Châu Âu gồng mình trước nguy cơ dịch chồng dịch

Cập nhật 16/10/2020, 14:10:12

Mùa đông đang đến gần, các nước châu Âu hiện đang đối mặt với dịch cúm vào mùa trong bối cảnh dịch COVID-19 đang có dấu hiệu bùng phát trở lại.

Mùa đông là thời điểm số ca bệnh đường hô hấp thường tăng lên tại châu Âu. Bên cạnh đó, dịch COVID-19 đang có dấu hiệu bùng phát trở lại, khiến nhiều quốc gia ở lục địa già phải khẩn trương có những biện pháp mạnh tay. Mặc dù đã rút ra những kinh nghiệm từ đợt dịch lần thứ nhất nhưng giới chức và người dân châu Âu vẫn phải đối mặt với những thách thức mới trong cuộc chiến chống dịch lần thứ 2 này.

Bị ám ảnh với những thiệt hại kinh tế, thể chất và tâm lý sau thời gian dài đóng cửa, người dân châu Âu không còn dễ dàng chấp nhận tuân thủ các hạn chế phòng dịch như lần đầu. Và “tâm lý phản ứng” đang là thách thức rất lớn mà chính phủ các nước châu Âu đang phải đối mặt trong đợt dịch lần này.

Châu Âu gồng mình trước nguy cơ dịch chồng dịch - Ảnh 1.

Với khoảng 100.000 ca mắc mới COVID-19 mỗi ngày, châu Âu trở thành khu vực có số ca mắc mới theo ngày cao nhất thế giới. (Ảnh: AP)

Khi phải đối mặt với quá nhiều áp lực do dịch bệnh kéo dài, sự đồng lòng từng vững chắc ở nhiều quốc gia để chống COVID-19 đang có dấu hiệu rạn nứt. Những quy tắc mới bị thách thức tại các tòa án, chính quyền trung ương và địa phương bất đồng quan điểm. Về phía người dân, nhiều người đang bối rối hoặc không nghe theo các chỉ dẫn phòng dịch và hệ quả là số ca nhiễm mới tiếp tục tăng mạnh, kể cả ở những nơi đã thắt chặt quy định. Điều này được các chuyên gia y tế gọi là hội chứng “Chán ngấy đại dịch”.

Nhiều người dân ở London (Anh) và La Haye (Hà Lan) vẫn cố đi tới các quán bar lần cuối trước khi các quán này tạm thời đóng cửa. Nhiều cuộc biểu tình phản đối các quy định giãn cách xã hội kéo dài hoặc yêu cầu đòi tăng thêm lương và hỗ trợ môi trường làm việc cũng là nguyên nhân khiến những quy định phòng dịch có thể trở nên “công cốc”.

Châu Âu gồng mình trước nguy cơ dịch chồng dịch - Ảnh 2.

Nhiều người ở châu Âu có “tâm lý phản ứng” trong dịch COVID-19. (Ảnh: AP)

Không chỉ người dân châu Âu bị tác động tinh thần do dịch kéo dài, ngay cả lực lượng y, bác sĩ nơi tuyến đầu, những người trực tiếp điều trị cho bệnh nhân cũng phải trải qua những chấn thương tâm lý sâu sắc. Hơn 10 tháng không phải là thời gian quá dài nhưng cũng đủ để giảm nhiệt huyết chiến đấu của những chiến sĩ áo trắng. Điều này cũng là một khó khăn mà lãnh đạo các quốc gia châu Âu phải đối mặt.

Với khoảng 100.000 ca mắc mới COVID-19 mỗi ngày, châu Âu đã vượt qua Mỹ, trở thành khu vực có số ca mắc mới theo ngày nhiều nhất thế giới. Nhiều quốc gia châu Âu đã siết chặt các quy tắc phòng dịch, điều này có thể ảnh hưởng không nhỏ đến thói quen sinh hoạt của người dân, tác động đến việc kinh doanh buôn bán vừa mới trở lại bình thường chưa được bao lâu. Tuy nhiên, nếu không hành động ngay từ bây giờ, có lẽ các nước sẽ bỏ qua “thời điểm vàng” để chống dịch. Theo đó, lãnh đạo các quốc gia châu Âu đang nỗ lực để tránh nguy cơ dịch chồng dịch, không để COVID-19 và cúm mùa có cơ hội tấn công người dân.

Theo VTV


Lượt xem: 30

Trả lời