Diễn đàn kinh tế phương Đông: Trật tự mới và thách thức

Cập nhật 11/9/2022, 12:09:06

Diễn đàn kinh tế phương Đông được tổ chức khi nước Nga đang đối mặt với các lệnh trừng phạt của phương Tây khắc nghiệt nhất trong lịch sử.

Xung đột Nga – Ukraine đã trở thành cuộc khủng hoảng địa chính trị nghiêm trọng nhất kể từ khi Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc và tác động của nó đối với trật tự thế giới và các quy tắc quốc tế vẫn đang tiếp diễn, hậu quả và tổn thất khó có thể đong đếm. Bây giờ, chúng ta đã thấy, cuộc xung đột và tiếp đó là cuộc đọ sức giữa trừng phạt và chống trừng phạt của các nước phương Tây với Nga đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự ổn định của thế giới.

Do Mỹ, Nga và châu Âu đều tham gia cuộc xung đột theo những cách và ở những mức độ khác nhau, kéo theo các nước khác bị ảnh hưởng nên mối quan hệ giữa các cường quốc rất phức tạp. Càng ngày, chúng ta càng thấy những cuộc sắp xếp lại quan hệ chiến lược trên thế giới, nhất là ở khu vực phi phương Tây.

Điều đó biểu hiện như thế nào? Diễn đàn kinh tế phương Đông do Nga tổ chức ở Vladivostock trong tuần qua có thể là một phần bức tranh.

“Nước Nga không thể bị cô lập”

Diễn đàn kinh tế phương Đông được tổ chức khi nước Nga đang đối mặt với các lệnh trừng phạt của phương Tây khắc nghiệt nhất trong lịch sử. 7.000 đại diện quốc tế tham dự và sự góp mặt của các đối tác lớn của Nga như Trung Quốc, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, các nước Đông Nam Á, Trung Á, Trung Đông khiến Moscow tin rằng, các lệnh trừng phạt của phương Tây không khiến nước Nga bị cô lập.

Diễn đàn kinh tế phương Đông: Trật tự mới và thách thức - Ảnh 2.

Tổng thống Nga Vladimir Putin (Ảnh: AP)

Bất kể ai đó muốn cô lập Nga đến mức nào thì như chúng tôi vẫn luôn nói, điều đó là không thể thực hiện được.

Tổng thống Nga Vladimir Putin

Thông điệp mà ông Putin muốn phát đi đó là: ”Thời kỳ khó khăn đỉnh điểm nhất đã qua rồi”. Nga vẫn thu về 158 tỷ Euro doanh thu xuất khẩu năng lượng trong 6 tháng tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine. Tỷ lệ tỷ lệ thất nghiệp ở Nga trong tháng 6 ở mức thấp lịch sử, chưa tới 4%. Tổng thống Putin tuyên bố, Nga có lẽ là quốc gia duy nhất trên thế giới có thể tự cung, tự cấp đầy đủ các nguồn tài nguyên thiên nhiên.

Trong lúc giá cả các loại nguyên liệu thô trên thế giới tăng vọt, nhiều quốc gia đang đặt câu hỏi về các lệnh trừng phạt của phương Tây nhằm vào Moscow vì các đòn đánh đó không khiến Nga quỵ ngã mà gián tiếp gây ra khan hiếm hàng hóa toàn cầu và tăng lạm phát.

Diễn đàn kinh tế phương Đông: Trật tự mới và thách thức - Ảnh 4.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan (Ảnh: AP)

Tôi muốn nói với những người đánh giá thấp nước Nga rằng các anh đang sai lầm. Nga không phải là một quốc gia có thể bị coi thường.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan

Diễn đàn kinh tế phương Đông lần này là một dịp quan trọng để Moscow củng cố các quan hệ với phần còn lại của thế giới không tham gia các lệnh trừng phạt chống Nga. Với Nga, vùng Viễn Đông là bàn đạp để Nga vươn mình sang châu Á. Không đơn thuần là để chống đỡ các lệnh trừng phạt, mà còn là bởi châu Á là tương lai của thế giới.

