Gia tăng đối đầu với Trung quốc: Canh bạc “được ăn cả, ngã về không” của ông Trump

Cập nhật 12/8/2020, 07:08:10

Lo lắng về triển vọng tái đắc cử, ông Trump ngày càng “chĩa mũi nhọn” vào Trung Quốc như một phương sách cạnh tranh sự ủng hộ của cử tri.

Một loạt hành động của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump nhằm chống lại Trung Quốc thời gian gần đây: từ việc trừng phạt quan chức Trung Quốc liên quan luật an ninh Hong Kong, đóng cửa lãnh sự quán, đến lệnh cấm WeChat, Tik Tok, đã dẫn đến một chương mới trong quan hệ Mỹ-Trung, được đánh dấu bằng sự gia tăng đối đầu trong khi có rất ít nỗ lực giảm căng thẳng.


Những hành động nói trên cho thấy ông Trump đang dần từ bỏ lập trường kiên nhẫn trong quan hệ với Trung Quốc và coi việc đối đầu với Bắc Kinh là ưu tiên chính, khi chỉ còn chưa đầy 90 ngày nữa sẽ diễn ra cuộc bầu cử Mỹ.

Nhiều học giả, lãnh đạo doanh nghiệp cùng một số nhân vật khác liên quan đến quan hệ Mỹ-Trung cho rằng, các động thái của chính quyền ông Trump một phần bị chi phối bởi yếu tố bầu cử. Nhà lãnh đạo Mỹ hy vọng có thể thuyết phục cử tri bằng cách tỏ ra cứng rắn với Trung Quốc khi ông đang gặp phải nhiều thách thức lớn.

Tổng thống Trump đang dần từ bỏ lập trường kiên nhẫn trong quan hệ với Trung Quốc.

Lập trường ngày càng cứng rắn hơn của Tổng thống Trump đã mở ra cánh cửa cho các quan chức trong chính quyền ông thúc đẩy chính sách dựa trên niềm tin lâu nay của họ, cho rằng Trung Quốc đang muốn “thống trị thế giới” và các chính phủ tiền nhiệm của Mỹ đã đánh giá thấp mối đe dọa từ Bắc Kinh. Giới phân tích đánh giá, xu hướng này có thể vẫn tiếp diễn sau năm 2020 nếu ông Trump thắng cử.

“Một con đập đã bị vỡ trong chính quyền ông Trump, giải phóng tất cả những ý tưởng bị dồn nén bấy lâu nay về việc làm thế nào để gia tăng sức ép với Trung Quốc. Đó là một cuộc chạy đua để thay đổi thực tế, song cũng là công cụ để hướng sự chú ý khỏi những điều có thể gây tổn hại đến triển vọng tái đắc cử của Tổng thống Trump”, ông Graham Webster, chuyên gia nghiên cứu kinh tế kỹ thuật số Trung Quốc tại New America nhận định.

Nếu như trước kia, tình trạng đối đầu bị hạn chế khi Mỹ và Trung Quốc tìm cách đặt quan hệ kinh tế và thương mại lên hàng đầu thì nay, yếu tố này không còn đóng vai trò quan trọng trong bối cảnh hai bên rơi vào cuộc chiến thương mại kéo dài.

Thời gian gần đây, Nhà Trắng đã thúc đẩy một loạt sáng kiến chống Trung Quốc trên nhiều lĩnh vực, trong đó có tài chính, công nghệ và an ninh quốc gia.

Mỹ và Trung Quốc đáp trả lẫn nhau bằng quyết định đóng cửa Tổng lãnh sự quán của các bên.

Mỹ yêu cầu đóng cửa Tổng lãnh sự quán Trung Quốc ở Houston, cáo buộc Bắc Kinh sử dụng cơ sở này như “một trung tâm gián điệp và đánh cắp sở hữu trí tuệ”, trừng phạt Trưởng đặc khu hành chính Hong Kong Lâm Trịnh Nguyệt Nga, hủy niêm yết cổ phiếu của doanh nghiệp Trung Quốc trên sàn giao dịch chứng khoán Mỹ.

