Căng thẳng Pháp – Thổ Nhĩ Kỳ thổi bùng xung đột phương Tây và thế giới Hồi giáo

Cập nhật 27/10/2020, 14:10:50

Căng thẳng ngoại giao giữa Pháp và Thổ Nhĩ Kỳ đang tạo ra 2 luồng dư luận đối lập giữa phương Tây và thế giới Hồi giáo.

Quan điểm của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron về Hồi giáo không chỉ dấy lên căng thẳng trong quan hệ giữa Pháp và Thổ Nhĩ Kỳ mà còn đang có xu hướng lan rộng. Không dừng ở xung đột trong quan hệ song phương, vụ việc tạo ra 2 luồng dư luận giữa một bên là các nước phương Tây ủng hộ quan điểm của Tổng thống Pháp và một bên là thế giới Hồi giáo ủng hộ quan điểm của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ.

Căng thẳng trong quan hệ giữa Pháp và Thổ Nhĩ Kỳ liên quan đến quan điểm của Tổng thống Pháp về Hồi giáo tiếp tục bị đẩy lên cao. Trong một động thái được cho là đáp trả việc Pháp triệu đại sứ tại Thổ Nhĩ Kỳ về nước, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan hôm qua (26/10) đã kêu gọi người dân Thổ Nhĩ Kỳ tẩy chay hàng hóa Pháp. Ông đồng thời hối thúc các nhà lãnh đạo thế giới bảo vệ người Hồi giáo trong trường hợp xảy ra điều mà nhà lãnh đạo này gọi là “sự đàn áp nhằm vào người Hồi giáo tại Pháp”.

“Tôi kêu gọi các bạn, đừng bao giờ dành sự tin tưởng cho hàng hóa Pháp. Đừng bao giờ mua các hàng hóa dán nhãn của Pháp. Các nhà lãnh đạo châu Âu nên kêu gọi Tổng thống Pháp dừng ngay các chiến dịch thù ghét Hồi giáo”, Tổng thống Erdogan nhận định.

Căn nguyên của những hành động “ăn miếng trả miếng” giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Pháp nảy sinh từ việc Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đầu tháng này đã gọi Hồi giáo là tín ngưỡng “đang bị khủng hoảng”. Để “tuyên chiến” với cái mà ông gọi là Hồi giáo cực đoan sau vụ một giáo viên ở Pháp bị sát hại dã man sau khi sử dụng các hình ảnh liên quan đến nhà tiên tri Mohammed tại một lớp học, Tổng thống Pháp cam kết bảo vệ “chủ nghĩa thế tục”. Ngay sau động thái của người đồng cấp Pháp, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đã gọi Tổng thống Pháp là “kẻ mất trí” và cần nhận được hỗ trợ về mặt tâm thần.

Trong quan điểm của người Hồi giáo, bất cứ hành vi nào mô tả nhà tiên tri Mohammed đều được xem là điều cấm kị và là sự tấn công nhằm vào chủ nghĩa Hồi giáo. Trong khi đó, theo quan điểm của các quốc gia theo chủ nghĩa thế tục mà điển hình là Pháp, việc kìm hãm tự do ngôn luận để bảo vệ cảm nhận của một cộng đồng đặc biệt nào đó đều làm tổn hại đến sự đoàn kết và thống nhất của quốc gia.

Chính sự bất đồng trong quan điểm về văn hóa và tôn giáo này đã khiến mối quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Pháp vốn đã căng thẳng trong nhiều vấn đề ngày càng căng thẳng và xa cách hơn. Sự bất đồng quan điểm này còn đang có xu hướng lan rộng, tạo ra 2 luồng dư luận giữa một bên là các nước phương Tây ủng hộ quan điểm của Tổng thống Pháp và một bên là thế giới Hồi giáo ủng hộ quan điểm của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ.

Nhiều nhà lãnh đạo châu Âu đã lên tiếng ủng hộ quan điểm của Tổng thống Pháp và chỉ trích phát ngôn của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ. Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte hôm qua (26/10) nói rằng Hà Lan sẽ sát cánh cùng Pháp vì những giá trị tập thể của châu Âu. Bày tỏ sự đoàn kết đối với ông Macron, Thủ tướng Italy Giuseppe Conte trong một dòng trạng thái đăng tải trên trang Twitter cá nhân đã nhấn mạnh rằng, việc lăng mạ mang tính chất cá nhân không giúp mang lại những chương trình nghị sự tích cực mà Liên minh châu Âu muốn theo đuổi với Thổ Nhĩ Kỳ.

Thể hiện sự đoàn kết đối với Tổng thống Pháp Macron, người phát ngôn chính phủ Đức cũng đã chỉ trích bình luận của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ là sự phỉ báng và không thể chấp nhận được trong khi Ngoại trưởng Đức Heiko Maas thì nói rằng, những nhận định của ông Erdogan về Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho thấy, quan hệ Pháp – Thổ Nhĩ Kỳ đang ở mức thấp nhất.

Ông Heiko Maas nói: “Chúng tôi cam kết sát cánh thể hiện sự đoàn kết với Pháp nếu Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục có những chỉ trích mang tính cá nhân nhằm vào Tổng thống Pháp. Tôi cho rằng điều này chỉ khiến quan hệ 2 nước ở mức thấp. Điều này là không thể chấp nhận được. Trên tất cả, chúng tôi sẽ đồng hành cùng Pháp trong cuộc chiến chống lực lượng Hồi giáo cực đoan”.

Trái với quan điểm của các nước phương Tây, các nước Hồi giáo lại ủng hộ quan điểm của nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ. Trong một dòng trạng thái đăng tải trên trang Twitter cá nhân hôm 25/10 vừa qua, Thủ tướng Pakistan Imran Khan đã cáo buộc Tổng thống Pháp tấn công Hồi giáo. Để bày tỏ sự phản đối quan điểm của Tổng thống Pháp, các cuộc biểu tình đã diễn ra tại nhiều nước như Bangladesh, Libya và Syria. Trong khi đó, nhiều hàng hóa của Pháp tại một số nước như Kuwait, Jordan và Qatar đã bị loại khỏi các sạp hàng./.

Theo VOV


Lượt xem: 36

Trả lời