiến đấu trên khắp thế giới. Israel luôn coi Hezbollah là mối đe dọa lớn nhất tại khu vực biên giới và từng phát động cuộc tấn công vào Lebanon năm 2006 để tiêu diệt lực lượng Hezbollah song không thành công.

Ông Ibrahim al-Amin, một nhà báo ủng hộ Hezbollah viết trên tờ al-Akhbar của Lebanon rằng, nếu Israel can dự vào một cuộc chiến giữa Mỹ và Iran, tấn công các lực lượng thân Iran thì “nước này sẽ trở thành mục tiêu thực sự của các đồng minh của Iran”.

Tấn công từ Afghanistan

Nhiều quan chức phương Tây và một số nhà phân tích cho rằng Iran đã cung cấp một số hỗ trợ nhất định cho Taliban, cả về mặt vũ khí lẫn tài chính và hậu cần. Bên cạnh đó, một báo cáo do Viện Hòa bình Mỹ công bố hồi tháng 3 vừa qua cho biết, có tới 50.000 tay súng Afghanistan đã tham chiến tại Syria. Họ là một phần của nhóm vũ trang Fatemiyoun do Tehran hậu thuẫn.

Nhóm này đã ban hành một tuyên bố cách đây 2 năm, trong đó cam kết chiến đấu tại bất cứ nơi nào mà lãnh tụ tối cao Iran Ali Khamenei yêu cầu. Mỹ hiện có 14.000 binh sỹ đang đồn trú tại Afghanistan và Washington cũng áp đặt trừng phạt đối với nhóm vũ trang Fatemiyoun vào tháng 1 vừa qua. Hãng tin Reuters dẫn lời một quan chức Iran cáo buộc Mỹ đã sử dụng sự hiện diện quân sự tại Afghanistan để đe dọa Iran từ các căn cứ của nước này./.

Theo VOV


Lượt xem: 18

Trả lời