“Vai trò của các khu vực năng động và đầy triển vọng trên thế giới đã tăng lên đáng kể. Tất nhiên không thể không nhắc tới khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Các quốc gia trong khu vực này đã trở thành trung tâm mới của tăng trưởng kinh tế và công nghệ và là điểm thu hút nhân sự, vốn và sản xuất” – Tổng thống Nga Putin nhấn mạnh.

Cuộc xung đột Nga – Ukraine đang làm thay đổi thế giới và nhất là đưa chính sách đối ngoại của Nga sang một ngã rẽ mới. Quá trình hội nhập của Nga với châu Á được đẩy với tốc độ nhanh hơn. Định dạng của Liên minh kinh tế Á – Âu (EAEU) và quan hệ đối tác Á – Âu mở rộng mà Moscow đặt nền móng trong nhiều năm qua sẽ biến chuyển mạnh.

Và xa hơn, những luật chơi mới đang hình thành ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương được coi là tương lai của thế giới này.

Bàn cờ chiến lược thế giới đang sắp xếp lại

Giữa lúc kinh tế thế giới khó khăn, trong khi Nga đang chịu cấm vận của phương Tây, Diễn đàn kinh tế phương Đông lại ghi nhận con số kỷ lục. 53,6 tỷ USD là giá trị các thỏa thuận đã được ký kết tại diễn đàn năm nay. Con số kỷ lục này cho thấy, nếu không có phương Tây thì vẫn có những cơ hội khác.

Thứ trưởng Bộ Phát triển Kinh tế Nga Ilya Torosov cho biết, khối lượng đầu tư vào nền kinh tế Nga tới năm 2025 có thể lên tới khoảng 90 nghìn tỷ Ruble, tương đương 1.500 tỷ USD. Hợp tác với thế giới phi phương Tây vẫn đang được Nga đẩy mạnh.

Nga hướng tới một thế giới hợp tác đa cực

Diễn đàn kinh doanh “Hợp tác Nga – Trung trong thời đại mới” là một sự kiện đặc biệt trong khuôn khổ Diễn đàn kinh tế phương Đông năm nay. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Nga trong 12 năm liên tiếp. Kim ngạch thương mại hai bên đặc biệt tăng nhanh trong năm nay. Phương Tây ngắt kết nối, vì thế, Nga đang muốn cùng Trung Quốc xây dựng các cơ chế mới, tránh phụ thuộc vào Mỹ và phương Tây. Bắt đầu bằng việc phi USD hóa.

Tại diễn đàn năm nay, Tập đoàn năng lượng Gazprom của Nga và phía đối tác Trung Quốc đã nhất trí thanh toán tiền khí đốt bằng đồng Ruble và đồng Nhân dân tệ theo tỷ lệ 50 – 50. VTB trở thành ngân hàng Nga đầu tiên chuyển tiền bằng đồng nhân dân tệ sang Trung Quốc mà không cần tới hệ thống thanh toán toàn cầu SWIFT.

Diễn đàn kinh tế phương Đông: Trật tự mới và thách thức - Ảnh 6.

Tổng thống Nga Vladimir Putin (Ảnh: AP)

“Kim ngạch thương mại giữa Nga và Trung Quốc đã đạt 140 tỷ USD và tiếp tục tăng. Nửa đầu năm nay đã tăng 30%. Có vẻ như chúng tôi sẽ sớm đạt được kim ngạch thương mại trị giá 200 tỷ USD như mong muốn” – Tổng thống Nga Putin cho biết.

Tại diễn đàn năm nay, Trung tâm Xuất khẩu Nga đang đề ra lộ trình các hướng xuất khẩu ưu tiên. Nhóm thứ nhất là các quốc gia có quan hệ kinh tế và thương mại đã được thiết lập với Nga như Kazakhstan, Uzbekistan, Belarus, Azerbaijan, nơi các sản phẩm của Nga có vị thế ổn định, thị trường đang phát triển. Châu Á và Trung Đông, Trung Quốc, trong nhóm thứ hai. Các nước châu Phi và Đông Nam Á trong nhóm thứ ba.

