75 năm chiến thắng Phát xít: Hồng quân Liên Xô và hy sinh không thể nào quên

Cập nhật 08/5/2020, 14:05:54

75 năm trôi qua nhưng ý nghĩa của Ngày Chiến thắng 9/5 vẫn trường tồn và nhân loại tiến bộ sẽ không bao giờ quên sự hy sinh của các chiến sĩ Hồng quân.

Hàng loạt hoạt động kỷ niệm Ngày Chiến thắng Phát xít đang diễn ra tại Liên bang Nga và nhiều quốc gia trên thế giới. Đây là dịp để ôn lại những ngày tháng đau thương nhưng hào hùng hơn 75 năm trước, cũng như bày tỏ lòng biết ơn đối với những người đã đóng góp công sức làm nên chiến thắng vĩ đại trong cuộc chiến được xem là tàn khốc nhất trong lịch sử nhân loại này, đặc biệt là các chiến sĩ Hồng quân Liên Xô.

75 nam chien thang phat xit: hong quan lien xo va hy sinh khong the nao quen hinh 1
Lá cờ Chiến thắng của Hồng quân được phất trên nóc trụ sở Quốc hội Đức Quốc xã vào năm 1945. Ảnh: Bảo tàng Nghệ thuật Đa phương tiện Moscow.

Cứ đến ngày 9/5 lịch sử hàng năm khi các hoạt động chào mừng Ngày Chiến thắng được tổ chức rầm rộ trên khắp nước Nga, bà Ekaterina Guseva, 95 tuổi lại không khỏi bồi hồi nhớ về những ngày chiến đấu gian khổ chống Phát xít Đức. Được gọi vào quân ngũ năm 1943 khi mới 18 tuổi, người phụ nữ Liên Xô nhỏ nhắn Ekaterina Guseva đã phải học sử dụng súng máy và luôn gắn liền với khẩu đại liên DShK. Đối với bà Ekaterina Guseva, sau những chiến thắng lừng lẫy là sự hy sinh mất mát to lớn của dân và quân Liên Xô.

“Tôi đã khóc khi được gọi tham gia quân đội khi mới 18 tuổi và tôi còn quá trẻ. Thực sự là những ngày đầy áp lực khi các bạn phải chứng kiến còi báo động liên tục ngày đêm. Lúc nào cũng bên khẩu súng máy. Không có thời gian để ngủ. Vừa nằm xuống lại báo động, lại vùng dậy. Tôi đã dùng súng máy để chiến đấu và tôi cũng bị bắn vào chân, rất đau đớn”.

Khó khăn là vậy nhưng người phụ nữ cùng khẩu đại liên đã cùng các đồng đội của mình chiến đấu từ Stalingrad đến tận Berlin, chứng kiến những điều thảm khốc nhất của chiến tranh, cũng như sự hy sinh anh dũng, kiên cường của các đồng đội, tiếp thêm nhiệt huyết, sức mạnh cho bà chắc tay súng. Từ một phụ nữ chân yếu tay mềm, bà Ekaterina Guseva đã trở thành nữ xạ thủ kinh hoàng đối với đội quân Phát xít, được nhận huy chương Dũng cảm do đích thân Đại tướng G.K Zhucov trao tặng.

“Tôi đã đi suốt toàn bộ cuộc kháng chiến chống Phát xít Đức chỉ với một khẩu đại liên”, bà Ekaterina Guseva cho biết.

Trải qua những ngày tháng hào hùng, được chứng kiến những đổi thay của lịch sử thế giới sau dấu mốc huy hoàng 9/5/1945 vẫn là điều may mắn đối với bà Guseva khi bao đồng đội  của bà đã phải ngã xuống cho Ngày Chiến thắng. Chiến tranh thế giới lần thứ hai là chiến thắng của phe Đồng minh chống Phát xít, nhưng Liên Xô là quốc gia đóng vai trò quan trọng và chịu thiệt hại lớn nhất.

Các thế hệ sau sẽ mãi còn được nghe kể lại những câu chuyện tưởng như huyền thoại về 900 ngày đêm của người dân thành phố Leningrad, chiến dịch Stalingrad 200 ngày đêm.

 Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nhiều lần nhấn mạnh ý nghĩa của Ngày Chiến thắng và vai trò của Liên Xô trong cuộc chiến chống Phát xít.

“Đối với nước Nga, ngày 9/5 là ngày lễ vĩ đại nhất, thiêng liêng nhất. Chúng ta tự hào bởi thế hệ của những người chiến thắng. Chúng ta tôn vinh những chiến công, ký ức, không chỉ nhằm thể hiện sự tôn trọng quá khứ lịch sử mà còn vì tương lai của chúng ta, cổ vũ, củng cố khối thống nhất của chúng ta”.

Sau khi đẩy lùi toàn bộ quân đội Phát xít ra khỏi Liên Xô, Hồng quân bắt đầu các trận đánh giải phóng các nước châu Âu. Gần 8.000 chiến sĩ Hồng quân mãi mãi nằm lại trên đất Đức trong trận đánh cuối cùng giải phóng Berlin, kết thúc Chiến tranh Thế giới thứ 2 trên chiến trường châu Âu.  Cựu Tổng thư ký Hội đồng châu Âu Thorbjørn Jagland nhấn mạnh, lịch sử ghi nhận sự hy sinh và vai trò của các chiến sĩ Hồng quân Liên Xô trong cuộc chiến giải phóng nhân loại khỏi Phát xít.

“Chúng ta đều vinh danh và tưởng nhớ tất cả những người đã ngã xuống để giành chiến thắng. Tuy nhiên khi nói đến Ngày Chiến thắng 9/5 thì chúng tôi phải công nhận một điều đó là sẽ không có ngày này nếu không có những hy sinh và tổn thất lớn lao của dân và quân Liên Xô, góp phần khích lệ các lực lượng đồng minh chống Phát xít”.

Thắng lợi vẻ vang của Liên Xô trong Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại cũng tiếp thêm sức mạnh cho phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc ở nhiều nước đang chịu ách áp bức xâm lược của chủ nghĩa đế quốc, đặc biệt là ở châu Á, châu Phi và Mỹ Latin, đưa thế giới chuyển sang thời kỳ mới.

Những ngày tháng đau thương nhất của Thế chiến II đã lùi xa, thế giới đã có nhiều thay đổi, nhưng nhân loại thì không bao giờ quên công ơn của những người đã làm nên chiến công hiển hách 75 năm trước. Những ngày tháng 5 này, ở Nga, các nước châu Âu và nhiều nơi trên thế giới, hoa tươi được đặt bên tượng đài Hồng quân Liên Xô, ở mộ các chiến sỹ vô danh… Năm nay do dịch Covid-19, các hoạt động chúc mừng Ngày Chiến thắng không được quy mô và hoành tráng như những năm trước. Tuy nhiên việc tri ân các cựu binh Hồng quân là điều không thể thiếu.

Dưới cửa sổ tòa nhà của cựu binh 95 tuổi Mikhail Chechulin tại thành phố Ekaterinburg, người ta đã đặt một chiếc xe có màn hình lớn, tiếp sóng buổi hòa nhạc và diễu binh cuộc duyệt binh trực tuyến vinh danh Ngày Chiến thắng. Dàn quân nhạc biểu diễn với những bài hát yêu nước và thiếu sinh quân đọc thơ về chiến công của những người lính Liên Xô.

75 năm đã trôi qua kể từ thời khắc lịch sử, ý nghĩa của Ngày Chiến thắng 9/5 vẫn trường tồn và bài học từ sự kiện trọng đại này vẫn còn mang tính thời sự trong bối cảnh thế giới đang biến động phức tạp. Nhân loại tiến bộ sẽ không bao giờ quên sự hy sinh của những người Xô Viết anh hùng, mà nhờ đó loài người đã thoát khỏi thảm hoạ Phát xít, đem lại hoà bình cho nhiều dân tộc và tạo nên những chuyển biến mang tính bước ngoặt của thế giới./.

Theo VOV


Lượt xem: 77

Trả lời