Hàng loạt quốc gia nới lỏng hạn chế phòng dịch, số ca mắc mới tại Hàn Quốc cao thứ hai trên thế giới

Cập nhật 25/2/2022, 07:02:13

Đến sáng 25/2, thế giới có trên 431,26 triệu người mắc COVID-19, trong đó hơn 5,94 triệu trường hợp đã tử vong vì đại dịch này.

Hơn 431,26 triệu người trên thế giới đã mắc virus SARS-CoV-2

Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi dịch COVID-19 vẫn là Mỹ với trên 80,4  triệu ca mắc và gần 967.500 trường hợp tử vong. Trong ngày qua, Mỹ ghi nhận thêm hơn 29.000 người nhiễm virus SARS-CoV-2.

Hãng tin Asian News International (ANI) của Ấn Độ ngày 24/2 đưa tin, biến thể Omicron gây ra nhiều ca tử vong hơn biến chủng Delta tại Mỹ. ANI dẫn nhật báo Seattle Times của Mỹ cho biết, kể từ ngày 24/11/2021, khi Nam Phi lần đầu tiên thông báo về biến thể Omicron với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Mỹ ghi nhận hơn 30.163.600 ca mắc mới với hơn 154.750 người tử vong. Trong khi đó, từ ngày 1/8 đến 31/10/2021, khoảng thời gian diễn ra giai đoạn tồi tệ nhất với sự gia tăng biến thể Delta tại Mỹ, nước này ghi nhận 10.917.590 ca mắc mới với 132.616 trường hợp tử vong mới. Nguồn trên cho biết, số ca tử vong trong làn sóng biến thể Omicron cao hơn số ca tử vong trong thời gian cùng độ dài của làn sóng biến thể Delta khoảng 17%.

Theo nhận định của The Seattle Times, số ca tử vong cao cho thấy, điểm yếu vẫn tồn tại ở Mỹ, theo đó khi số ca mắc đã lên tới mức 30 triệu, thậm chí tỉ lệ tử vong thấp cũng sẽ đồng nghĩa số ca tử vong rất cao.

Tại tâm dịch COVID-19 lớn thứ hai thế giới Ấn Độ, vào ngày, nước này ghi nhận tổng cộng trên 42,88 triệu người mắc COVID-19, bao gồm hơn 512.900 trường hợp thiệt mạng vì COVID-19 tại quốc gia Nam Á này.

Brazil hiện là điểm nóng dịch bệnh lớn thứ 3 thế giới với gần 646.500 bệnh nhân COVID-19 không qua khỏi trong tổng số trên 28,48 triệu người nhiễm bệnh ở quốc gia này.

Thủ tướng Italy Mario Draghi thông báo, nước này sẽ dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp do COVID-19 vào ngày 31/3. Mục tiêu của việc nới lỏng các hạn chế là “mở lại mọi thứ càng nhanh càng tốt” sau hơn hai năm diễn ra đại dịch. Với thông báo này, nhiều hạn chế chống dịch của Italy sẽ được dỡ bỏ dần dần từ ngày 1/4.

Theo đó, công dân nước này sẽ không còn phải cách ly nếu họ tiếp xúc với bệnh nhân bị nhiễm COVID-19, trong khi việc đeo khẩu trang sẽ không bị bắt buộc ở các trường học. Nghĩa vụ xuất trình “thẻ xanh” để tham dự các sự kiện ngoài trời cũng có thể được xóa bỏ.

Chính phủ Iceland đã xác nhận, nước này sẽ dỡ bỏ tất cả các biện pháp từ ngày 24/2 bất chấp số lượng ca nhiễm COVID-19 vẫn cao.

“Chúng tôi đang trở lại cuộc sống bình thường nhưng virus vẫn ở bên chúng tôi”, Thủ tướng Iceland Katrín Jakobsdóttir cho biết sau cuộc họp chính phủ ở Reykjavik.

Trong 24 giờ qua, Iceland đã ghi nhận thêm 3.349 trường hợp mắc COVID-19 mới. Và Thủ tướng Jakobsdóttir cho biết không loại trừ việc tái áp đặt các biện pháp hạn chế nếu cần.

Các cơ quan y tế ở Ba Lan đã thông báo, quốc gia thành viên EU này sẽ dỡ bỏ hầu hết các hạn chế của mình vào cuối tháng 2. Từ ngày 1/3, Ba Lan sẽ không có giới hạn về số lượng người được phép vào trong nhà hàng và rạp hát, mặc dù khách hàng sẽ vẫn phải đeo khẩu trang ở khu vực trong nhà và tuân thủ giãn cách xã hội.