Nga hiểu rằng, để hướng tới một thế giới phi phương Tây, Nga một mặt phải phát huy nội lực để phát triển các gỉai pháp công nghệ thay thế, mặt khác, tích cực tìm kiếm sự hợp tác từ các nước đối tác quan trọng.

Diễn đàn kinh tế phương Đông: Trật tự mới và thách thức - Ảnh 7.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (Ảnh: AP)

“Ấn Độ rất muốn tăng cường quan hệ kinh tế để tiếp tục hợp tác với Nga. Ngành năng lượng cũng đầy tiềm năng hợp tác. Với việc cung cấp than cốc, Nga có thể trở thành một đối tác quan trọng trong ngành thép của Ấn Độ” – Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cho biết.

Mối quan hệ với Ấn Độ và Trung Quốc đang là những trọng tâm ưu tiên của Moscow. Tổng thống Nga cho biết, ông sẽ sớm có cuộc gặp thượng đỉnh với chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào tuần tới bên lề hội nghị của tổ chức hợp tác Thượng Hải SCO ở Uzbekistan. Đây sẽ là lần đầu tiên ông Tập Cận Bình công du nước ngoài trong gần 3 năm qua kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát. Thế giới đang dõi theo những chuyển động mới trong trục quan hệ giữa Nga – Trung Quốc, Ấn Độ.

Trung Đông, Nam Á vẫn coi trọng quan hệ đối tác với Nga

Dù có quan điểm chính trị như thế nào nhưng nhiều nước vẫn không thể bỏ qua Nga như một đối tác kinh tế quan trọng. Bên cạnh Trung Quốc, Ấn Độ và các nước ở Nam bán cầu, Trung Đông hay khu vực Nam Á cũng đang đẩy nhanh quan hệ kinh tế với Nga.

Như lập luận của Ngoại trưởng Ấn Độ Jaishankar, đơn giản là một chính quyền luôn phải thấy có nghĩa vụ cũng như đầy đủ các lý do về đạo đức để đảm bảo mức giá năng lượng thấp nhất cho người dân của mình. Chẳng hạn như trường hợp của Ấn Độ, các tính toán cho thấy giá dầu chỉ tăng 1 USD/thùng, nước này sẽ bỏ ra thêm 2,1 tỷ USD cho lượng dầu mà họ phải nhập khẩu về cho sản xuất và sinh hoạt. Trong khi dầu Nga bán ra thị trường bây giờ đang được hạ thấp hơn giá thị trường. Vậy nên Ấn Độ là một đối tác quan trọng trong bộ tứ kim cương của Mỹ và mới đây còn là đối tác của bộ tứ I2U2 gồm Mỹ, Ấn Độ, Israel và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất.

Tuy nhiên, nếu trước cuộc xung đột tại Ukraine, Ấn Độ chỉ mua chưa tới 1% tổng lượng dầu xuất khẩu của Nga thì nay, New Delhi nhập tới gần 20% tổng lượng dầu Nga xuất khẩu. Ngay cả đối với quyết định mới đây của Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) áp mức giá trần đối với dầu xuất khẩu của Nga, Ấn Độ cũng cho biết, họ chỉ có thể tuân thủ nếu các đối tác khác đang mua dầu của Nga cũng làm như vậy.

Ngay chính nội bộ các nước châu Âu cũng đã phải thừa nhận rằng, các lệnh cấm vận nhằm vào Nga được đưa ra nhưng thế giới hầu như chưa có phương án nào để ứng phó với hệ quả từ các lệnh cấm đó. Quan điểm của Ấn Độ hay các nước khác tại Trung Đông Nam Á cũng như vậy. Đa phần đều thấy rằng, rủi ro từ việc phớt lờ các lệnh cấm vận của phương Tây nhằm vào Nga là có nhưng chạy theo các lệnh cấm vận nhằm vào Nga, đặc biệt trong lĩnh vực năng lượng thì sẽ còn rủi ro hơn nhiều đối với nền kinh tế cũng như ổn định xã hội của mình.

