Dịch COVID-19 ngày 22/4: Ông Trump sẽ cấm nhập cảnh vào Mỹ trong 60 ngày, Thụy Sĩ đưa vaccine vào tiêm chủng trong tháng 10

Cập nhật 22/4/2020, 09:04:07

Tính đến 6h ngày 22/4, trên toàn thế giới ghi nhận 2.552.491 người mắc COVID-19, số người chết vì đại dịch này là 177.234 và 688.430 người đã hồi phục.

Số người mắc COVID-19 ở Mỹ vượt 800.000 người

Mỹ hiện vẫn là quốc gia có số ca nhiễm và tử vong do COVID-19 cao nhất ở châu Mỹ cũng như trên toàn thế giới, với 816.385 ca mắc bệnh và 45.174 người tử vong.

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 21/4 cho biết, ông sẽ ban hành sắc lệnh tạm cấm nhập cảnh vào Mỹ trong 60 ngày và sẽ đánh giá lại sau thời hạn trên nhằm ngăn dịch Covid-19 lây lan.

Dịch COVID-19 ngày 22/4: Ông Trump sẽ cấm nhập cảnh vào Mỹ trong 60 ngày, Thụy Sĩ đưa vaccine vào tiêm chủng trong tháng 10 - Ảnh 1.

Tổng thống Mỹ Donald Trump (Ảnh: Reuters)

Phát biểu tại cuộc họp báo hôm qua, Tổng thống Trump cho biết, sắc lệnh cấm nhập cảnh này sẽ chỉ áp dụng đối với những người có ý định nhập cư vào Mỹ theo diện thẻ xanh, và không ảnh hưởng đến các lao động nhập cư tạm thời. Thẻ xanh còn gọi là thẻ thường trú hay giấy nhập cư cho những người không phải công dân Mỹ được hưởng chế độ thường trú tại Mỹ. Nói cách khác, người được cấp thẻ xanh được hưởng quy chế thường trú tại Mỹ và có thể định cư tại đây.

Ông Trump cho biết thêm, sắc lệnh sẽ có hiệu lực trong vòng 60 ngày và được đánh giá lại sau thời gian trên. Ngoài ra, ông cho biết, chính quyền của ông sẽ nghiên cứu thêm các biện pháp liên quan đến nhập cư để “bảo vệ người lao động Mỹ”. “Chúng ta sẽ bảo vệ họ ngày càng nhiều hơn. Việc tạm ngừng nhập cảnh này cũng sẽ giúp bảo tồn các nguồn lực y tế cần thiết cho công dân Mỹ”, ông Trump nói.

“Sắc lệnh hành pháp này đang được soạn thảo khi chúng ta nói chuyện ở đây, có thể là ngày mai”, ông Trump nói và nhấn mạnh thêm rằng sẽ có một số ngoại lệ trong sắc lệnh sắp ban hành.

Nhiều bang tại Đức quy định bắt buộc đeo khẩu trang

Tiếp tục có thêm nhiều bang ở Đức quy định đeo khẩu trang bắt buộc khi sử dụng các phương tiện giao thông công cộng và vào các cửa hàng.

Trước đó, Chính phủ liên bang và các bang đã nhất trí ra “khuyến cáo khẩn thiết” việc đeo khẩu trang, dù không quy định bắt buộc, song một số bang và thành phố đã luật hóa quy định này.

Chính quyền thủ đô Berlin sáng 21/4 đã thông qua quy định từ đầu tuần tới, bắt đầu từ ngày 27/4 bắt buộc đeo khẩu trang hoặc phải sử dụng vật che mũi và miệng (khăn) khi đi xe buýt và các phương tiện tàu điện S-Bahn và U-bahn.

Tuy nhiên, quy định không buộc phải đeo khẩu trang khi vào cửa hàng mua bán. Quy định này cũng tương tự như ở bang Mecklenburg-Vorpommern.

Cũng bắt đầu từ ngày 27/4, các bang Baden-Württemberg và Bayern cũng bắt buộc đeo khẩu trang khi đi các phương tiện công cộng và vào cửa hàng, trong đó bang Bayern áp dụng quy định với trẻ từ 7 tuổi trở lên. Bang Hamburg cũng bắt buộc đeo khẩu trang từ đầu tuần tới trong các cửa hàng, các chợ phiên và trên các phương tiện giao thông công cộng. Trong khi đó, các bang Sachsen quy định đeo khẩu trang từ ngày 20/4, bang Sachsen-Anhalt từ ngày 23/4 và Schleswig-Holstein từ ngày 29/4.

Trước đó, thành phố Hanau thuộc bang Hessen đã quy định đeo khẩu trang bắt buộc khi vào các cửa hàng và đi các phương tiện giao thông. Tại bang Thüringen, hai thành phố Jena và Nordhausen cũng đã bắt buộc đeo khẩu trong ở nơi công cộng. Quy định bắt buộc áp dụng trên cả bang khi đi xe bus, tàu và đi mua sắm từ 24/4.

Hiện Đức có 147.065 người mắc COVID-19 và 4.862 người tử vong vì đại dịch này.

Tây Ban Nha và Italy có số người nhiễm và tử vong do SARS-CoV-2 cao thứ 2 và thứ 3 thế giới

Tại Italy, số ca nhiễm COVID-19 tính tới thời điểm hiện tại là 181.228 ca, trong đó có 24.114 ca tử vong.

Số liệu của Bộ Y tế Tây Ban Nha cho thấy, nước này đã chứng kiến sự tăng nhẹ về số ca tử vong khi ghi nhận 430 bệnh nhân tử vong trong 24 giờ đồng hồ qua.

Cho đến nay, 21.282 người đã không qua khỏi dịch bệnh ở Tây Ban Nga. Trong khi đó, Tây Ban Nha đã ghi nhận thêm 3.968 ca nhiễm SARS-CoV-2, nâng tổng số ca nhiễm ở nước này lên thành 204.178 người.

Thụy Sĩ đưa vaccine chống COVID-19 vào tiêm chủng trong tháng 10

Dịch COVID-19 ngày 22/4: Ông Trump sẽ cấm nhập cảnh vào Mỹ trong 60 ngày, Thụy Sĩ đưa vaccine vào tiêm chủng trong tháng 10 - Ảnh 2.

(Ảnh minh họa)

Nhóm các nhà nghiên cứu tại Đại học Bern (Thụy Sĩ) hy vọng sẽ là cơ sở đầu tiên sản xuất vaccine chống dịch bệnh COVID-19 nguy hiểm này và sẽ đưa vào chương trình tiêm chủng vào tháng 10 tới.

Người đứng đầu ngành miễn dịch học tại trường Đại học Bern Martin Bachmann khẳng định có cơ hội để điều chế vaccine thành công.

Ông Bachmann, cũng là Giáo sư về vaccine tại Viện Jenner, Đại học Oxford, cho biết việc đẩy nhanh sản xuất vaccine có thể được giải thích một phần nhờ khả năng sản xuất dễ dàng, trong bối cảnh Đại học Bern đã có 200 lít lên men sinh học vi khuẩn, cần thiết để có thể sản xuất 10-20 triệu liều.

Theo ông Bachmann, vaccine là giải pháp có khả năng mở rộng rất lớn và có khả năng sản xuất hàng tỷ liều trong một thời gian ngắn.

Hầu hết các chuyên gia y tế và chính quyền các nước cho rằng để có vaccine sớm nhất cũng phải mất khoảng 1 năm đến 18 tháng. Theo thống kê, Thụy Sĩ đã ghi nhận gần 28.000 người mắc COVID-19 và hơn 1.400 ca tử vong.

Nga: Phát hiện biến chứng nguy hiểm do SARS-CoV-2 gây ra

Theo Sputnik, người đứng đầu Ủy ban về bảo vệ sức khỏe của Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga, ông Dmitry Morozov cho biết, một trong những biến chứng của người nhiễm virus SARS-CoV-2 là hiện tượng phát triển hội chứng DIC (đông máu nội mạch lan tỏa, rối loạn đông máu tiêu thụ, hội chứng huyết khối tắc mạch).

Ông Morozov giải thích, hiện đã rõ rằng trong trường hợp COVID-19, một trong những biến chứng phức tạp là phát triển hội chứng DIC.

Ông nhấn mạnh, điều quan trọng là phải cấp tốc thay đổi các hướng dẫn lâm sàng trong việc điều trị bệnh COVID-19. Những khuyến nghị này sẽ được gửi đến Bộ Y tế Nga.

Trung tâm đối phó cuộc khủng hoảng dịch COVID-19 của Nga ngày 21/4 cho biết nước này đã ghi nhận thêm 5.642 ca nhiễm virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh COVID-19, nâng tổng số ca nhiễm virus trên toàn quốc lên thành 52.763 người.

Trung tâm cũng cho hay, trong vòng 24 giờ qua, có 51 bệnh nhân đã tử vong do mắc COVID-19 , nâng tổng số ca tử vong lên thành 456 người.

Số ca nhiễm và tử vong ở Pháp tiếp tục tăng

Pháp xác nhận thêm 2.667 ca nhiễm và 531 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 158.050 và 20.796, trở thành vùng dịch thứ tư báo cáo số người chết vượt 20.000. Số người cần chăm sóc tích cực đã giảm 12 ngày liên tiếp.

Chính quyền đang thử nghiệm cách ly người nhiễm nCoV nhưng có tình trạng sức khỏe ổn định và chưa đến mức phải nhập viện trong khách sạn. Biện pháp này nhằm tránh làm bùng phát làn sóng dịch bệnh mới, trong bối cảnh Pháp lên kế hoạch dỡ bỏ các biện pháp phong tỏa, dự kiến bắt đầu từ 11/5.

Dịch đạt đỉnh ở Thổ Nhĩ Kỳ

Ngày 21/4, Thổ Nhĩ Kỳ ghi nhận thêm 4.611 ca nhiễm Covid-19 trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca bệnh lên 95.591. Số ca tử vong hiện là 2.259 sau khi có thêm 119 trường hợp được ghi nhận trong ngày 21/4.

Hãng thông tấn nhà nước Anadolu dẫn tuyên bố của Tổng thống Tayyip Erdogan cho hay, dịch Covid-19 ở Thổ Nhĩ Kỳ đang bắt đầu đạt đỉnh và nước này hướng tới mục tiêu trở lại cuộc sống bình thường sau khi kết thúc tháng lễ Ramadan vào cuối tháng 5 tới.

Trước đó, Tổng thống Erdogan tuyên bố lệnh phong tỏa trong thời gian 4 ngày sẽ được áp đặt tại 31 thành phố từ 23/4. Ngày 23/4 là ngày nghỉ lễ ở Thổ Nhĩ Kỳ trong khi ngày 24/4 đánh dấu bắt đầu tháng lễ Ramadan truyền thống của người Hồi giáo.

Theo VTV


Lượt xem: 20

Trả lời