Bài học trả giá bằng máu từ sự thất bại của hệ thống cảnh báo sóng thần

Cập nhật 01/10/2018, 21:10:52

Hệ thống cảnh báo sớm sóng thần tấn công hòn đảo Sulawesi, Indonesia hôm 28/9 được cho là gặp “vướng mắc” trong giai đoạn thử nghiệm.

Đáng nhẽ sau thảm họa động đất-sóng thần năm 2004 khiến gần 250.000 người thiệt mạng, hệ thống cảnh báo sớm của Indonesia phải được thay bằng một loạt các thiết bị công nghệ cao, bao gồm hệ thống cảm ứng đáy biển, sóng âm phân tích dữ liệu và đường dây cáp quang ổn định.

bai hoc tra gia bang mau tu su that bai cua he thong canh bao song than indonesia hinh 1
Cả một làng chài bị “xóa sổ” sau thảm họa động đất – sóng thần. Ảnh: AFP

Tuy nhiên, theo tờ Telegraph (Anh), do chậm trễ trong việc huy động ngân sách 1 tỷ rupiah (tương đương 69.000 USD) để hoàn thành dự án nên hệ thống cảnh báo sớm mới của quốc gia này vẫn chưa đạt được bước tiến triển nào ngoài mô hình nguyên mẫu từ 3 triệu USD do Hội đồng Khoa học Quốc gia Mỹ đầu tư.

“Đối với tôi, đây là một thảm họa cho ngành khoa học, một thảm họa cho người dân Indonesia nói chung và người dân Sulawesi nói riêng. Thật là đau lòng khi chứng kiến cảnh tượng, trong khi biết là có một mạng lưới cảm ứng tân tiến có thể cung cấp những thông tin quan trọng”, Louise Comfort – chuyên gia về quản lý thảm họa thiên nhiên thuộc Đại học Pittsburgh nhận định.

Sau thảm họa sóng thần năm 2004 khiến gần 250.000 người thiệt mạng, trong đó hơn một nửa nạn nhân là người tỉnh Aceh, Indonesia, một nỗ lực quốc tế đã được triển khai nhằm cải thiện khả năng cảnh báo sóng thần, đặc biệt là ở Ấn Độ Dương và Indonesia. Một phần trong dự án, do Đức và một số quốc gia khác tài trợ, bao gồm việc triển khai một mạng lưới 22 phao kết nối với bộ cảm biến gắn dưới đáy biển để truyền dữ liệu.

Hồi năm 2016, sau trận động đất khá lớn ngoài khơi đảo Sumatra, giới chức đưa ra một thông tin gây sốc: không có chiếc phao nào trong hệ thống đắt đỏ trên hoạt động. Chúng đã bị vô hiệu hóa bởi các hành động phá hoại hoặc trộm cắp hoặc ngưng hoạt động do thiếu tiền để bảo dưỡng.

Thành phần chính của hệ thống cảnh báo sóng thần Indonesia ngày nay là một mạng lưới gồm 134 đồng hồ đo thủy triều kết hợp với còi báo động ở khoảng 55 địa điểm và một hệ thống truyền tin cho người dân bằng tin nhắn văn bản.

Khi trận động đất 7,5 độ richter xảy ra vào 18h hôm 28/9, Cơ quan khí tượng và địa vật lý Indonesia (BMKG) đã ban hành một cảnh báo sóng thần, cảnh báo về các đợt sóng tiềm tàng cao từ 0,5 đến 3 mét. Cảnh báo được thu hồi lúc 18h36 tối. Sự việc đã hứng chịu nhiều chỉ trích từ cộng đồng mạng khi cho rằng cảnh báo được dỡ bỏ trước khi sóng thần tấn công. Tuy nhiên, người đứng đầu cơ quan khí tượng Indonesia bác bỏ mọi thông tin, và cho rằng cảnh báo được dỡ bỏ sau khi sóng thần ập đến.

“Các đồng hồ đo thủy triều vẫn hoạt động, nhưng chúng bị hạn chế trong chức năng cảnh báo sớm. Trong số 22 chiếc phao, không có chiếc nào hoạt động. Trong thảm kịch Sulawesi, BMKG (Cơ quan khí tượng và địa vật lý) đã dỡ bỏ cảnh báo sóng thần quá sớm, bởi vì nó không nhận được dữ liệu từ thành phố Palu “, chuyên gia Comfort giải thích.

Trong khi đó, Adam Switzer, một chuyên gia sóng thần tại Đài quan sát Trái đất Singapore, lại cho rằng có “chút bất công” khi nói BMKG có lỗi do không nhận biết được thảm họa.

“Từ sự việc chúng ta có thể thấy các mô hình cảnh báo sóng thần mà chúng ta có hiện nay còn quá đơn giản. Các mô hình đó không tích hợp chức năng tính đến chuỗi các sự kiện, chuỗi các trận động đất diễn biến trong một thời gian ngắn. Các mô hình cũng không tính đến trường hợp lở đất dưới biển”.

Ông Adam cho rằng kể cả khi sử dụng hệ thống cảnh báo sóng thần hiện đại nhất, việc đầu tiên sau khi trải qua một trận động đất ở các thành phố ven biển mà người dân phải làm là lên vùng đất cao hơn và ở đó vài giờ đồng hồ.

Harkunti P. Rahayu, một chuyên gia tại Viện Công nghệ Bandung giải thích sự cố mất điện sau khi động đất cũng có thể là nguyên do khiến còi báo động sóng thần không hoạt động, nên người dân không được cảnh báo. “Hầu hết mọi người lúc đó vẫn đang sốc bởi trận động đất và không có bất kỳ phản ứng hay suy nghĩ rằng một cơn sóng thần sẽ đến”.

Không phải ai cũng tin rằng hệ thống cảnh báo sớm sóng thần là điều cần thiết. Gavin Sullivan, nhà tâm lý học của Đại học Coventry – người làm việc cho Dự án Sáng kiến Phục hồi thành phố Bandung của Indonesia, cho biết: “Những gì đồng nghiệp Indonesia cung cấp cho tôi là người dân vẫn còn bối rối không biết làm gì khi có cảnh báo”.

Thực tế người dân vẫn còn hoạt động trong vòng 1km dọc bờ biển Palu khi sóng có thể quan sát từ xa rõ ràng là minh chứng cho thấy mọi người vẫn chưa rút ra được gì từ các bài học thảm họa trước đó.

“Điều này chỉ ra việc thất bại trong công tác tập huấn và xây dựng lòng tin để người dân biết chính xác phải làm gì khi một cảnh báo sóng thần được công bố”, bác sĩ Gavin Sullivan nhận xét./.

                                                                                               Theo VOV

Lượt xem: 19

Trả lời