Đối đầu Mỹ- Iran: Nguy cơ chiến tranh hạ nhiệt

Cập nhật 09/1/2020, 13:01:37

Iran hôm qua (8/1) tuyên bố đã hoàn thành các đợt trả đũa và không muốn leo thang chiến tranh với Mỹ.

Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng nhấn mạnh không muốn sử dụng vũ lực chống lại Iran. Những diễn biến mới nhất cho thấy dường như cả Mỹ và Iran đều chưa muốn đẩy căng thẳng đi xa hơn, ít nhất là vào thời điểm này, sau thời điểm cả hai bên đứng bên miệng hố chiến tranh, khiến cả thế giới lo ngại.

doi dau my- iran: nguy co chien tranh ha nhiet hinh 1
Ảnh vệ tinh cho thấy thiệt hại tại các căn cứ Mỹ tại Iraq rất nhỏ. Ảnh:  Planet Lab.

Trong bài phát biểu thể hiện mong muốn giảm leo thang khủng hoảng với Iran, Tổng thống Trump không nêu ra bất cứ lời đe dọa nào về hành động quân sự chống Iran mà chỉ tuyên bố sẽ trừng phạt bổ sung Tehran. Tổng thống Trump cũng tiếp tục chỉ trích thỏa thuận hạt nhân với Iran, khi cho rằng đó là thỏa thuận “khiếm khuyết”, đồng thời nhấn mạnh Iran phải từ bỏ tham vọng hạt nhân và chấm dứt hỗ trợ cho khủng bố

“Iran phải từ bỏ tham vọng hạt nhân và chấm dứt sự ủng hộ chủ nghĩa khủng bố. Đã đến thời điểm Anh, Đức, Pháp, Nga và Trung Quốc công nhận thực tế này. Chúng ta phải hợp tác cùng nhau hướng đến một thỏa thuận mới với Iran giúp thế giới an toàn và hòa bình hơn”, ông Trump nói.

Iran hôm 8/1 cũng tuyên bố nước này “đã tiến hành và hoàn tất” các hành động đáp trả tương xứng nhằm vào Mỹ, đồng thời khẳng định nước Cộng hòa Hồi giáo này không tìm cách leo thang căng thẳng hay chiến tranh, song sẽ luôn tự vệ trước mọi hành động gây hấn.

Với tuyên bố của hai bên cho thấy nguy cơ xảy ra một cuộc chiến tranh toàn diện như thế giới lo ngại đã được hạ nhiệt. Báo chí quốc tế nhận định, vụ tấn công “có giới hạn” của Iran vào 2 căn cứ quân sự Mỹ ở Iraq là động thái làm vừa lòng cả đôi bên. Đối với Mỹ, điều quan trọng là vụ tấn công của Iran không gây thương vong nào đối với quân đội Mỹ cũng như Iraq. Do đó, Tổng thống Trump có thể không cảm thấy bị áp lực phải trả đũa. Thủ tướng cầm quyền Iraq Adel Abdul-Mahdi cũng cho biết, ông đã được cảnh báo trước về các cuộc tấn công và chuyển lời cảnh báo đó đến lực lượng quân đội đồn trú tại căn cứ.

 Trong khi đó với Iran, nước này khó có thể chống đỡ được một cuộc chiến tranh trực diện với Mỹ, nên một cuộc không kích “giới hạn” nhằm vào lực lượng Mỹ tại Iraq là phản ứng hợp lí, không đẩy căng thẳng đi quá tầm kiểm soát mà vẫn giữ được thể diện. Những diễn biến hiện nay cũng đang giúp thực hiện phần nào mong muốn từ lâu của Iran đó là chấm dứt sự hiện diện của quân đội Mỹ trong khu vực. Nhiều nước cũng kêu gọi Mỹ và Iran ưu tiên ngoại giao và giảm căng thẳng, cảnh báo các cuộc tấn công giữa Mỹ và Iran có thể dẫn đến một vòng xoáy bất ổn chính trị mới trong khu vực.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov khẳng định:“Chúng tôi lo ngại về các hành động leo thang nguy hiểm của Mỹ trên lãnh thổ Iraq chống lại công dân Iran. Chúng tôi bày tỏ hi vọng các bên sẽ giải quyết tất cả các vấn đề tại vịnh Persian và trong khu vực theo một giải pháp hòa bình, phù hợp với luật quốc tế”.

Nguy cơ chiến tranh trực diện dường như đã hạ nhiệt nhưng giới chuyên gia quân sự cho rằng, cuộc chiến với Iran sẽ không giống bất kỳ cuộc xung đột nào mà thế hệ này đã chứng kiến. Tác động từ vụ việc này sẽ kéo dài nhiều tháng, thậm chí là nhiều năm. Nó sẽ được cảm nhận trên các tàu chở dầu trên đường đi qua Eo biển Hormuz, cơ sở hạ tầng dầu của các đối tác hay lợi ích của Mỹ trong khu vực.

Với mục tiêu của Iran là chấm dứt sự hiện diện của quân đội Mỹ trong khu vực cho thấy Iran có khả năng sớm quay trở lại chiến thuật dựa vào những lực lượng ủy nhiệm để thực hiện các vụ tấn công. Ngoài ra, quốc gia Hồi giáo này cũng có thể lựa chọn thêm các cuộc tấn công bất đối xứng, đặc biệt là tấn công mạng nhằm vào các nước phương Tây, tiếp tục giảm cam kết trong Thỏa thuận hạt nhân. Và bất cứ bước đi nào với tính toán sai lầm nào của một trong hai bên sẽ khiến Mỹ và Iran tiếp tục quay trở lại bờ vực của chiến tranh, thổi bùng xung đột tại khu vực Trung Đông vốn đã rất nhạy cảm./.

Theo VOV


Lượt xem: 21

Trả lời