Hội nghị Ngoại trưởng NATO “nóng” vấn đề cải tổ

Cập nhật 22/11/2019, 13:11:04

Ngoại trưởng các nước thành viên khối NATO vừa nhóm họp tại Brussels, Bỉ với hàng loạt vấn đề đang được các nước đặc biệt quan tâm.

Ngoài việc chuẩn bị cho Hội nghị Thượng đỉnh NATO sắp diễn ra vào đầu tháng 12 tới, Hội nghị Ngoại trưởng lần này đã phải đối diện với những hoài nghi về vị thế và vai trò của khối quân sự lớn hàng đầu thế giới trong bối cảnh hiện nay.

hoi nghi ngoai truong nato "nong" van de cai to hinh 1
Biểu tượng của NATO. Ảnh: Shutterstock.

Điều chỉnh hay thay đổi theo hướng nào để có thể lấy lại được hình ảnh và uy tín của NATO, đâu là những giải pháp được đề ra tại hội nghị vừa qua? Đặc biệt trong bối cảnh, chính nội bộ các nước trong khối cũng đang có những tranh cãi và bất đồng.

Pháp hoài nghi về vai trò của NATO

Cho đến nay, chưa có một phát biểu chính thức nào từ phía Mỹ, dù là Tổng thống Donald Trump hay các quan chức quốc phòng, ngoại giao nước này, về việc Mỹ sẽ rút khỏi NATO.

Cách đây 2 năm, trong một Thượng đỉnh NATO, truyền thông châu Âu đưa tin rằng ông Donald Trump đe doạ các nước châu Âu là nếu các nước này không tăng ngân sách quốc phòng và chia sẻ gánh nặng tài chính với Mỹ thì Mỹ sẽ rút dần các cam kết với NATO. Tuy nhiên, đây chỉ là một thông tin không chính thống còn cho đến hiện tại thì cả chính quyền của ông Trump, và quan trọng nhất là cả hai viện Quốc hội Mỹ cũng như hai đảng Cộng hoà và Dân chủ vẫn đều coi NATO là một trụ cột quan trọng hàng đầu trong chính sách an ninh và đối ngoại của Mỹ.

Trong khi đó, phát biểu của Tổng thống Pháp, Emmanuel Macron về việc “NATO chết não” là rất rõ ràng. Nó thể hiện sự thất vọng và bất mãn cao của Pháp trước thực trạng hiện nay của NATO. Dù nhiều nước NATO phản đối phát biểu của ông Macron và vẫn ca ngợi NATO, đặc biệt các nước Bắc Âu, Đông Âu và Baltic thì thực tế là NATO đang có nhiều vấn đề, trong đó nổi bật nhất là 3 thách thức.

Đầu tiên, đó là vai trò lãnh đạo của Mỹ. Dù Mỹ khó có thể từ bỏ NATO nhưng các cam kết của Mỹ với khối quân sự này chắc chắn sẽ thay đổi khi giờ đây ưu tiên chiến lược của Mỹ là Ấn Độ-Thái Bình Dương. Mỹ thậm chí đang dần từ bỏ Trung Đông, khu vực có tác động địa chính trị trực tiếp và quan trọng đến châu Âu, và chỉ giữ lại sự hiện diện của mình ở một số nơi then chốt.

Với các đồng minh châu Âu, các chính sách của Mỹ đang có sự lệch pha rõ rệt và rõ ràng là chính quyền của ông Donald Trump không hề xem đó là việc quan trọng. Ví dụ điển hình, đó là Mỹ đã không hề thông báo trước cho các đồng minh châu Âu về việc rút quân khỏi miền Bắc Syria nên các nước như Pháp đã không có thời gian chuyển quân và các vũ khí hạng nặng khỏi khu vực này khi Thổ Nhĩ Kỳ phát động tấn công người Kurd. Và hiện giờ thì Mỹ chỉ để lại khoảng 600 quân để canh các giếng dầu, mặc kệ các thiệt hại của đồng minh.

Vì vậy, các nước NATO sẽ cần có một cam kết rõ ràng và dài hạn của phía Mỹ đối với khối quân sự này.

 Vấn đề thứ hai, mà có lẽ là hệ luỵ của vấn đề đầu tiên khi sự lãnh đạo của Mỹ mờ nhạt, đó là việc NATO có những thành viên không thể kiểm soát như Thổ Nhĩ Kỳ. Thổ Nhĩ Kỳ là quốc gia thành viên có quân đội lớn thứ hai trong NATO, chỉ sau Mỹ và lại giữ vị trí địa chính trị vô cùng quan trọng tại ngã ba Trung Đông.

Tuy nhiên, trong thời gian qua, Thổ Nhĩ Kỳ liên tiếp có các hành động được coi là nổi loạn, như mua hệ thống phòng không S-400 của Nga, tấn công người Kurd ở miền Bắc Syria… nên thậm chí đã có tiếng nói trong nội bộ NATO đòi tước tư cách thành viên của Thổ Nhĩ Kỳ. Tất nhiên, đây không phải là việc đơn giản vì vai trò địa chính trị của Thổ Nhĩ Kỳ là quá lớn.