Chưa hết, Ngoại trưởng Mike Pompeo – một trong số các quan chức cứng rắn nhất với Trung Quốc trong chính quyền, đã báo hiệu một bước đi mới hôm 5/8 khi ông đề xuất sáng kiến “Mạng sạch” kêu gọi các tập đoàn công nghệ như Apple và Google cấm các ứng dụng “không đáng tin cậy” của Trung Quốc, đồng thời cảnh báo không nên để các công ty điện toán đám mây của Trung Quốc lưu trữ dữ liệu của Mỹ. Cuối ngày 6/8, Tổng thống Trump ký sắc lệnh hành pháp cấm mọi tổ chức và cá nhân giao dịch với công ty mẹ của Tik Tok, WeChat trong vòng 45 ngày.

Tik Tok trở thành nạn nhân mới nhất trong cuộc đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc.

Chính quyền Tổng thống Trump cũng chấm dứt các cuộc họp giữa các quan chức chính phủ của Mỹ và Trung Quốc, được xúc tiến để thảo luận về các vấn đề của hai bên, vì cho rằng những cuộc họp này không mang lại hiệu quả.

Một số hành động của Mỹ được cho là phản ứng trước những động thái mới của Trung Quốc, trong đó có việc Bắc Kinh áp đặt luật an ninh quốc gia mới với Hong Kong, tiếp tục cáo buộc Mỹ tấn công mạng hoặc ép buộc chuyển giao công nghệ. Trung Quốc cũng không cho phép các công ty truyền thông xã hội của Mỹ hoạt động tự do trên thị trường nước này.

Trong vài ngày qua, Trung Quốc đã đáp trả bằng cách tái khẳng định điều mà họ cho là “giới hạn đỏ”, cảnh báo Mỹ sẽ chịu hậu quả nếu vượt qua giới hạn này. “Chúng tôi kêu gọi phía Mỹ xử lý các vấn đề liên quan một cách thận trọng và ngay lập tức ngừng can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc”, ông Dương Khiết Trì – Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban công tác đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc tuyên bố hôm 7/8.

Đánh giá về căng thẳng Mỹ-Trung hiện nay, Daniel Russel, chuyên gia về Trung Quốc dưới thời Tổng thống Obama cho biết: “Không gì có thể ngăn một sự cố trở thành một cuộc khủng hoảng và cũng có rất ít yếu tố để ngăn một cuộc khủng hoảng trở thành một cuộc đối đầu”.

Những động thái liên tiếp đã khiến chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc bước sang một ngã rẽ mới so với thời kỳ đầu ông Trump nắm quyền.

Ông Clete Willems, cựu trợ lý kinh tế của Nhà Trắng đánh giá: “Điều khiến mọi người ngạc nhiên là tất cả các hành động đều diễn ra vào cùng một thời điểm. Nó cho thấy phe cứng rắn đang thắng thế và Tổng thống Trump nhận thức rõ ông cần làm nhiều hơn nữa để có cơ hội giành được nhiệm kỳ thứ 2”.

Ban đầu, Tổng thống Trump dù chỉ trích Trung Quốc lợi dụng Mỹ về mặt thương mại nhưng vẫn đánh giá cao vai trò lãnh đạo của Chủ tịch Tập Cận Bình khi ông tìm kiếm “giải thưởng cuối cùng” là một thỏa thuận thương mại với Bắc Kinh. Tuy nhiên, tất cả đã thay đổi trong bối cảnh nhà lãnh đạo Mỹ liên tiếp phải hứng chịu chỉ trích vì cách thức đối phó với dịch bệnh Covid-19, đau đầu trước viễn cảnh ảm đạm của nền kinh tế và yếu thế trong các cuộc thăm dò dư luận trước ứng cử viên Joe Biden. Chiến dịch tranh cử của ông Trump đang bị đình trệ trong khi đối thủ vẫn duy trì được lợi thế, thậm chí còn tiến xa hơn.

