Bất đồng giữa các thành viên có làm suy giảm vị thế Thượng đỉnh G7?

Cập nhật 28/8/2019, 09:08:06

Lần đầu tiên trong lịch sử, Hội nghị G7 kết thúc mà không có tuyên bố chung, khiến dư luận không khỏi hoài nghi về vai trò và tầm quan trọng của nhóm.

Vấn đề bình đẳng giới, chống biến đổi khí hậu, hợp tác với châu Phi, an ninh khu vực Sahel, chuyển đổi số… là các chủ đề trọng tâm của Hội nghị Thượng đỉnh các nền kinh tế phát triển hàng đầu thế giới (G7) tại Biaritz, miền Tây Nam nước Pháp từ ngày 24 – 26/8. Tuy nhiên, còn nhiều bất đồng giữa các nước thành viên trong các chủ đề nóng hiện nay như chiến tranh thương mại, hạt nhân Iran hay Brexit. Lần đầu tiên trong lịch sử, G7 kết thúc mà không có tuyên bố chung, khiến giới nghiên cứu và dư luận không khỏi hoài nghi về vai trò, tầm quan trọng của nhóm.

bat dong giua cac thanh vien co lam suy giam vi the thuong dinh g7? hinh 1
Các nhà lãnh đạo G7 kết thúc ngày làm việc thứ hai tại Hội nghị thượng đỉnh Biarritz. Ảnh: AP.

Từ coi trọng gặp gỡ song phương…

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hy vọng sự kiện lớn này sẽ là cơ hội để vực lại chủ nghĩa đa phương, khuyến khích dân chủ và kiểm soát tiến trình toàn cầu hóa nhằm đảm bảo mọi người đều có lợi. Tuy nhiên, kết quả của hội nghị lần này khiến nhiều người hoài nghi về vai trò, tầm quan trọng của nhóm.

Ngoài một vài điểm sáng trong các chủ đề trọng tâm của hội nghị như cam kết giúp Brazil chống cháy rừng Amazon, các chuyên gia cho rằng, các cuộc gặp song phương bên lề hội nghị lại quan trọng hơn các phiên thảo luận chính thức. Trong khi các chủ đề nóng của thế giới hiện nay là chiến tranh thương mại, khủng hoảng hạt nhân Iran, hay Brexit lại không được coi trọng đúng mức hoặc còn quá nhiều bất đồng khi đưa ra bàn thảo.

Các cuộc gặp song phương, như cuộc gặp giữa Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Tổng thống Mỹ Donald Trump trong nỗ lực của nhà lãnh đạo Pháp nhằm tránh kịch bản cũ hồi năm ngoái lặp lại. Cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump với Thủ tướng Anh Boris Johnson, với Thủ tướng Nhật, Shinzo Abe hay cuộc gặp giữa ông Boris Johnson với các nguyên thủ Pháp, Đức, Italia và Chủ tịch Hội đồng châu Âu, Donald Tusk.

Trong các cuộc gặp song phương này, nhiều thông tin rất đáng chú ý đã được đưa ra, như việc Mỹ – Anh hứa hẹn tiến nhanh đến một Hiệp định thương mại lớn chưa từng có. Một diễn biến bên lề, Ngoại trưởng Iran, Zavad Zarif bất ngờ có mặt tại Biarritz và hội đàm với Ngoại trưởng Pháp, Jean-Yves Le Drian và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Đây có thể coi là một thắng lợi về ngoại giao và truyền thông của cá nhân Tổng thống Pháp, cho dù nó đặt ông Donald Trump vào thế miễn cưỡng.

Một cuộc gặp bên lề khác đạt được kết quả quan trọng, đó là cuộc gặp giữa Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire và Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin. Hai bên đã đạt được thỏa hiệp về kế hoạch áp thuế công nghệ số của Chính phủ Pháp, vốn khiến Tổng thống Mỹ Donald Trump chỉ thị mở cuộc điều tra và đe dọa áp thuế đối với rượu vang nhập khẩu từ Pháp.

Đến bất đồng trong những vấn đề nóng…

Trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung đang leo thang căng thẳng như hiện nay, chủ đề về cuộc chiến này chiếm vị trí trọng tâm trong hội nghị. Tuy nhiên, sự bất đồng lại nổi lên giữa các nhà lãnh đạo các nước G7.

Cho đến thời điểm này, G7 không có sự đồng thuận trong việc nhìn nhận cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung. Trong khi các nước châu Âu, Canada và Nhật Bản bày tỏ lo ngại rằng căng thẳng thương mại Mỹ – Trung sẽ tác động xấu đến kinh tế thế giới, thì Tổng thống Mỹ Donald Trump lại muốn chứng minh quyết định leo thang thương mại với Trung Quốc là đúng đắn. Ông còn dùng G7 làm diễn đàn để tìm kiếm đồng minh như với Thủ tướng Anh Boris Johnson, Thủ tướng Canada Justin Trudeau hay Thủ tướng Nhật Shinzo Abe.