Các câu lạc bộ đêm sẽ được mở cửa trở lại vào ngày 3/3, trong khi những hạn chế về sức chứa đối với phương tiện giao thông công cộng, tại các trung tâm mua sắm và địa điểm thể dục thể thao cũng sẽ được dỡ bỏ. Bộ trưởng Bộ Y tế Ba Lan Adam Niedzielski cho biết, Chính phủ nước này sẽ quyết định xem có dỡ bỏ quy định bắt buộc đeo khẩu trang trong những tuần tới hay không.

Hàng loạt quốc gia nới lỏng hạn chế phòng dịch, số ca mắc mới tại Hàn Quốc cao thứ hai trên thế giới - Ảnh 1.

Ba Lan sẽ dỡ bỏ hầu hết các hạn chế phòng dịch vào cuối tháng 2. (Ảnh: AP)

Tổ chức Y tế liên châu Mỹ cho biết, sau 6 tuần liên tục tăng, số ca tử vong do COVID-19 đã lần đầu tiên giảm kể từ khi biến thể Omicron xuất hiện tại châu lục này. Cụ thể, trong tuần qua, cả châu Mỹ ghi nhận 29.000 ca tử vong, giảm 9% so với tuần trước đó; trong khi số người mắc mới là 2,2 triệu trường hợp, giảm 28%.

Tuy nhiên, cơ quan trên cảnh báo, nhiều nơi vẫn đang phải đối mặt với đỉnh dịch. Do đó, các nước cần duy trì các biện pháp phòng ngừa trước sự lây lan nhanh chóng của biến thể Omicron và khả năng xuất hiện các biến thể mới.

Trước chiều hướng số ca mắc mới COVID-19 đang giảm dần, một số nước Đông Nam Á đang lên kế hoạch nới lỏng thêm các hạn chế phòng dịch.

Vùng thủ đô Manila của Philippines đã nhất trí hạ mức cảnh báo đại dịch COVID-19 ở khu vực này xuống mức 1, mức thấp nhất trong thang gồm 5 cấp độ, bắt đầu từ ngày 1/3 tới. Động thái trên được đưa ra trong bối cảnh số ca mắc mới COVID-19 ở Philippines có chiều hướng giảm dần. Hiện vùng thủ đô Manila, có trên 13 triệu người dân sinh sống, được đặt trong mức cảnh báo thứ 2 về dịch bệnh từ ngày 1/2 đến ngày 28/2.

Philippines đã trải qua 4 làn sóng lây nhiễm dịch COVID-19 kể từ khi đại dịch bùng phát vào năm 2020.

Từ đầu tháng 3 tới, Thái Lan sẽ nới lỏng hơn nữa những quy định đối với du khách nhập cảnh theo chương trình “Test & Go” (Xét nghiệm & Đi). Theo đó, du khách sẽ chỉ phải xét nghiệm kháng nguyên nhanh, thay vì làm xét nghiệm PCR vào ngày thứ 5 sau khi nhập cảnh. Thái Lan đã đón khoảng 302.000 lượt du khách đến theo chương trình “Test & Go” kể từ khi được mở lại lần thứ hai vào ngày 1/2.

Ngày 24/2, Bộ Y tế Thái Lan đã báo cáo số ca mắc COVID-19/ngày cao chưa từng thấy với 23.557 trường hợp nhiễm mới trong 24 giờ qua. Hiện Thái Lan đang phải đối phó với đợt bùng phát dịch COVID-19 do biến thể Omicron gây ra. Tuy nhiên, số trường hợp tử vong liên quan đến COVID-19 trong ngày 24/2 là 38, thấp hơn nhiều so với 184 người thiệt mạng được báo cáo vào ngày 13/8/2021, khi Thái Lan ghi nhận số ca mắc mới/ngày cao kỷ lục 23.418.

Kể từ khi đại dịch bắt đầu vào đầu năm 2020 ở Thái Lan, đã có tổng cộng trên 2,79 triệu trường hợp mắc COVID-19, bao gồm 570.915 ca trong năm 2022, với 2.590.589 người bình phục hoàn toàn cho đến nay. Tổng số bệnh nhân COVID-19 không qua khỏi ở quốc gia này là 22.768 người, bao gồm 1.070 ca cho đến nay trong năm 2022.