Thiết lập hệ thống giao dịch thương mại mới

Các lệnh cấm vận của phương Tây hiện nay không đánh vào toàn bộ các ngân hàng của Nga, theo ước tính là khoảng 80% các ngân hàng của Nga. Như châu Âu chẳng hạn, vẫn có một số miễn trừ cấm vận cho một số ngân hàng Nga để EU có thể tiếp tục các hợp đồng mua năng lượng từ Nga. Tuy nhiên, thời gian qua, Nga cũng đã không ngừng đẩy mạnh hệ thống thanh toán không dùng đồng USD và Euro với các đối tác tại Trung Đông, Nam Á, như hệ thống thanh toán trực tiếp đồng Ruble Nga và đồng Rupee Ấn Độ.

Một số nguồn tin cũng cho hay, Nga cũng đang đẩy mạnh các hợp đồng năng lượng thanh toán bằng đồng Dirham của Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất. Ngoài ra, các doanh nghiệp Nga được cho cũng đang đổ bộ ngày càng nhiều vào Vùng Vịnh để thực hiện giao dịch quốc tế từ đây nhằm lách các lệnh cấm vận.

Liệu rằng tới đây, Mỹ hay các nước phương Tây có gây sức ép mạnh mẽ hơn để buộc các quốc gia tại Trung Đông, Nam Á này ngưng làm ăn với Nga hay không? Dư luận tại đây cho là khó. Thứ nhất bởi Nga là một đối tác có sức chi phối quá lớn về kinh tế để khu vực này có thể bỏ qua. Thứ hai, chính phương Tây cũng chưa dám chắc cấm vận sát ván Nga thì họ sẽ được lợi.

Như các nghiên cứu mới đây cho rằng, chưa cần nói đến Trung Quốc, nếu Ấn Độ, quốc gia nhập khẩu nhập khẩu dầu lớn thứ 3 thế giới, mà không mua dầu của Nga thời gian qua thì giá dầu thế giới sẽ còn tăng từ 8 – 10 USD/thùng.

Trật tự thế giới mới đang hình thành

Cuộc cạnh tranh giữa những siêu cường khiến phần còn lại của thế giới rơi vào tình thế khó khăn. Một số quốc gia cảm thấy áp lực khi phải chọn bên trong khi những quốc gia khác phải tìm cách duy trì thái độ trung lập. Rồi khủng hoảng lương thực, khủng hoảng năng lượng, sự gián đoạn chuỗi cung ứng hoặc tình trạng lạm phát gia tăng có thể dẫn đến suy thoái toàn cầu và sự xuất hiện dòng người tị nạn mới.

Hệ lụy từ cuộc chiến Nga – Ukraine thật nặng nề, ngay cả đối với các nước giàu. Còn những người nghèo, những nước nghèo càng cảm nhận rõ hơn tác động.

Gia đình em Isacc đang sống tại Anh. Mắc chứng rối loạn não hiếm gặp, cuộc sống của Isacc phụ thuộc vào một loạt các thiết bị y tế chuyên dụng. Nhưng hóa đơn điện tăng cao đã khiến niềm hy vọng sống cũng trở nên khó khăn khi gia đình em không thể chi trả hóa đơn điện.

Theo thống kê, giá năng lượng tại Anh đã tăng hơn 80% so với cùng kỳ, lạm phát gần chạm mốc 2 con số. Trong khi đó, tại nhiều nước châu Âu, lạm phát cũng vượt 9%, giá điện tăng hơn 10 lần, giá khí đốt cũng tăng chừng ấy. Nhưng những hệ lụy này còn vượt qua cả biên giới châu Âu và Tây Đại dương.

Lạm phát tăng cao, cản trờ quá trình phục hồi sau đại dịch tại châu Á. Hàng triệu người châu Phi đối mặt với nạn đói, an ninh lương thực bị đe dọa nghiêm trọng.

