Các biện pháp trừng phạt Triều Tiên chỉ là “vòng luẩn quẩn”?

Cập nhật 19/3/2016, 07:03:14

Giới phân tích cho rằng, các biện pháp trừng phạt đánh vào kinh tế không thể ngăn cản Triều Tiên tiếp tục theo đuổi tham vọng hạt nhân.

Bất chấp việc Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc mới đây thông qua các biện pháp trừng phạt mới, Triều Tiên ngày 18/3 đã tiếp tục thực hiện vụ phóng tên lửa đạn đạo.

Vụ phóng tên lửa mới nhất của Triều Tiên được thực hiện chỉ một ngày sau khi Nhà Trắng thông báo Tổng thống Mỹ Barack Obama đã ký ban hành sắc lệnh áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với Triều Tiên. Điều này khiến nhiều người đặt ra câu hỏi, liệu các lệnh trừng phạt quốc tế có phải là biện pháp giúp tháo ngòi nổ căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên, hay đó chẳng khác nào “đổ thêm dầu vào lửa”?

cac bien phap trung phat trieu tien chi la "vong luan quan"? hinh 0
Một vụ phóng tên lửa của Triều Tiên. (Ảnh minh họa: Reuters)

 

Triều Tiên lại đẩy căng thẳng lên cao

Ngày 18/3, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc thông báo Triều Tiên đã phóng tên lửa đạn đạo tầm trung ra vùng biển của nước này. Tên lửa được phóng từ khu vực Sukchon ở phía Tây Nam của Triều Tiên vào lúc 5h55 sáng (theo giờ địa phương).

Hãng thông tấn Yonhap của Hàn Quốc dẫn một số nguồn tin quân sự cho rằng, tên lửa mà Triều Tiên phóng có thể là tên lửa Rodong, với tầm bắn tối đa khoảng 1.300km. Tên lửa này bay khoảng 800 km và rơi xuống vùng biển ngoài khơi bờ biển phía Đông Triều Tiên. 

Trong một tuyên bố ngay sau đó, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc đã lên án mạnh mẽ việc Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo vào sáng cùng ngày, vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.

Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cho rằng, vụ phóng tên lửa của Triều Tiên là hành động khiêu khích nghiêm trọng, đe dọa hòa bình trên bán đảo Triều Tiên cũng như toàn thế giới, phớt lờ các nghị quyết trừng phạt mới của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.

Bộ này cũng nhấn mạnh, Hàn Quốc sẽ nhanh chóng thúc đẩy những biện pháp cần thiết tại Hội đồng Bảo an, phối hợp với cộng đồng quốc tế và thực hiện mọi nỗ lực nhằm gây sức ép để Triều Tiên từ bỏ chương trình hạt nhân, tên lửa. Tuyên bố nêu rõ, Seoul sẽ cứng rắn trong việc xử lý bất kỳ hành động khiêu khích của Bình Nhưỡng, đồng thời duy trì trạng thái sẵn sàng phòng thủ.

Trong khi đó, người phát ngôn Lầu Năm Góc Bill Urban cho biết: “Chúng tôi đã có thông tin về việc Triều Tiên phóng hai tên lửa đạn đạo. Chúng tôi đang giám sát chặt chẽ các hoạt động quân sự của Bình Nhưỡng và tình hình trên bán đảo Triều Tiên”.

“Việc sử dụng công nghệ tên lửa đạn đạo rõ ràng là sự vi phạm trắng trợn nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Chúng tôi kêu gọi Triều Tiên kiềm chế, không có các hành động làm gia tăng căng thẳng trong khu vực. Thay vào đó, cần phải thực hiện các bước đi cụ thể, phù hợp với các cam kết quốc tế”.

Ông Urban cũng cho biết thêm rằng, quân đội Mỹ sẽ thận trọng với hành động khiêu khích của Triều Tiên và tiếp tục làm việc chặt chẽ với các đồng minh để duy trì hòa bình, an ninh, ổn định trong khu vực.

