Hiệp ước kiểm soát vũ khí chiến lược Nga-Mỹ được định đoạt năm 2020?

Cập nhật 23/12/2019, 15:12:15

Năm 2020 được cho là một năm trụ cột cho các cuộc đàm phán kiểm soát vũ khí hạt nhân Nga-Mỹ, khi Hiệp ước START mới sẽ hết hạn vào đầu năm 2021.

Nga và Mỹ dường như đang cố gắng tìm kiếm thỏa hiệp để gia hạn Hiệp ước lớn cuối cùng ràng buộc giữa hai cường quốc về vấn đề vũ khí hạt nhân, tránh khả năng xảy ra một cuộc chạy đua vũ trang bắt đầu vào năm 2021.

Nga hôm qua (22/12) tuyên bố sẵn sàng đưa tên lửa đạn đạo nhiệt hạch hạng nặng RS-28 Sarmat và tên lửa siêu thanh Avangarg vào hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược mới (New START) với Mỹ, nếu hiệp ước này được gia hạn. Đây là 2 trong 6 loại “siêu tên lửa” mà Tổng thống Nga Vladimir Putin luôn tự hào nhắc đến trong hệ thống vũ khí của mình.

hiep uoc kiem soat vu khi chien luoc nga-my duoc dinh doat nam 2020? hinh 1

Năm 2020 quyết định số phận Hiệp ước kiểm soát vũ khí chiến lược Nga- Mỹ. Ảnh: Reuters

Tuyên bố này được cho là một trong những thiện chí của Nga muốn sớm gia hạn Hiệp ước, khi Mỹ nhiều lần chỉ trích START mới không quản lý được tất cả số vũ khí hạt nhân của Nga.

Tổng thống Vladimir Putin mới đây cũng khẳng định sẵn sàng gia hạn Hiệp ước START mới không kèm theo điều kiện: “Nga đã đưa ra đề xuất. Phía Nga tuyên bố sẵn sàng gia hạn Hiệp ước START mới. Tuy nhiên Nga chưa nhận được bất cứ câu trả lời đối với đề xuất của mình. Nếu không có START mới sẽ không còn bất cứ thỏa thuận chính nào trên thế giới để kiểm soát vũ khí hạt nhân”.

 Hiệp ước START mới hạn chế Mỹ và Nga triển khai không quá 1.550 đầu đạn hạt nhân, cũng như các loại tên lửa, máy bay ném bom trên đất liền và tàu ngầm vận chuyển đầu đạn. START mới vẫn có thể được gia hạn 5 năm tiếp theo, nếu hai bên đồng ý tiếp tục thỏa thuận. Tuy nhiên chính quyền của Tổng thống Trump đang do dự không gia hạn Hiệp ước, vì cho rằng không quản lý được số lượng vũ khí hạt nhân của Nga cũng như muốn đưa Trung Quốc vào trong tầm kiểm sóat vũ khí.

Đại sứ Mỹ về vấn đề kiểm soát vũ khí Robert Wood khẳng định: “Mỹ phát hiện ra việc Nga không đáng tin trong việc tuần thủ các quy định về kiểm soát vũ khí. Những hành động này của Nga đang gây gia tăng căng thẳng trên toàn cầu. Đã đến lúc Nga cần phải tuân thủ các quy định”.

Theo đánh giá của một số chuyên gia, yêu cầu của nhà lãnh đạo Mỹ gia hạn Hiệp ước chẳng khác gì “viên thuốc độc” chấm dứt START mới, bởi vì Trung Quốc chắc chắn bác bỏ đề xuất này. Lo lắng Hiệp ước này sẽ bị xóa bỏ, nhiều nghị sĩ Mỹ đang gia tăng sức ép với Tổng thống Trump gia hạn Hiệp ước, với cảnh báo nước Mỹ sẽ đối mặt với những hậu quả đầu tiên, kể cả trong ngắn hạn và dài hạn. Trong một dấu hiệu cho thấy có sự nới lỏng lập trường của Mỹ, trợ lý Ngoại trưởng Mỹ về An ninh quốc tế và không phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt Christopher Ford trong tháng này tuyên bố, Mỹ đang tìm kiếm khả năng gia hạn Hiệp ước, song vẫn chưa có quyết định nào liên quan tới vấn đề này được đưa ra.

Bận rộn với chiến dịch tranh cử vào năm 2020, nhưng rõ ràng Tổng thống Trump sẽ không thể “lơ là” với các cuộc đàm phán về kiểm soát vũ khí với Nga. Nếu không được gia hạn thì đây sẽ là lần đầu tiên trong 5 thập kỉ không có Hiệp ước giới hạn vũ khí hạt nhân Nga-Mỹ.  Sau khi Hiệp ước các lực lượng tầm trung INF bị xóa bỏ vào tháng 8 vừa qua, sự vắng bóng của START mới trong tương lai cũng đồng nghĩa với việc nguy cơ bùng phát các cuộc chạy đua vũ trang và xung đột sẽ càng trở nên hiện hữu bởi sự chia rẽ và cạnh tranh giữa các cường quốc./.

Theo VOV


Lượt xem: 20

Trả lời