Các nước Trung Âu lo ngại về kịch bản Brexit không có thỏa thuận

Cập nhật 16/1/2019, 15:01:15

Nhìn chung các nước Trung Âu tỏ ra lo ngại trước khả năng Anh sẽ rời EU (Brexit) mà không có thỏa thuận nào.

Phản ứng trước kết quả bỏ phiếu bác thỏa thuận Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) hay còn gọi là Brexit của Quốc hội nước này ngày 15/1, lãnh đạo một số nước Trung Âu bày tỏ sự lo ngại về khả năng Anh rời khỏi khối mà không có thỏa thuận nào, cũng như số phận của công dân những nước này tại Anh.

trung au lo ngai ve kich ban brexit khong co thoa thuan hinh 1
Thủ tướng Áo Sebastien Kurz. Ảnh: Azvision.

Thủ tướng Áo Sebastien Kurz thúc giục chính phủ Anh phải nhanh chóng ngăn chặn quá trình rời khỏi EU của Anh mà không có bất kỳ thỏa thuận nào, sau khi Quốc hội nước này bỏ phiếu bác thỏa thuận đạt được giữa EU và Thủ tướng Anh Theresa May cách đây hai tháng. Ông Kurz cũng bác bỏ khả năng đàm phán lại thỏa thuận này, nhưng cho biết EU sẵn sàng giúp Anh tránh một Brexit cứng cũng như đảm bảo mối quan hệ gần gũi giữa hai bên trong tương lai.

Còn Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki khẳng định một quá trình Anh rời khỏi EU mà không có thỏa thuận chia tay sẽ là một giải pháp tồi tệ không chỉ riêng đối với nước Anh mà còn cả EU. Ông cho biết cùng với các đối tác khác tại châu Âu, Ba Lan sẽ lắng nghe các đề xuất mới của Anh về vấn đề này.

Bên cạnh đó, Thủ tướng Morawiecki cũng nói rằng Ba Lan sẽ làm tất cả để đảm bảo quyền và an ninh cho các công dân cũng như doanh nghiệp Ba Lan tại Anh.

Trong khi đó, các nghị sĩ châu Âu của Séc có phản ứng không tích cực trước kết quả bỏ phiếu tại Quốc hội Anh, cho rằng nó sẽ tạo ra sự bất ổn và tăng khả năng Anh rời EU mà không có một thỏa thuận nào. Nghị sĩ Martina Dlabajová nói rằng kết quả bỏ phiếu đưa tất cả trở về thời kỳ ban đầu, và không ai biết mọi việc sẽ đi đến đâu.

 Nghị sĩ Pavel Telička cho rằng kết quả bỏ phiếu sẽ tăng khả năng một quá trình Brexit cứng sẽ diễn ra, và châu Âu cần có kế hoạch để đối phó với tình huống xấu nhất xảy ra.

Kế hoạch bảo vệ quyền hợp pháp của hàng triệu công dân các nước thành viên EU đang làm việc tại Anh và gần 1 triệu công dân Anh đang làm việc tại các nước EU cũng đã được tính đến. Được biết Séc và Ba Lan đã phác thảo dự luật cho phép công dân Anh ở lại hai nước hợp pháp trong giai đoạn chuyển tiếp trong trường hợp không một thỏa thuận nào được đưa ra sau khi Anh chính thức rời EU vào cuối tháng Ba tới. Hai nước cũng mong muốn Anh sẽ có các động thái tương tự đối với kiều dân của mình tại Anh.

Hiện Cộng hòa Séc có khoảng 40.000 kiều dân và Ba Lan có gần 1 triệu người đang sinh sống và làm việc tại Anh. Năm 2018, Thủ tướng Anh Theresa May cho biết công dân hai nước vẫn sẽ được chào đón và có thể ở lại Anh sau khi nước này rời khỏi EU./.

Theo VOV


Lượt xem: 23

Trả lời