Bộ Y tế Thái Lan đặt mục tiêu sớm hạ cấp COVID-19 từ đại dịch xuống thành một bệnh đặc hữu. Thư ký Thường trực Bộ Y tế Kiartiphum Wongrachit ngày 24/2 cho biết, Bộ này sẽ công bố kế hoạch quản lý để đối phó với COVID-19 như là bệnh đặc hữu, với mục tiêu là đưa ra sự thay đổi trong 4 tháng.

Tờ The Straits Times (Singapore) trích nghiên cứu của các nhà khoa học Đan Mạch cho hay, việc nhiễm 2 lần với 2 chủng phụ của biến thể Omicron có thể xảy ra nhưng rất hiếm.

Một nghiên cứu mới do Viện Huyết thanh Statens, Đan Mạch thực hiện cho thấy, những người bị nhiễm chủng phụ BA.1, dạng phổ biến của biến thể Omicron, có thể bị nhiễm chủng phụ BA.2 ngay sau đó. Các nhà nghiên cứu cho biết thêm rằng, việc tái nhiễm phần lớn xảy ra ở người trẻ tuổi, chưa được tiêm chủng và chỉ gây ra bệnh nhẹ, không có trường hợp nào dẫn đến việc phải nhập viện hoặc tử vong. Tải lượng virus ít hơn ở lần lây nhiễm thứ 2 cho thấy, lần lây nhiễm đầu tiên đã phát triển một số khả năng miễn dịch. Tuy nhiên, người dân cũng không nên chủ quan, bỏ qua các biện pháp phòng dịch cơ bản.

Hàng loạt quốc gia nới lỏng hạn chế phòng dịch, số ca mắc mới tại Hàn Quốc cao thứ hai trên thế giới - Ảnh 2.

Malaysia ghi nhận số ca mắc mới COVID-19 cao kỷ lục với 31.199 trường hợp. (Ảnh: AP)

Malaysia ghi nhận thêm 31.199 ca mắc mới COVID-19, mức cao nhất trong một ngày tại nước này, đưa tổng số ca mắc lên trên 3,3 triệu trường hợp. Cũng trong 24 giờ qua, Malaysia có thêm 119 trường hợp không qua khỏi. Tính đến nay, đã có 32.488 trường hợp tử vong do mắc COVID-19 tại quốc gia Đông Nam Á này.

Hiện khoảng 82% dân số Malaysia đã tiêm ít nhất một mũi vaccine, 78,8% dân số tiêm đủ liều cơ bản và 43,7% dân số đã tiêm mũi tăng cường.

Campuchia đã bắt đầu triển khai chiến dịch tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em từ 3 đến dưới 5 tuổi trên toàn quốc. Với chiến dịch này, Campuchia cũng trở thành một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới tiêm chủng cho nhóm trẻ dưới 5 tuổi.

Các cơ sở tiêm chủng tại 25 tỉnh thành Campuchia đã tổ chức tiêm mũi vaccine phòng COVID-19 đầu tiên cho trẻ em từ 3 đến dưới 5 tuổi bằng vaccine Sinovac. Mũi thứ hai sẽ được tiêm sau 28 ngày. Theo chỉ đạo của Bộ Y tế Campuchia, các nhân viên y tế phải thăm khám sức khỏe cho trẻ em cả trước và sau khi tiêm vaccine. Ước tính có khoảng 700.000 trẻ em từ 3 đến dưới 5 tuổi được tiêm phòng COVID-19 đợt này.

Theo Bộ Y tế Campuchia, tính đến hết ngày 22/2, đã có tổng số hơn 13,8 triệu người từ 5 tuổi trở lên ở quốc gia này được tiêm hai mũi cơ bản phòng COVID-19, trong đó, gần 6,5 triệu người đã được tiêm mũi thứ ba (hay mũi tăng cường) và gần 900.000 người đã được tiêm mũi thứ tư.

Ngày 24/2, Theo Cơ quan Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA), trong 24 giờ qua, số ca mắc mới tại nước này vượt mốc 170.000 ca ngày thứ hai liên tiếp do sự lây lan của biến thể Omicron. Cụ thể, nước này ghi nhận 170.016 ca mắc mới, mức cao thứ hai trên thế giới sau Đức (218.431 trường hợp), giảm nhẹ so với 171.452 ca được ghi nhận một ngày trước đó.