Cùng ngày, Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida thông báo nước này đã trao công hàm phản đối vụ phóng tên lửa đạn đạo vào sáng cùng ngày của Triều Tiên, đồng thời nhấn mạnh rằng đó là hành động vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.

Triều Tiên đang toan tính gì?

Ngày 15/3 KCNA đưa tin, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un khi giám sát cuộc thử nghiệm về khả năng quay trở lại khí quyển của một tên lửa đạn đạo trong phòng thí nghiệm nói rằng: “Một thử nghiệm kích nổ đầu đạn hạt nhân và kiểm tra bắn đạn thật đối với một số tên lửa đạn đạo có khả năng mang đầu đạn hạt nhân sẽ được tiến hành trong thời gian ngắn để tăng cường hơn nữa độ tin cậy về khả năng tấn công hạt nhân”.

cac bien phap trung phat trieu tien chi la "vong luan quan"? hinh 1
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un thăm một đơn vị chế tạo tên lửa của Triều Tiên. (Ảnh: Reuters)

 

Tuyên bố này cùng với vụ phóng tên lửa đạn đạo tầm trung hôm 18/3 làm dấy lên những đồn đoán về mối liên hệ giữa lời nói và hành động của Bình Nhưỡng. Chuyên gia phân tích quân sự tại trường đại học Konyang của Hàn Quốc, ông Taewoo Kim cho rằng, rất có thể vụ phóng ngày 18/3 có thể là một vụ thử nghiệm về khả năng quay trở lại khí quyển của một tên lửa đạn đạo.

Trong khi đó, một giáo sư của Viện Khoa học và Công nghệ Hàn Quốc cho rằng, tên lửa Triều Tiên phóng ngày 18/3 có thể không phải là tên lửa Rodong như đồn đoán mà là một tên lửa tầm xa, và để hạn chế tầm bay của nó, Triều Tiên đã điều chỉnh góc bắn.

Ông cũng cho rằng, tên lửa mà Triều Tiên vừa bắn có thể mang theo một đầu đạn rỗng, trong đó có thiết bị kích hoạt nhưng không có plutonium hay uranium. Vụ phóng có thể là để kiểm tra về khả năng tên lửa này có phát nổ đúng thời điểm hay không.

Trong khi đó, các chuyên gia khác cho rằng, Triều Tiên vẫn chưa nắm được “chìa khóa” của công nghệ để đạt được mục tiêu của họ đó là phát triển một tên lửa tầm xa có khả năng bắn tới lục địa Mỹ.

Hồi đầu tuần này, các quan chức Quốc phòng Hàn Quốc cũng đã lên tiếng bác bỏ khả năng Triều Tiên phát triển thành công tên lửa đạn đạo có khả năng quay trở lại khí quyển, vì thế, Bình Nhưỡng vẫn chưa thể sở hữu một quả tên lửa đạn đạo liên lục địa.

Triều Tiên được cho là có một kho bom nguyên tử nhỏ, nhưng các quan chức Hàn Quốc và nhiều chuyên gia nước ngoài cho rằng, Triều Tiên chưa thu nhỏ được đầu đạn hạt nhân đủ để có thể gắn trên các tên lửa tầm xa.

Các biện pháp trừng phạt Triều Tiên chỉ là “vòng luẩn quẩn”

Đương nhiên, Mỹ và các đồng minh không thể chỉ đứng nhìn Triều Tiên muốn làm gì thì làm. Theo giới phân tích, các biện pháp trừng phạt mới mà Mỹ áp đặt đối với Triều Tiên là cần thiết dù cho nó không có khả năng ngăn chặn Bình Nhưỡng tiếp tục theo đuổi tham vọng phát triển vũ khí hạt nhân.

