3 giả thuyết sau quyết định từ chức của Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc

Cập nhật 10/10/2018, 12:10:56

Quyết định từ chức bất ngờ của Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Nikki Haley ngày 9/10 khiến không ít người đặt ra câu hỏi “Tại sao”.

Trong giới chính trị, dường như không điều gì là không thể và một trong những điều tưởng chừng như “không thể” vừa xảy ra chính là quyết định từ chức của  Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Nikki Haley ngày 9/10.

3 gia thuyet sau quyet dinh tu chuc cua dai su my tai lien hop quoc hinh 1
Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Nikki Haley bất ngờ từ chức ngày 9/10. Ảnh: CNN

Một quan chức cao cấp của Bộ Ngoại giao Mỹ chia sẻ với CNN rằng bà Haley mới chỉ nói với các nhân viên của mình về quyết định từ chức này vào sáng 9/10. Một nguồn tin khác liên quan đến vấn đề này cho biết quyết định từ chức của bà Haley khiến cả Cố vấn An ninh Quốc gia John Bolton và Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo vô cùng ngạc nhiên.

Nếu như phản ứng đầu tiên với quyết định từ chức của bà Haley là câu hỏi: “Điều gì đang xảy ra?” thì sau đó “Tại sao?” là câu hỏi được đặt ra nhiều nhất.

Trả lời cho câu hỏi “Tại sao” luôn là một câu chuyện dài. Quyết định từ chức của bà Haley khiến nhiều người ngạc nhiên bởi bà Haley – một trong số ít quan chức trong chính quyền Tổng thống Trump có thể giữ được mối quan hệ tốt đẹp với cả ông Trump, cộng đồng quốc tế và những người trong Đảng Cộng hòa cùng một lúc, lại đơn giản và đột ngột “nói bỏ là bỏ”.

Tổng thống Mỹ Donald Trump – người đang tìm cách hạn chế tối đa những ảnh hưởng tiêu cực từ quyết định từ chức bất ngờ này của bà Haley, đã có cuộc gặp với bà Haley sau khi tin tức này được truyền ra ngoài. Ông Trump khẳng định rằng ông đã biết về kế hoạch từ chức của bà Haley vào tuần trước và cựu Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc đưa ra quyết định này bởi bà đã làm việc được gần 2 năm và cảm thấy đã đến lúc cần rời đi.

Dưới đây là một số khả năng, lý giải cho quyết định từ chức đột ngột của bà Haley:

Bị gạt ra ngoài bởi những “ngôi sao sáng” mới nổi

Như đã biết, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton và Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đều là những người ủng hộ chính sách đối ngoại cứng rắn. Trong khi đó, bà Haley, bề ngoài có vẻ rất cứng rắn trong các cuộc họp ở Liên Hợp Quốc và trong chính quyền ông Trump nhưng thực ra bà được cho là người ủng hộ chính sách ôn hòa và thuyết phục những người trong đảng Cộng Hòa đứng vào hàng ngũ của mình trong các cuộc gặp riêng.

Rõ ràng, bà Haley là một ngôi sao trong chính quyền Mỹ trong nhiệm kỳ đầu tiên của Tổng thống Trump nhưng cựu Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc không phải chưa từng xung đột với ông Trump trong một số vấn đề, trong đó có các vấn đề với Nga. Xuất hiện trên một chương trình truyền hình hồi tháng 4/2018, bà Haley thông báo Mỹ sẽ áp đặt các lệnh trừng phạt mới lên Nga. Tuy nhiên, Tổng thống Trump kiên quyết không có các lệnh trừng phạt nào như vậy còn Nhà Trắng thì đổ lỗi cho sự hiểu lầm này là “sự nhầm lẫn nhất thời” của bà Haley. Bà Haley sau đó đã nhanh chóng phản hồi rằng bà không hề “nhầm lẫn”.

Trong bối cảnh ông Bolton và ông Pompeo được xem như những “ngôi sao sáng” mới nổi trong chính quyền Tổng thống Trump, bà Haley dường như đã nhìn thấy trước thất bại của mình và quyết định tự mình từ chức trước khi bị buộc phải ra đi.

Cần kiếm thêm tiền để trang trải cuộc sống gia đình

Bà Haley đã làm việc trong chính phủ Mỹ một thời gian dài. Trước khi được bầu làm Thống đốc năm 2010, bà đã có 6 năm làm việc trong nghị viện và đây không phải là những công việc có thể kiếm được nhiều tiền. Năm 2015, một năm trước khi bà được bổ nhiệm làm việc trong chính quyền Tổng thống Trump, bà Haley và chồng bà cho biết thu nhập hàng năm của họ chỉ hơn 170.000 USD. Năm 2014, con số này là gần 190.000 USD. Và năm 2013, 2 vợ chồng bà Haley có thu nhập hàng năm là 270.000 USD.

Theo các số liệu tài chính năm 2018 của bà Haley được công bố, bà hiện đang có một khoản nợ lớn gồm khoảng 25.000 – 65.000 USD trong các thẻ tín dụng, một tài sản thế chấp hơn 1 triệu USD và một khoản tiền mượn từ ngân hàng khoảng 250.000 – 500.000 USD.

Trong khi đó, bà có một người con đang học đại học và một người con sắp vào đại học trong một vài năm nữa. Đó là lý do mà bà Haley có lẽ sẽ chấp nhận một công việc trong các công ty tư nhân với mức lương cao hơn để trang trải cho cuộc sống của gia đình mình.

Tham vọng tranh cử Tổng thống Mỹ

Chia sẻ về ý kiến cho rằng quyết định từ chức của bà có thể là khởi đầu cho một thách thức lớn tiềm năng với cuộc tranh cử Tổng thống năm 2020 của ông Trump, bà Haley đã bật cười bác bỏ khả năng về kế hoạch cho chiến dịch này trong 2 năm nữa.

Dù  tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Mỹ đang suy giảm nhưng ông vẫn là một trong những Tổng thổng của đảng Cộng Hòa nhận được nhiều phiếu ủng hộ nhất của các cử tri trong đảng. