Đi tìm nguyên nhân gây ra “trận sóng thần chết chóc” ở Indonesia

Cập nhật 02/10/2018, 19:10:15

Các chuyên gia đã chỉ ra hai yếu tố chính có thể là nguyên nhân khiến trận sóng thần ở Indonesia vừa qua thêm phần “chết chóc”.

Một đợt sóng thần cao gần 6m đã càn quét đảo Sulawesi của Indonesia tối 28/9, làm ít nhất 1.200 người trong tổng số 17 triệu dân của hòn đảo này thiệt mạng. Ngoài thiệt hại về người, sóng thần cũng phá hủy hàng nghìn ngôi nhà, để lại một thảm họa nhân đạo lớn được dự báo có thể phải mất hàng tháng để khắc phục.

di tim nguyen nhan gay ra tran song than chet choc o indonesia hinh 1
Quang cảnh điêu tàn ở Palu sau động đất, sóng thần. Ảnh: AFP/Getty.

“Bức tường nước khổng lồ” được kích hoạt sau trận động đất cường độ 7,5 ở Sulawesi. Hầu hết các trường hợp tử vong được ghi nhận ở thành phố Palu, nhưng lực lượng cứu hộ vẫn chưa thể tiếp cận toàn bộ các khu vực trên đảo nên con số thương vong có thể chưa dừng lại.

Theo ước tính, có hơn 48.000 người phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn và dù nước đã rút đi, các điều kiện trên mặt đất vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ.  Trên thực tế, người ta đã ghi nhận được hơn 150 dư chấn ở khu vực vừa xảy ra thảm họa.

Trận động đất với cường độ 7,5 rõ ràng là một trận động đất mạnh và thực tế trận động đất ngoài khơi bờ biển Indonesia hôm 28/9 là một trong những trận động đất lớn nhất được ghi nhận ở bất kỳ nơi nào trên thế giới từ đầu năm tới nay.

Sóng thần thường được tạo ra sau các trận động đất mạnh khi các mảng của vỏ trái đất bị đứt, gãy và dịch chuyển theo chiều dọc. Hiện tượng này tạo ra các cột nước lớn trong lòng đại dương, di chuyển theo mọi hướng với tốc độ có thể lên tới 800km/h. Càng tiến đến gần bờ, tốc độ các cột nước này càng chậm lại nhưng lại tăng độ cao. Dấu hiệu phổ biến cho thấy sóng thần chuẩn bị “đánh” vào bờ là nước biển đột ngột rút ra xa bờ một cách bất thường.

di tim nguyen nhan gay ra tran song than chet choc o indonesia hinh 2
Sóng thần thường được tạo ra sau các trận động đất mạnh. Đồ họa: Shutterstock.

Một số tính toán sớm cho thấy, sự dịch chuyển của lớp vỏ trái đất dưới lòng đại dương trong trận động đất nói trên khoảng nửa mét. Sự dịch chuyển này là đáng kể nhưng thường không đủ để gây ra các đợt sóng thần có sức tàn phá khủng khiếp như vậy.

Câu hỏi là điều gì đã xảy ra? Theo các chuyên gia, có hai yếu tố chính có thể khiến trận sóng thần hôm 28/9 ở Indonesia vừa qua thêm phần “chết chóc”.

Hệ thống cảnh báo có vấn đề

Một phần khiến cho sức tàn phá của trận sóng thần hôm 28/9 thêm phần nặng nề được cho là do hệ thống cảnh báo không làm tốt nhiệm vụ. Người dân địa phương cho biết, còi báo động đã không kêu và hệ thống tin nhắn SMS không phát đi cảnh báo vì tháp phát sóng di động đã đổ sập sau động đất.

Tờ New York Times cho hay, cảnh báo sóng thần sau động đất có thể đã được dỡ bỏ quá sớm khiến cho người dân địa phương mất cảnh giác, dẫn đến hậu quả thêm nặng nề.

Theo BBC, Indonesia có hệ thống cảnh báo sớm sóng thần với đồng hồ đo thủy triều, gia tốc kế và các trạm đo đạc địa chấn. Tuy nhiên, hệ thống này dường như thiếu sự bảo trì và đưa ra đánh giá thấp về độ nguy hiểm của trận sóng thần hôm 28/9.

Vị trí địa lý bất lợi

Một yếu tố khác khiến cho hậu quả của sóng thần thêm nặng nề chính là yếu tố địa lý của khu vực chịu tác động. Palu nằm cách tâm chấn của trận động đất khoảng 80km về phía Nam, nép mình bên trong một con vịnh kéo dài. Chính vịnh này đã đóng vai trò như một đường dẫn, đưa các con sóng thần hung dữ đánh thẳng vào thành phố.

di tim nguyen nhan gay ra tran song than chet choc o indonesia hinh 3
Vị trí địa lý bất lợi khiến Palu bị thiệt hại nặng nề trong trận sóng thần vừa qua. Ảnh: US Geological Survey.

Đó là còn chưa kể đến tính chất khá đặc biệt của vết đứt gãy trong trận động đất hôm 28/9. Như đã nói ở trên, thông thường sóng thần thường là kết quả của các trận động đất mạnh khi các mảng của vỏ trái đất “trượt” theo chiều dọc đường đứt gãy nhưng sự dịch chuyển vật chất trong trận động đất hôm 28/9 lại theo chiều ngang.

Bởi vậy, đợt sóng thần sau trận động đất do va chạm tại đứt gãy này gây ra đã khiến giới nghiên cứu bị bất ngờ và chưa hiểu rõ chuyện gì đã xảy ra dưới lòng biển sâu. “Chúng tôi vẫn đang cố tìm hiểu xem thực sự đã xảy ra điều gì”, giáo sư Philip Liu Li-Fan thuộc Đại học Quốc gia Singapore nói.

Bất kể nguyên nhân có là gì thì khi những cơn sóng thần hung dữ bắt đầu lao vào gần bờ, thành phố Palu nằm ở cuối một con vịnh hẹp dài tới 10 km bị đặt vào tình thế không thể chống đỡ.

Động đất đã, đang và sẽ là thực tế cuộc sống ở Indonesia. Quốc gia này nằm trong “vành đai lửa” trải dài hơn 40.000km quanh Thái Bình Dương. Đây là khu vực quy tụ 75% núi lửa trên trái đất và có tới 90% các trận động đất trên thế giới xảy ra tại đây.

Quay trở lại năm 2004, trận động đất mạnh thứ ba trong lịch sử đã kích hoạt những cột sóng cao tới 30m, giết chết hơn 230.000 người ở 14 quốc gia với phần lớn thương vong ở Indonesia. Sau thảm họa kép đó, Indonesia đã thành lập một cơ quan quản lý thiên tai mới để xử lý hậu cần và phối hợp các nỗ lực cứu trợ. Tuy nhiên, hệ thống này vẫn đang được thử nghiệm.

Giống như thảm họa hồi năm 2004, hiện nay mối nguy hiểm lớn nhất chính là hậu quả do động đất và sóng thần để lại. Động đất và sóng thần đến nay đã làm hàng nghìn ngôi nhà bị phá hủy hoàn toàn, hệ thống điện lưới bị hư hỏng, nhiều tuyến đường bị xóa sổ, còn người dân phải đối diện với nguy cơ dịch bệnh bùng phát./.

Theo VOV


Lượt xem: 178

Trả lời