Giáo sư Khoa học Chính trị Raymond Kuo tại đại học Fordham nhận định: “Có rất ít khả năng các biện pháp trừng phạt mới của Mỹ sẽ mang lại điều gì. Tuy nhiên, biện pháp trừng phạt của Mỹ gửi đi một thông điệp quan trọng, đó là việc Triều Tiên thử tên lửa tầm xa và bom hạt nhân là không thể chấp nhận được”.

cac bien phap trung phat trieu tien chi la "vong luan quan"? hinh 2
Tên lửa của Triều Tiên trong một cuộc diễu binh. (Ảnh: Reuters)

 

Trong khi đó,ông James George Jatras, một nhà ngoại giao Mỹ đã nghỉ hưu, người hiện là cố vấn cấp cao cho các nghị sỹ của đảng Cộng hòa ở Thượng viện cảnh báo rằng, các biện pháp trừng phạt đơn phương mà Mỹ áp đặt với Triều Tiên có thể phản tác dụng.

Ông Jatras nói: “Chính phủ Mỹ không cho rằng, Triều Tiên là mối quan tâm của riêng họ mà là mối lo của khu vực, đặc biệt là của Trung Quốc, Nga, Nhật Bản hay Hàn Quốc và Mỹ chỉ đóng vai trò thứ yếu hoặc hỗ trợ”.

Jatras giải thích rằng, chiến lược trừng phạt mà Mỹ áp dụng với Triều Tiên dù được mở rộng ra nhiều lĩnh vực khác nhau với tham vọng làm suy yếu sức mạnh của Bình Nhưỡng thì vẫn luôn luôn phản tác dụng và chỉ khiến Triều Tiên ngày càng có những động thái cứng rắn hơn.

“Sự sụp đổ của Triều Tiên có lẽ là mục tiêu mà các biện pháp trừng phạt nhắm đến dù rằng thực tế đã cho thấy những biện pháp này chẳng mang lại hiệu quả. Hãy nhìn vào trường hợp Cuba, Iraq, Iran và Nga”, ông Jatras nói.

Ông Jatras cũng chỉ ra rằng: “Trong trường hợp Mỹ thành công với việc làm cho chế độ hiện nay của Triều Tiên sụp đổ, thống nhất bán đảo Triều Tiên dưới sự lãnh đạo của chính quyền Seoul – đồng minh thân cận của Mỹ. Điều này cũng đồng nghĩa với việc quân đội Mỹ sẽ có mặt trên sông Áp Lục – biên giới tự nhiên giữa Triều Tiên và Trung Quốc. Đương nhiên, Bắc Kinh sẽ không bao giờ cho phép kịch bản này xảy ra”.

Trung Quốc đã đứng về phía Mỹ bằng cách bỏ phiếu thông qua dự thảo nghị quyết trừng phạt Triều Tiên của Hội đồng Bảo an hồi đầu tháng này. Tuy vậy, khi Mỹ tiếp tục thực hiện các biện pháp trừng phạt bổ sung ngày 17/3, Trung Quốc ngay lập tức lên tiếng chỉ trích vì Mỹ đã đơn phương hành động.

Kuo lưu ý rằng, Mỹ đã luôn tìm cách hối thúc Trung Quốc hỗ trợ gây sức ép, thuyết phục Triều Tiên không làm trầm trọng thêm căng thẳng nhưng thành công mà Washington thu được chỉ ở mức “tối thiểu”.

“Vấn đề không phải là về mặt kinh tế hoặc các dịch vụ thiết yếu. Đó là chính trị. Liệu Trung Quốc có thực sự muốn sử dụng ảnh hưởng của mình để gây sức ép vớiTriều Tiên? Trong hoàn cảnh hiện nay, điều này là rất khó”, ông Kuo nói.

Ông Kuo nói thêm: “Cho đến nay, chưa có thay đổi đáng kể nào trong chính sách Triều Tiên của Trung Quốc. Bắc Kinh muốn có một chính phủ ổn định ở Bình Nhưỡng, thậm chí dù cho nó có được sức mạnh hạt nhân”./.

VOV


Lượt xem: 28

Trả lời