Hơn 93,3 triệu người nhiễm COVID-19 trên thế giới, dịch bệnh tại châu Á diễn biến phức tạp

Cập nhật 15/1/2021, 06:01:29

Đến sáng 15/1, thế giới đã ghi nhận trên 93,3 triệu ca nhiễm COVID-19, trong đó hơn 1,99 triệu người đã tử vong vì đại dịch này.

Mỹ tiếp tục là nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch bệnh COVID-19 với trên 23,7 triệu ca mắc và gần 396.800 trường hợp tử vong. Trong ngày qua, Mỹ đã ghi nhận thêm 161.400 người nhiễm virus SARS-CoV-2.

Tại tâm dịch COVID-19 lớn thứ hai thế giới Ấn Độ, tổng cộng trên 10,5 triệu người đã nhiễm bệnh, bao gồm gần 152.000 người tử vong. Ngày 14/1, Ấn Độ đã báo cáo hơn 15.500 trường hợp nhiễm mới.

Trong 24 giờ qua, Brazil đã ghi nhận hơn 66.800 ca mắc COVID-19 mới, nâng tổng số người nhiễm bệnh lên trên 8,3 triệu trường hợp. Đến nay, hơn 207.000 bệnh nhân COVID-19 đã không qua khỏi ở quốc gia này.

Ngày 14/1, Tổ chức Y tế liên Mỹ (PAHO) thông báo đã có 8 quốc gia ở châu Mỹ phát hiện trường hợp nhiễm biến thể mới của virus SARS-CoV-2 được phát hiện tại Anh và 2 nước xác nhận các ca nhiễm biến thể được phát hiện tại Nam Phi. Các nước ghi nhận ca nhiễm biến thể tại Anh gồm Brazil, Canada, Chile, Ecuador, Jamaica, Mexico, Peru và Mỹ. Trong khi đó, Brazil và Canada là hai nước phát hiện sự xuất hiện của biến thể tại Nam Phi.

Hơn 93,3 triệu người nhiễm COVID-19 trên thế giới, dịch bệnh tại châu Á diễn biến phức tạp - Ảnh 1.

Đến nay, biến thể virus SARS-CoV-2 đã lan ra hơn 50 quốc gia và vùng lãnh thổ. (Ảnh: AP)

Các biến thể này có thể lây lan một cách dễ dàng hơn và đe dọa tới khả năng phản ứng của hệ thống y tế. PAHO cũng cảnh bảo, sự gia tăng của số ca nhiễm mới ở khu vực châu Mỹ trong những tuần gần đây, đặc biệt là trong tuần trước với số ca nhiễm mới kỷ lục lên tới 2,5 triệu trường hợp. Hầu như tất cả các nước ở châu Mỹ đều ghi nhận tình trạng lây nhiễm gia tăng, trong đó nghiêm trọng nhất là Mỹ. Ngoài ra, vùng Nam Mỹ đã bước vào mùa hè cũng ghi nhận số ca nhiễm mới gia tăng, kể cả các nước như Argentina hay Chile vốn trước đó đã có thời gian ghi nhận xu hướng giảm rõ rệt.

Do dịch bệnh COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, Chính phủ Nhật Bản đã quyết định tạm dừng áp dụng chính sách nới lỏng nhập cảnh vì mục đích thương mại đối với 11 nước và vùng lãnh thổ ưu tiên, trong đó có Việt Nam, từ 0h ngày 14/1/2021. Như vậy, Chính phủ Nhật Bản sẽ tạm dừng cấp thị thực nhập cảnh mới cho người nước ngoài, trừ những trường hợp đặc biệt như đám tang người thân hoặc sinh con. Đối với những trường hợp đã được cấp thị thực sẽ được nhập cảnh muộn nhất là 0h ngày 21/1/2021.

Malaysia đã buộc phải tái ban bố lệnh hạn chế di chuyển từ nay đến ngày 26/1 tới nhằm hạn chế dịch COVID-19 lây lan mạnh. Ngày 14/1, nước này ghi nhận trên 3.300 ca nhiễm mới. Ngày 12/1 vừa qua, Quốc vương Malaysia đã phải ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia nhằm ứng phó với đại dịch COVID-19. Đến nay, Malaysia đã xác nhận trên 147.800 ca mắc COVID-19, trong đó có 578 trường hợp thiệt mạng.

Hơn 93,3 triệu người nhiễm COVID-19 trên thế giới, dịch bệnh tại châu Á diễn biến phức tạp - Ảnh 2.

Indonesia đã triển khai tiêm chủng đại trà vaccine COVID-19 cho người dân. (Ảnh: AP)

Indonesia đã bắt đầu chương trình tiêm chủng đại trà vaccine COVID-19. Chương trình được triển khai chỉ 1 ngày sau khi Tổng thống Joko Widodo tiêm mũi vaccine đầu tiên. Loại vaccine được Indonesia sử dụng do công ty Sinovac Biotech của Trung Quốc phát triển. Các nhân viên y tế là nhóm ưu tiên chính. Dự kiến, khoảng 1,4 triệu nhân viên y tế trên cả nước sẽ dần được tiêm chủng, sau đó đến giới công chức. Giới chức y tế Indonesia hy vọng, chương trình tiêm chủng đại trà này sẽ giúp nước này đạt được miễn dịch cộng đồng sau khi 70% trong tổng số 270 triệu dân được tiêm. Hiện tại, Indonesia đặt mục tiêu tiêm củng cho khoảng 180 triệu người, tương đương 2/3 dân số, trong vòng 15 tháng.

Tình hình dịch COVID-19 đang rất phức tạp tại Trung Quốc. Nước này đã xuất hiện ca tử vong đầu tiên sau gần 8 tháng, trong khi số ca nhiễm mới liên tục lập đỉnh. Ngày 14/1, Trung Quốc đã có tới 138 ca mắc COVID-19 mới. Nhiều biện pháp đang được chính quyền nước này gấp rút thực hiện để ứng phó. Hiện Trung Quốc ghi nhận hơn 87.800 trường hợp nhiễm bệnh, trong đó trên 4.600 bệnh nhân đã tử vong.

Ngày 14/1, một nhóm các nhà khoa học của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã đến thành phố Vũ Hán để điều tra về nguồn gốc virus SARS-COV-2. Đoàn bao gồm 15 người. Sau 2 tuần cách ly, các nhà khoa học này sẽ bắt đầu công việc. Chuyến công tác dự kiến sẽ kéo dài hơn 1 tháng. Theo WHO, việc xác định khởi nguồn của virus không phải để tìm người đổ lỗi mà nhằm thu thập dữ liệu, nghiên cứu khoa học, phục vụ ngăn ngừa những đại dịch tương lai. Trung Quốc hoan nghênh chuyến đi của các chuyên gia WHO, khẳng định sẽ phối hợp chặt chẽ và cung cấp mọi thông tin cần thiết.

Cùng ngày, Cuba đã quyết định siết chặt các biện pháp phòng dịch sau khi số ca mắc COVID-19 mới tăng đột biến với 505 trường hợp, nâng tổng số ca nhiễm ở nước này lên hơn 16.500 bệnh nhân. Các biện pháp này bao gồm đóng cửa trường học, quán bar và nhà hàng. đồng thời tạm dừng tất cả phương tiện giao thông công cộng vào ban đêm. Các quán ăn chỉ được phép cung cấp dịch vụ giao hàng tại nhà. Phương tiện giao thông công cộng đều dừng hoạt động lúc 21h.

Theo VTV


Lượt xem: 21

Trả lời