Đằng sau việc Tổng thống Mỹ nỗ lực làm hòa với thế giới Hồi giáo

Cập nhật 05/2/2016, 19:02:04

Sau một thời gian rất dài, Tổng thống Mỹ Obama lần đầu tới thăm một nhà thờ Hồi giáo. Động cơ đằng sau chuyến thăm này là gì?

7 năm kể từ khi tại vị ở Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Barack Obama vừa có chuyến thăm lần đầu tiên đến một nhà thờ Hồi giáo ngay tại nước Mỹ.

dang sau viec tong thong my no luc lam hoa voi the gioi hoi giao hinh 0
Tổng thống Mỹ tiếp xúc người Mỹ Hồi giáo trong chuyến thăm lần đầu tiên tới một nhà thờ Hồi giáo ở Mỹ. Ảnh: tampabay.
Ông Obama từng đến viếng các nhà thờ Hồi giáo ở Malaysia, Indonesia và Ai Cập với tư cách Tổng thống Mỹ, thế nhưng lại chưa từng thăm bất kỳ nhà thờ Hồi giáo nào ở Mỹ, mặc dù nước này có tới hơn 2.000 nhà thờ Hồi giáo.

Tại sao người đứng đầu nước Mỹ lại chọn thời điểm này để thực hiện một chuyến thăm như vậy? Hành động này mang thông điệp gì?

Để có những thông tin cụ thể, BTV Phương Hoa có cuộc trao đổi với phóng viên VOV Vũ Hợp thường trú tại Mỹ:

BTV Phương Hoa: Thưa anh Vũ Hợp, trước hết, anh có thể phân tích lý do tại sao sau tới 7 năm tại nhiệm, Tổng thống Obama đến thời điểm này khi chuẩn bị hết nhiệm kỳ mới thực hiện một chuyến thăm đầu tiên đến một nhà thờ Hồi giáo ngay tại nước Mỹ?

PV Vũ Hợp: Cộng đồng Hồi giáo tại Mỹ không đông, chỉ chiếm chưa đầy 1% dân số trưởng thành của nước này, ước tính khoảng 1,8 triệu người, không kể trẻ em, với ảnh hưởng không quá lớn trong đời sống chính trị Mỹ. Chính vì thế, chuyến thăm đặc biệt của Tổng thống Mỹ trong thời điểm hiện nay có hai mục đích khá rõ ràng.

Thứ nhất là nhằm trấn an cộng đồng và giảm bớt căng thẳng giữa những người Mỹ Hồi giáo với phần còn lại của nước Mỹ, đặc biệt sau các vụ tấn công khủng bố đẫm máu tại thủ đô Paris và bang California vừa qua.

 
 

Trong vài tháng qua, sự lo sợ, chia rẽ và tấn công xúc phạm tôn giáo đã đẩy tâm lý căng thẳng của cộng đồng Hồi giáo tại Mỹ gia tăng.

Thứ hai, là nhắm đến các chính trị gia, cụ thể là các ứng viên của Đảng Cộng hòa với các phát biểu bài xích đạo Hồi nhằm tạo lợi thế trong chiến dịch tranh cử đang diễn ra. Động thái này của Tổng thống Mỹ cũng phù hợp với chiến lược mà ông đã theo đuổi từ khi lên cầm quyền, đó là cải thiện hình ảnh của nước Mỹ đối với thế giới Hồi giáo.

Theo quan sát của anh, động thái này của ông Obama có liên quan gì đến việc tạo thêm điểm cho ứng viên của đảng Dân chủ mà ông luôn ủng hộ là bà Hillary Cliton không, bởi một đối thủ sáng giá của đảng Cộng Hòa là tỷ phú Donal Trump thời gian qua đã có những tuyên bố gây sốc khi khẳng định sẽ cấm tất cả những người Hồi giáo đến Mỹ nếu đắc cử Tổng thống?

Trong chuyến viếng thăm của mình, Tổng thống Obama đã ca ngợi đóng góp của cộng đồng Hồi giáo cho nước Mỹ và gọi họ là một phần trong gia đình Mỹ. Bên cạnh đó, ông Obama chỉ trích quan điểm chính trị cố chấp, thành kiến vì lý do tôn giáo, ám chỉ tuyên bố bài xích đạo Hồi của tỷ phú Donal Trump và lời kêu gọi ném bom rải thảm chống Nhà nước Hồi giáo tự xưng của ứng cử viên Tổng thống Ted Cruz.

Quan điểm của ông Obama cũng đồng nhất với các tuyên bố của bà Hillary Clinton trong chiến dịch tranh cử khi cho rằng, nước Mỹ không phải đang trong cuộc chiến với đạo Hồi, với tất cả các tín đồ Hồi giáo.

dang sau viec tong thong my no luc lam hoa voi the gioi hoi giao hinh 1
Vợ chồng Tổng thống Obama trong chuyến thăm Indonesia.
Trước đó, trong khi các lãnh đạo Hồi giáo và đội ngũ trợ lý Nhà Trắng thực hiện công tác chuẩn bị thì chuyến thăm của ông Obama đến nhà thờ Baltimore đã trở thành chủ đề thảo luận nóng bỏng trên bàn ăn trong mỗi gia đình Hồi giáo tại Mỹ. Chúng ta có thể thấy rằng, ông Obama đang ghi điểm với người dân Mỹ cho đảng Dân chủ, cụ thể là cho ứng cử viên Hillary Clinton.