Các nhà lãnh đạo G7 cũng không có sự đồng thuận trong vấn đề hạt nhân Iran. Pháp cùng với Anh và Đức đang nỗ lực giải cứu thỏa thuận hạt nhân Iran (JCPOA), mà Mỹ đã tuyên bố rút khỏi. Ngoại trưởng Iran Javad Zarif đã gặp Tổng thống Pháp bên lề hội nghị. Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo đã không nhất trí được về một kế hoạch hành động chung liên quan đến vấn đề hạt nhân Iran, sau một loạt cuộc gặp hai bên và ba bên diễn ra bên lề G7, mặc dù đây là một vấn đề quan trọng chi phối hội nghị.

Khi được hỏi về “hành động chung” đối với Iran trong cuộc họp báo với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, Tổng thống Mỹ Donald Trump nói: “Không, tôi đã không thảo luận về điều này”. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron phát biểu với báo giới cũng nói: “Không có nhiệm vụ chính thức nào tại G7. Chúng tôi sẽ tiếp tục hành động trong vai trò riêng của mình. Chúng tôi không đưa ra nhiệm vụ chính thức cho nước này hay nước kia”.

Không những thế, các nhà lãnh đạo G7 cũng không đạt được tiến bộ trong việc thuyết phục Tổng thống Mỹ Donald Trump gia hạn quy chế miễn trừ trừng phạt dầu mỏ đối với hoạt động mua bán sản phẩm này từ Iran.

Về vấn đề chống biến đổi khí hậu, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres đã đưa ra thông điệp khẩn thiết kêu gọi các nước chung tay chống biến đổi khí hậu vì một tương lai xanh hơn và sạch hơn. Thủ tướng Anh Boris Johnson cam kết nước này sẽ chi 10 triệu bảng Anh (khoảng 12,3 triệu USD) để khôi phục rừng Amazon. Tổng thống Pháp Macron muốn trở thành người nắm giữ lá cờ đầu trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Trong khi đó, một số quan chức Mỹ đã lên tiếng chỉ trích rằng Tổng thống Pháp chọn các chủ đề chính thức mà theo họ là “không xứng tầm”, trong đó có chống biến đổi khí hậu.

Hội nghị G7 năm 2019 còn chứng kiến mâu thuẫn nội bộ nổi lên vì vấn đề Nga. Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa ra vấn đề mời Nga quay trở lại G7 để trở thành G8 như trước đây. Tuy nhiên, đề xuất này từ trước đó đã bị các nước còn lại trong G7 phản đối quyết liệt. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói rằng, nếu lời mời tham dự được gửi đến Nga mà không có bất kỳ điều kiện nào có thể bị coi là “sự nhu nhược” của G7.

Và từ bỏ nghi thức truyền thống

Cũng là lần đầu tiên trong 44 năm lịch sử, Hội nghị G7 kết thúc mà không có tuyên bố chung, vì khác biệt của các nền kinh tế. Trước khi diễn ra hội nghị, nói chuyện với các phóng viên trong cuộc họp báo trước hội nghị G7 ở Paris ngày 21/8, Tổng thống Macron cho biết nỗ lực để có một tuyên bố chung trong cuộc gặp lần này có thể là một hành động “vô nghĩa”.

Trong những năm gần đây, việc có được một tuyên bố chung sau cuộc gặp hàng năm của lãnh đạo G7 ngày càng khó khăn. Một trong những lý do tới từ việc Tổng thống Mỹ Donald Trump muốn thúc đẩy các hiệp định thương mại song phương thay vì các hiệp định đa phương. Năm 2018, tại Ottawa, Canada, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã bỏ về sớm, từ chối ký vào bản tuyên bố chung, thậm chí còn có những lời chỉ trích cá nhân với Thủ tướng Canada về vấn đề thương mại.

Năm nay, trong vai trò nước chủ nhà, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, đã quyết định từ bỏ nghi thức truyền thống, bởi “những khủng hoảng dân chủ vô cùng sâu sắc” và để tránh một hội nghị G6+1 khác. Song điều này phản ánh sự đảo lộn các giá trị truyền thống cũng như sự rạn nứt sâu sắc giữa nguyên thủ 7 nền kinh tế lớn nhất thế giới, mặc dù, hợp tác và cởi mở vẫn là kim chỉ nam cho G7, cũng như cho hội nghị thượng đỉnh của nhóm. Vì thế, câu hỏi vị thế của G7, liệu có bị suy giảm là có cơ sở./.

 VOV.

Lượt xem: 13

Trả lời