Vấn đề thứ 3 của NATO, cũng chính là các tranh cãi gần đây xunh quanh ông Macron, đó là là mục tiêu chiến lược về mặt chính trị của NATO trong tương lai là gì? NATO đã trải qua 3 giai đoạn, từ chiến tranh Lạnh đối đầu với Liên Xô, cho đến việc mở rộng thành viên, Đông tiến sau khi kết thúc Chiến tranh lạnh và bây giờ có thể xem là giai đoạn 3, đó là phải xác định xem NATO muốn trở thành một thực thể như thế nào trong bàn cờ chính trị thế giới những thập niên tới, sau khi trung tâm chính trị thế giới đang dịch chuyển sang phía Đông chứ không còn ở Đại Tây Dương.

Ý tưởng mới về NATO

Tại Hội nghị Ngoại trưởng vừa qua thì NATO đã thông qua 2 chiến lược đáng chú ý. Một, đó là NATO coi không gian vũ trụ là nơi cạnh tranh chiến lược trong những năm tới và sẽ đầu tư vào đó để ganh đua với Nga và Trung Quốc.

NATO tuyên bố không quân sự hoá không gian, tức không đưa vũ khí lên không gian vũ trụ nhưng sẽ phát triển năng lực bảo vệ các vệ tinh quân sự và dân sự của khối này. Tiếp đến, NATO sẽ theo dõi chặt chẽ và phân tích tác động của việc Trung Quốc liên tiếp gia tăng chi tiêu quân sự trong hơn 1 thập kỷ qua. Đây là hai chiến lược mới, bên cạnh các chính sách cũ như coi Nga là mối đe doạ với NATO hay kêu gọi các nước thành viên sớm hoàn tất yêu cầu tăng ngân sách quốc phòng hàng năm lên mức 2% GDP.

Tuy nhiên, đáng chú ý hơn cả, đó là việc các nước Pháp và Đức đưa ra đề xuất lập các nhóm thảo luận về tương lai chính trị của NATO. Đề xuất của Đức khiêm tốn hơn, đó là lập một Uỷ ban dưới sự điều hành của Tổng thư ký NATO để thảo luận về tương lai NATO và sẽ tổng hợp thành một báo cáo trình lên Hội nghị Thượng đỉnh các nguyên thủ NATO vào năm 2021, trong khi Pháp muốn lập hẳn một nhóm chuyên gia gồm các nhà ngoại giao và chính trị gia kỳ cựu, thảo luận độc lập về các đường lối chính trị, về các mục tiêu, các giá trị của NATO cũng như tham vọng riêng của châu Âu.

Ngoài ra Pháp cũng muốn thảo luận triệt để mối quan hệ giữa NATO với Nga. Đây là chủ đề cực kỳ gai góc và luôn gây chia rẽ trong NATO bởi trong khi Pháp đã chủ động thiết lập lại mối quan hệ mới với Nga trong vài tháng qua thì một số thành viên NATO khác như Ba Lan hay các nước Baltic thì lại chống Nga một cách gay gắt vì các nước này coi Nga là mối đe doạ an ninh trực tiếp.

NATO  sẽ chuyển thành liên minh quân sự-chính trị?

Từ sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc thì trên thực tế, NATO không có đối thủ trực tiếp. Về mặt quân sự, đây vẫn là khối quân sự mạnh nhất trên hành tinh cả về tài lực và vật lực. Năm 2018, chi tiêu quốc phòng của NATO lên tới 963 tỷ USD. Chỉ riêng ngân sách quốc phòng hàng năm của Mỹ, nước lãnh đạo NATO, đã gấp 2,5 lần ngân sách quốc phòng của Trung Quốc và gấp hơn 10 lần ngân sách quốc phòng của Nga, tức là hai đối thủ đáng kể nhất của NATO về quân sự. Vì vậy, bất kể các quan chức NATO có tuyên truyền ra sao về mối đe doạ của Nga, của Trung Quốc, của Iran hay của Triều Tiên… thì khối quân sự này cũng không hề đối mặt với một thách thức nghiêm trọng nào từ bên ngoài.

Vì vậy, đối với NATO, vấn đề chính là khối quân sự này liệu có thể biến đổi thành một liên minh chặt chẽ hơn về mặt chính trị hay không, tức là xa rời nguyên tắc phòng thủ tập thể ban đầu để trở thành một liên minh quân sự-chính trị chủ động can dự vào mọi điểm nóng trên thế giới. Điều này sẽ phụ thuộc chủ yếu vào ưu tiên chiến lược của Mỹ trong thời gian tới./.

Theo VOV


Lượt xem: 34

Trả lời