Tính đến nay, Hàn Quốc ghi nhận tổng cộng 2.499.188 ca mắc COVID-19, trong đó có 7.689 trường hợp không qua khỏi. Số bệnh nhân mắc COVID-19 đang trong tình trạng nguy kịch cũng tăng mạnh từ 512 ca trong ngày 23/2 lên mức 581 ca. Con số này đã tăng gần gấp 3 trong vòng một tuần từ khoảng 200 ca hồi đầu tuần trước.

Ngày 24/2, Bộ Ngoại giao Nhật Bản đã đăng thông báo cụ thể những điều kiện nhập cảnh và quy định dịch tễ mới được áp dụng từ ngày 1/3 tới, tức là sau khi nới lỏng các biện pháp hạn chế nhập cảnh, bao gồm cả người Nhật Bản hồi hương và người nước ngoài nhập cảnh vào nước này.

Theo đó, người nhập cảnh từ các quốc gia hoặc vùng lãnh thổ trong diện chỉ định mà chưa tiêm vaccine ngừa COVID-19 mũi tăng cường sẽ bắt buộc phải cách ly trong 3 ngày tại một cơ sở do cơ quan kiểm dịch chỉ định. Hết thời gian cách ly, nếu kết quả xét nghiệm PCR âm tính sẽ không phải tiếp tục cách ly tại nhà. Người đến từ các quốc gia hoặc vùng lãnh thổ trên đã tiêm mũi tăng cường sẽ chỉ phải tự cách ly trong 7 ngày tại nhà. Nếu đến ngày thứ 3 kể từ khi nhập cảnh, kết quả tự xét nghiệm PCR là âm tính sẽ không phải tiếp tục cách ly số ngày còn lại.

Trong khi đó, người đến từ các quốc gia hoặc vùng lãnh thổ ngoài diện chỉ định, đã được tiêm vaccine mũi tăng cường sẽ không phải thực hiện bất cứ biện pháp cách ly nào sau khi nhập cảnh. Những người đến từ các quốc gia hoặc vùng lãnh thổ này nhưng chưa tiêm mũi tăng cường về nguyên tắc sẽ phải chỉ phải tự cách ly trong 7 ngày tại nhà. Nếu đến ngày thứ 3 kể từ khi nhập cảnh, kết quả tự xét nghiệm PCR là âm tính sẽ không phải tiếp tục cách ly số ngày còn lại.

Cùng ngày, Hong Kong (Trung Quốc) đã áp đặt quy định sử dụng “hộ chiếu vaccine”, yêu cầu người dân từ 12 tuổi trở lên phải tiêm ít nhất một mũi vaccine COVID-19. Đồng thời, Hong Kong, thành phố vốn đã áp dụng những quy định phòng chống dịch được coi là nghiêm ngặt nhất trên thế giới, thắt chặt các biện pháp hạn chế. Theo đó, cư dân sẽ phải xuất trình hồ “hộ chiếu vaccine” của mình để vào các địa điểm như siêu thị, trung tâm thương mại và nhà hàng. Họ cũng sẽ phải đeo khẩu trang khi tập thể dục ở khu vực ngoài trời và không được phép bỏ khẩu trang để ăn uống trên các phương tiện giao thông công cộng.

Ngày 24/2, Hong Kong đã báo cáo kỷ lục 8.674 trường hợp nhiễm COVID-19 mới trong bối cảnh trung tâm tài chính toàn cầu này chuẩn bị triển khai chiến dịch xét nghiệm bắt buộc đối với 7,4 triệu dân, một phần trong chiến lược “Zero COVID” tương tự như Trung Quốc đại lục.

Cùng ngày, chính quyền Hong Kong đã ban hành Quy định miễn trừ khẩn cấp trong công tác phòng chống dịch bệnh, viện dẫn Luật tình huống khẩn cấp. Quy định mới cho phép chính quyền đặc khu miễn trừ áp dụng các yêu cầu luật định như cấp phép, đăng ký và nộp đơn đối với một số người hoặc dự án. Vào thời điểm cần thiết, chính quyền Hong Kong có thể tận dụng linh hoạt và nhanh chóng sự hỗ trợ và nguồn lực từ Trung Quốc đại lục nhằm nâng cao năng lực phòng, chống dịch để có thể sớm kiểm soát làn sóng lây nhiễm thứ 5 dịch COVID-19.

Theo VTV


Lượt xem: 10

Trả lời