Có thể nói, trong thời gian tại nhiệm, ông Obama cũng đã thực hiện khá nhiều chính sách cải thiện quan hệ với các quốc gia Hồi giáo như Afganistan, Iran hay Iraq. Theo anh, liệu với chuyến thăm nhà thờ Hồi giáo tại nước Mỹ lần này, quan hệ giữa chính phủ Mỹ và thế giới Hồi giáo tại nước này nói riêng và thế giới hồi giáo nói chung có được cải thiện hơn không?

Liên quan đến quan hệ giữa Mỹ và thế giới Hồi giáo, chỉ vài tháng sau khi nhậm chức, Tổng thống Obama đã có chuyến công du quan trọng đến Trung Đông với điểm nhấn là chặng dừng chân tại Ai Cập, lần đầu tiên viếng thăm một nhà thờ Hồi giáo ở nước ngoài và có bài phát biểu kêu gọi khởi đầu mới.

Ông Obama cho rằng, Mỹ và thế giới Hồi giáo cùng nhau có thể đương đầu với chủ nghĩa cực đoan bạo lực, cũng như thúc đẩy tìm kiếm hòa bình bền vững cho Trung Đông. Cho đến cuối nhiệm kỳ của mình, ông Obama tiếp tục có chuyến thăm đầu tiên đến một nhà thờ Hồi giáo tại Mỹ. Với sự mong đợi và chào đón chuyến thăm này của cộng đồng Hồi giáo tại Mỹ, quan hệ giữa chính phủ và cộng đồng Hồi giáo tại Mỹ chắc chắn được cải thiện rõ rệt. Tuy nhiên, tác động tích cực của chuyến thăm đối với quan hệ giữa Mỹ và thế giới Hồi giáo nói chung là không nhiều.

Mâu thuẫn giữa Mỹ – phương Tây với thế giới Hồi giáo có thể nói là đã kéo dài hàng nghìn năm qua, nếu nhìn sâu xa hơn, phần nào cũng xuất phát từ mâu thuẫn giữa các nền văn minh.

Ngoài ra, sự phức tạp của mâu thuẫn này còn thể hiện ở việc Mỹ hiện nay đang đứng về một phe trong cuộc nội chiến Hồi giáo giữa những người theo dòng Shiite nói chung và người Sunni ở khu vực Trung Đông. Cuộc chiến này khi âm ỉ, khi bùng phát đẫm máu và đỉnh điểm là những gì đang diễn ra tại Syria, Yemen, Afghanistan, Pakistan, Lebanon cũng như nhiều quốc gia khác. Quan hệ giữa Mỹ và thế giới Hồi giáo phụ thuộc nhiều vào chính sách của Mỹ đối với các quốc gia theo đạo Hồi hơn là với cộng đồng Hồi giáo tại Mỹ.

Tuy nhiên, với việc cải thiện quan hệ với thế giới Hồi giáo của Tổng thống Obama cũng có nhiều ý kiến cho rằng, ông sẽ gặp khó hơn trong cuộc chiến chống khủng bố đặc biệt là tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS. Ý kiến của anh về vấn đề này như thế nào?

Có thể nói rằng, nhận định việc cải thiện quan hệ với thế giới Hồi giáo của Mỹ sẽ khiến nước này gặp khó khăn nhiều hơn trong cuộc chiến chống IS đa phần đến từ những ý kiến chỉ trích chính sách của Tổng thống Obama.

Về tổng thể, chính sách của ông Obama là lôi kéo thành phần Hồi giáo ôn hòa từ đó vừa gia tăng ảnh hưởng, vừa tạo thêm lực lượng chống lại IS.

Thực tế hiện nay cho thấy việc đánh giá những cái được và mất trong cuộc chiến chống IS của Mỹ vẫn còn nhiều tranh cãi. Những một điều rõ ràng là đa số các nước đang phải gồng mình chống IS ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào Mỹ. Các nước có tiếng nói tại khu vực như Thổ Nhĩ Kỳ, Iran hay Saudi Arabia đều muốn Mỹ giải quyết vấn đề IS, nhưng mỗi nước lại muốn theo các hướng khác nhau để thu lợi cho mình./.

Chính vì thế, việc cải thiện quan hệ với thế giới Hồi giáo không chỉ với các nước khu vực mà còn xa hơn, ví dụ như Indonesia hay Malaysia sẽ giúp nước Mỹ duy trì và tăng cường vai trò cũng như ảnh hưởng của mình trên phạm vi toàn cầu chứ không chỉ là với cuộc chiến chống IS./.

VOV


Lượt xem: 29

Trả lời