Lo lắng về sự bấp bênh trong triển vọng tái đắc cử, ông Trump ngày càng “chĩa mũi nhọn” vào Trung Quốc như một phương sách cạnh tranh sự ủng hộ của cử tri.

Giọng điệu mới của Tổng thống, kết hợp với quyết tâm sâu sắc hơn của Ngoại trưởng Mike Pompeo và các cố vấn kinh tế, cho thấy giờ là thời điểm thích hợp để Mỹ tung ra danh sách dài những hạn chế đối với Bắc Kinh.

“Người Trung Quốc phải chịu trách nhiệm về những hành vi xấu của họ trong suốt đại dịch và những gì mà họ đang làm về mặt quân sự ở Biển Đông”, Larry Kudlow – Cố vấn kinh tế của ông Trump phát biểu với Bloomberg hôm 7/8.

Trước đó, Ngoại trưởng Pompeo đã nói về chiều sâu của sự đối đầu trong quan hệ Mỹ-Trung hồi tháng 7 vừa qua, trong một bài phát biểu mà các nhà phân tích cho là phảng phất hình ảnh một cuộc Chiến Tranh Lạnh từng xảy ra giữa Mỹ và Liên Xô. Ông Pompeo cho biết, Chủ tịch Tập Cận Bình đang vươn rộng tầm ảnh hưởng của Trung Quốc ra toàn cầu và Mỹ có nguy cơ thua cuộc.

Niềm tin của chính quyền ông Trump về việc Trung Quốc đã lợi dụng Mỹ trong nhiều năm, cũng như ý định của Bắc Kinh muốn ngang bằng hoặc vượt Mỹ trở thành cường quốc hàng đầu thế giới đã được các nhà phân tích chia sẻ rộng rãi suốt thời gian qua. Khi ngày bầu cử Mỹ đến gần, Trung Quốc lại càng nổi lên như một vấn đề quan trọng trong cuộc cạnh tranh giữa ông Trump và ông Biden.

Các cố vấn của cựu Phó Tổng thống Joe Biden cho biết, nếu thắng cử, chính quyền của ông sẽ theo đuổi lập trường bớt đối đầu với Trung Quốc, nhưng nhiều chính sách về thương mại và an ninh quốc gia vẫn không khác biệt mấy so với chính quyền Tổng thống Trump.

Hiện nay có sự đồng thuận lớn giữa đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa trong việc thể hiện lập trường cứng rắn với Bắc Kinh. Chẳng hạn đề xuất của phe Dân chủ về việc yêu cầu các công ty Trung Quốc tuân thủ quy định kiểm toán của Mỹ nếu không họ sẽ bị hủy niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán, đã được Thượng viện do đảng Cộng hòa kiểm soát nhất trí thông qua.

Evan Medeiros, cựu quan chức phụ trách châu Á dưới thời chính quyền Tổng thống Obama cho biết: “Đội ngũ tranh cử của ông Biden đã bày tỏ quan điểm rõ ràng rằng họ nhất trí với ý tưởng cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc”. Điều này cho thấy, căng thẳng Mỹ-Trung sẽ tiếp tục kéo dài bất kể kết quả bầu cử Mỹ vào tháng 11 tới như thế nào.

Các nhà phân tích cho rằng, vẫn còn những yếu tố khiến chính quyền Tổng thống Trump chưa thể tiến xa trong cuộc đối đầu với Trung Quốc.

Trước hết, các đồng minh của Mỹ ở châu Âu gần như không sẵn sàng tiếp bước Washington để theo đuổi cách tiếp cận mang tính đối kháng hơn. Họ cho rằng việc gia tăng đối đầu với Bắc Kinh là không cần thiết, khi mà các bên vẫn có thể hợp tác trong nhiều vấn đề như chống khủng bố hay biến đổi khí hậu.