Ông Achim Steiner từ Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc cho rằng: “Chúng ta phải luôn nhớ rằng, có những quốc gia phụ thuộc 30, 40 hay thậm chí 50% nguồn cung lúa mì từ Nga, Ukraine. Khá nhiều quốc gia châu Phi, Arab có thể bị ảnh hưởng ngay lập tức. Hàng trăm triệu người đang phải chịu cảnh không thể mua thực phẩm cơ bản hằng ngày vì giá cả tăng, thậm chí còn không đủ khả năng chi trả cho bữa ăn ngày hôm sau”.

Cạnh tranh giữa các cường quốc cũng khiến phần còn lại thế giới rơi vào tình thế khó khăn, nhất là câu hỏi về việc chọn bên. Nhiều nước đã lựa chọn nỗ lực duy trì thái độ trung lập để đảm bảo các lợi ích quốc gia.

Một số nước đã bỏ phiếu trắng trong các cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc liên quan các lệnh trừng phạt Nga. Đây cũng là các quốc gia đại diện cho các khu vực chịu ảnh hưởng đáng kể từ cuộc xung đột dưới nhiều hình thức khác nhau từ khủng hoảng lương thực, năng lượng, gián đoạn chuỗi cung ứng hay thậm chí là cả làn sóng tị nạn mới.

Diễn đàn kinh tế phương Đông: Trật tự mới và thách thức - Ảnh 8.

Tổng thống Mexico Andres Manul Lopez Obrador (Ảnh: AP)

Tổng thống Mexico Andres Manul Lopez Obrador cho biết: “Chúng tôi sẽ không áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế nào vì chúng tôi muốn duy trì mối quan hệ tốt đẹp với tất cả các chính phủ trên thế giới”.

Các nước Nam bán cầu thậm chí còn nhấn mạnh, cuộc chiến tại Ukraine, xung đột Nga – phương Tây là vấn đề của châu Âu nhưng họ lại gián tiếp gánh chịu hệ lụy.

Trung tướng Sir Robert Fry – Thành viên Ban Cố vấn Viện Nghiên cứu Hoàng gia Anh – cho rằng: “Mối quan tâm rõ ràng hơn và hiện tại của miền Nam Bán cầu là các lệnh trừng phạt chống lại Nga đang làm tăng giá thực phẩm và năng lượng”.

Theo các chuyên gia, căng thẳng Nga – phương Tây đã khiến thế giới trở nên phân cực hơn. Và trong bối cảnh đó, các quốc gia nhỏ hơn cần tăng cường phong trào không liên kết để bảo vệ lợi ích quốc gia, lấy hòa bình tập thể làm nền tảng cho an ninh tập thể.

Các nước vừa và nhỏ luôn chịu sức ép từ những sự thay đổi của quan hệ nước lớn. Khi các nước lớn đối đầu, không gian hợp tác quốc tế ngày càng bị hạn chế và dễ xuất hiện những biến số, rủi ro khó đoán định. Cuộc sắp xếp lại trật tự nào cũng đầy khó khăn và chông gai, khiến nảy sinh ra các tình huống mà các nước thêm bất đồng, xung đột với nhau. Nhưng thế giới kết nối ngày này không còn như thời kỳ chiến tranh lạnh lần thứ nhất, chia hai chiến tuyến rõ ràng. Cái trật tự thế giới chỉ xoay quanh một siêu cường duy nhất đã lỗi thời. Trong sự thay đổi và sắp xếp lại tình hình địa, chiến lược quốc tế, vai trò của các quốc gia và khu vực năng động đang gia tăng đáng kể. Các nước vừa và nhỏ sẽ phải hành động khéo léo để không bị lôi kéo vào vòng xoáy cạnh tranh nước lớn, mặt khác, cần gìn giữ độc lập, chủ quyền và lợi ích cốt lõi để tiếp tục tiến về phía trước.

Theo VTV


Lượt xem: 3

Trả lời