Hội nghị cấp cao Anh – Pháp: Nóng vấn đề người tị nạn và Brexit

Cập nhật 05/3/2016, 06:03:32

Trước thềm hội nghị cấp cao Anh – Pháp, kịch bản Brexit và cuộc khủng hoảng nhập cư đã khiến hai nước không hài lòng với nhau.

Ngày 3/3 tại thành phố Amiens, miền Bắc nước Pháp đã diễn ra Hội nghị cấp cao hàng năm Anh- Pháp lần thứ 34. Đây là một sự kiện được dư luận châu Âu quan tâm bởi không giống như mọi năm, cuộc gặp này diễn ra trong bối cảnh quan hệ hai nước đang trải qua thời kỳ sóng gió, với một loạt những vấn đề lớn gây chia rẽ từ việc nước Anh muốn rời Liên minh châu Âu (EU) hay xử lý cuộc khủng hoảng nhập cư hiện nay.

hoi nghi cap cao anh - phap: nong van de nguoi ti nan va brexit hinh 0
Các quan chức Anh và Pháp tham dự Hội nghị cấp cao Anh – Pháp hàng năm lần thứ 34 ở Amiens. (Ảnh: lemonde)

 

 Đúng như dự báo của giới chuyên gia, Hội nghị cấp cao Anh- Pháp lần thứ 34 tại Amiens đã diễn ra trong bầu không khí khá căng thẳng. Khả năng nước Anh rời Liên minh châu Âu hay cuộc khủng hoảng nhập cư hiện nay đã khiến cả Anh và Pháp đều không hài lòng với nhau.

Trong khi đối với sự đi hay ở của nước Anh, Pháp lâu nay vẫn được xem là một trong những nước thành viên khó thuyết phục nhất, thì trong với vấn đề quản lý khủng hoảng nhập cư, đối với Pháp, Anh lại là một thành viên “vô trách nhiệm nhất”.

Trong khi đa số các nước thành viên EU đang phải đau đầu trước làn sóng người nhập cư ồ ạt đổ vào châu lục ngày càng vượt tầm kiểm soát, thì Anh dường như lại là một ngoại lệ. Không tham gia Hiệp ước tự do đi lại Schengen, Anh không chịu nhiều ràng buộc liên quan tới việc tiếp nhận người tị nạn.

Là một điểm đến mơ ước của người nhập cư, với nhiều chính sách ưu đãi về an ninh hay việc làm, song Chính phủ Anh lại khá cứng rắn trong các tiêu chí về xin nhập cư và tị nạn. Chính điều này đã đặt nước Anh vào thế đối đầu với các nước thành viên khác, mà đặc biệt là Pháp khi buộc nước này phải tiếp nhận một lượng lớn người nhập cư đang tìm cách vượt biên trái phép sang Anh. Chính phủ Pháp nhiều lần công khai thể hiện “sự khó chịu” với nước Anh và yêu cầu Anh hành xử một cách có trách nhiệm hơn.

Ngoài ra, giống như nhiều nước châu Âu khác, giới chức Pháp cũng chỉ trích Anh vì sự đóng góp ít ỏi trong việc chia sẻ trách nhiệm tiếp nhận người nhập cư. Hiện tại nước Anh hàng năm nhận số người xin tị nạn chỉ bằng 1/3 so với Pháp và bằng 1/6 so với Đức. Trong khi đó, Anh cũng không ngừng công kích Pháp “làm việc thờ ơ, thiếu hiệu quả và hoàn toàn không biết cách xử lý khủng hoảng”.

 Tuy nhiên, tại cuộc gặp hôm qua (3/3), trái với dự báo của giới chuyên gia, trước những chỉ trích của Pháp, Thủ tướng Anh David Cameron lại có phần mềm mỏng hơn khi thông báo khoản hỗ trợ bổ sung hơn 20 triệu euro để giúp Pháp tiếp nhận người tị nạn và đảm bảo an ninh tại Calais.

Có thể nói, vấn đề nhập cư và khả năng nước Anh rời EU là hai mặt của một vấn đề. Ngay trước thềm hội nghị cấp cao Anh- Pháp, Bộ trưởng Kinh tế Pháp Emmanuel Macron cảnh báo, nếu nước Anh rời EU, Pháp sẽ “giải phóng” cho người nhập cư đang mắc kẹt tại Calais. Phát biểu sau cuộc gặp với Thủ tướng Anh David Cameron, Tổng thống Pháp Francois Hollande cũng một lần nữa nhắc lại lập trường này.

Ông Hollande nói: “Tôi không thể phủ nhận rằng, nếu Anh rời EU, chắc chắn sẽ có những hậu quả trong nhiều lĩnh vực, đối với thị trường chung, sự lưu thông của hàng hóa và con người. Điều này sẽ không ảnh hưởng tới các mối quan hệ lịch sử và hữu nghĩ giữa hai nước, song sẽ có hậu quả đối với cách thức chúng ta quản lý cuộc khủng hoảng nhập cư”.

Dù diễn ra trong bầu không khí căng thẳng song giữa lúc châu Âu đang phải đối mặt với quá nhiều chỉ trích vì sự thiếu đoàn kết hay chia rẽ như hiện nay, dù không hài lòng với nhau, song cả Pháp và Anh đều tránh những ngôn từ có thể gây chia rẽ.

Hai nước đều cố gắng đạt được nhận thức chung rằng, vấn đề nhập cư và hơn hết là sự tồn tại của EU nằm ở khu vực sườn phía Đông Địa Trung Hải, tức là nơi gần với cuộc khủng hoảng tại Syria nhất. Theo Tổng thống Pháp Hollande, Liên minh châu Âu, trong đó có Anh và Pháp cần phải tìm ra giải pháp không chỉ cho người tị nạn  tại Calais, mà cả ở Hy Lạp, Syria và Thổ Nhĩ Kỳ. Bởi hậu quả của nó không phải là sự đi hay ở của một quốc gia, mà cả châu Âu đều gặp nguy hiểm./.

VOV


Lượt xem: 30

Trả lời