Vẫn còn những yếu tố khiến chính quyền Tổng thống Trump chưa thể tiến xa trong cuộc đối đầu với Trung Quốc. (Nguồn AP)

“Phản ứng của các đồng minh nêu bật thực tế là Mỹ khó có thể buộc Trung Quốc thay đổi hành vi”, ông Daniel Russel, cựu trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương nhận xét.

Hơn nữa, Bắc Kinh còn rất nhiều thẻ bài để chơi. Tập đoàn công nghệ Apple của Mỹ bán rất nhiều thiết bị ở Trung Quốc và phụ thuộc phần lớn vào chuỗi cung ứng của quốc gia này. Ngoài ra, Trung Quốc còn nắm trong tay một vũ khí cực mạnh khác, đó là số trái phiếu chính phủ Mỹ trị giá hơn 1.000 tỷ USD. Về mặt lý thuyết, Bắc Kinh có thể tạo ra sự bất ổn trên thị trường trái phiếu nếu bán đi một phần số này. Khi đó, giá trái phiếu chính phủ Mỹ sẽ lao dốc và lợi suất tăng vọt.

Trong cuộc chiến thương mại kéo dài hai năm, Tổng thống Trump thường tạm lui bước trước các hành động từ phía Bắc Kinh khi thị trường lao dốc. Các quan chức trong chính quyền cho biết, mối quan tâm của ông Trump đối với thị trường ngày càng gia tăng khi cuộc bầu cử sắp diễn ra, đặc biệt khi mà nền kinh tế phải nỗ lực trụ vững sau thời kỳ suy thoái nghiêm trọng nhất trong hơn 70 năm qua.

Chính quyền ông Trump đang xem xét các bước có thể làm gia tăng căng thẳng trong vấn đề thương mại.

Thương mại Mỹ-Trung, từng là trung tâm của cuộc đối đầu suốt năm 2019, thì nay lại trở thành một trong những yếu tố ổn định hơn cả. Hai bên đã ký thỏa thuận thương mại giai đoạn một, mà Tổng thống Trump coi là thành tựu lớn nhất của ông. Theo kế hoạch, Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Robert Lighthizer và Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc dự kiến tham gia hội nghị trực tuyến để thảo luận về thỏa thuận này vào ngày 15/8. Song vẫn chưa rõ liệu thỏa thuận có được duy trì sau bầu cử hay không.

Tuy nhiên vẫn có dấu hiệu cho thấy, chính quyền ông Trump đang xem xét các bước có thể làm gia tăng căng thẳng trong vấn đề thương mại. Michael Pillsbury, một chuyên gia về Trung Quốc tại Viện Hudson, tham vấn cho chính quyền, cho biết: “Cách đây hai tuần trước, Tổng thống nói với tôi rằng ông vẫn chưa kết thúc với Trung Quốc. Sẽ có thêm nhiều động thái nữa sắp diễn ra”.

Theo ông Michael Pillsbury, sở dĩ Tổng thống Trump hành động như vậy vì ông thất vọng với điều mà ông coi là sự thiếu hợp tác của Bắc Kinh trong các vấn đề từ dịch Covid-19 đến kiểm soát vũ khí hạt nhân.

Nếu các bước đi mới được thực thi, cộng đồng doanh nghiệp Mỹ dự kiến sẽ phải đối mặt với phản ứng mạnh mẽ hơn từ phía Trung Quốc và điều này sẽ phủ bóng đen lên triển vọng phục hồi của thị trường.

“Chúng tôi lo ngại sự leo thang sẽ dẫn đến đòn ăn miếng trả miếng khiến cộng đồng doanh nghiệp Mỹ và nền kinh tế toàn cầu bị tổn thương. Dường như không có điểm dừng”, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ Myron Brilliant lo ngại.

Đánh giá về căng thẳng Mỹ-Trung, ông David Shambaugh, một chuyên gia về Trung Quốc tại Đại học George Washington, cho biết: “Một cuộc chiến tranh Lạnh mới đã bắt đầu. Vấn đề là không để chiến tranh Lạnh leo thang thành chiến tranh nóng”./.

Theo VOV


Lượt xem: 39

Trả lời