Động lực mới khi dân số thế giới chạm mốc 8 tỷ người

Cập nhật 17/11/2022, 14:11:46

Dân số thế giới đã cán mốc 8 tỷ người, đây là tiềm năng, cơ hội để giải quyết các vấn đề toàn cầu, nhưng cũng đi kèm với nhiều thách thức mới.

Ngày 15/11 vừa qua đã trở thành cột mốc mới trong hành trình phát triển của xã hội loài người khi dân số thế giới chính thức đạt 8 tỷ. Dấu mốc mới đã tạo thêm động lực mạnh mẽ cho sự phát triển, đồng thời cũng mang tới không ít thách thức trên hành trình hướng tới một tương lai bền vững.

Quá trình phát triển dân số thế giới đến 2022

Nhìn lại quá trình phát triển của nhân loại, chúng ta mất 123 năm để tăng dân số từ mốc 1 tỷ lên 2 tỷ người vào giai đoạn thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20. Tuy nhiên đến thế kỷ 21, dân số tăng từ 7 tỷ lên 8 tỷ người chỉ mất vỏn vẹn 11 năm. Dự báo đến năm 2080, dân số thế giới sẽ đạt đỉnh quanh ngưỡng 10,4 tỷ người.

Dự báo dân số thế giới tăng ổn định đến năm 2050

Các chuyên gia của Liên hợp quốc có xu hướng đồng ý với nhận định dân số thế giới sẽ tăng theo dự báo đến năm 2050. Ít có khả năng xảy ra một đại dịch toàn cầu quy mô lớn như COVID-19. Bên cạnh đó, bất chấp các cuộc khủng hoảng và xung đột, giới nghiên cứu cho rằng khả năng xảy ra một sự kiện di cư hàng loạt trên toàn cầu vào giữa thế kỷ này được coi là rất thấp.

Với cột mốc 8 tỷ người, thế giới nắm giữ chìa khóa để cùng giải quyết các thách thức toàn cầu

Gần đây nhất, khi chúng ta ứng phó với đại dịch COVID-19, đồng hành với giới khoa học, các chính phủ cùng hướng về mục đích chung và đã sáng chế được loại vaccine phòng bệnh trong thời gian ngắn kỷ lục. Thế giới 8 tỷ người là thế giới với những khả năng vô hạn để phát triển và thay đổi.

Theo Quỹ Dân số thế giới của Liên hợp quốc, thời điểm dân số thế giới chạm mốc 8 tỷ người là khoảnh khắc vui mừng cần được chào đón. Quy mô dân số lớn đồng nghĩa với quy mô nguồn nhân lực lớn, tạo điều kiện thuận lợi cho việc phân công lao động xã hội, tạo ra lực lượng lao động đông đảo, đủ mạnh để thúc đẩy các ngành kinh tế – xã hội phát triển.

Đặc biệt, thời kỳ “dân số vàng” là cơ hội lớn để thúc đẩy phát triển bền vững bởi nguồn lao động dồi dào sẽ là cơ sở để nâng cao chất lượng nền kinh tế. Việt Nam cũng đang trong giai đoạn “dân số vàng” với gần 70% dân số trong độ tuổi lao động. Theo ước tính, đến giai đoạn 2034 – 2039, con số này sẽ lên đến cực đại và đây là nguồn lực lớn góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.

Động lực mới khi dân số thế giới chạm mốc 8 tỷ người - Ảnh 1.

(Ảnh: Adobe Stock)

Nỗi lo khi thế giới chạm mốc 8 tỷ người

Tuy nhiên, đi kèm với tăng dân số là không ít thách thức. Ở nhiều quốc gia, dân số tăng đang tạo áp lực đáng kể lên kinh tế – xã hội, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế thế giới đang đối mặt áp lực lớn từ sức ép lạm phát.

Viện Chính sách trái đất cảnh báo, thiếu lương thực đang là một trong những thách thức lớn nhất mà dân số thế giới phải đối mặt. Hiện tượng thiếu hụt đã bắt đầu xuất hiện rõ nét vào cuối năm 2010. Điều này tất yếu dẫn tới giá lương thực, thực phẩm tăng và đã đạt mức kỷ lục ở nhiều quốc gia trong năm nay.

Ông Timothy Large, Giám đốc Báo chí và Truyền thông của hãng thông tấn Reuters, cho biết: “Để nuôi sống được 9,7 tỷ con người vào năm 2050, sản lượng lương thực thế giới cần phải tăng gấp rưỡi so với hiện nay, nghĩa là trong 40 năm tới con người cần phải có một lượng lương thực tương đương với lượng đã được cha ông ta sản xuất ra trong 8.000 năm qua“.

Theo nhận định của nhiều nhà khoa học, dân số thế giới đang vượt quá giới hạn bền vững của Trái đất. Giới khoa học khẳng định, canh tác hiệu quả hơn, ngừng mở rộng diện tích nông nghiệp gây hại đến hệ sinh thái và thay đổi khẩu phần ăn thân thiện hơn với môi trường là các giải pháp đồng bộ cần được thực hiện để đảm bảo đủ lương thực hài hòa với mục tiêu phát triển bền vững.

Trung Quốc, Ấn Độ – hai quốc gia đông dân nhất nhì thế giới

Với khoảng 1,45 tỷ dân, Trung Quốc đang là nước đông dân nhất thế giới. Ấn Độ đang đứng thứ hai với khoảng 1,41 tỷ dân. Tuy nhiên, dự báo Ấn Độ có thể vượt Trung Quốc trở thành nước đông dân nhất vào năm 2023. Bên cạnh lợi thế nguồn nhân lực dồi dào, Ấn Độ đang phải đối mặt với nhiều thách thức về cả cơ sở hạ tầng lẫn điều kiện sống khi dân số tăng nhanh.

Dân số tăng cùng với sự phân bố dân cư không đều đang gia tăng nhiều áp lực lên các thành phố lớn. Để giải quyết tình trạng này, cần xây dựng cơ sở hạ tầng và vật chất tốt hơn ở các vùng nông thôn, qua đó người dân không tìm cách di cư đến thành phố nữa.

Với dân số hơn 1,4 tỷ, Ấn Độ đang có nhiều thách thức cần giải quyết để tránh tạo quá nhiều áp lực cho cơ sở hạ tầng, các nguồn tài nguyên cũng như môi trường.

Con người chính là giải pháp, không phải là vấn đề. Dù còn nhiều thách thức trước mắt nhưng việc chúng ta chạm tới cột mốc 8 tỷ người là một câu chuyện về sự thành công. Sự tăng trưởng chưa từng có này được đóng góp bởi những tiến bộ về sức khỏe cộng đồng, chế độ dinh dưỡng và y tế. 8 tỷ người có nghĩa là 8 tỷ cơ hội cho một xã hội thịnh vượng hơn, để mỗi cá nhân đều là duy nhất, đều được phát triển, không ai bị bỏ lại phía sau.

Theo VTV


Lượt xem: 1

Trả lời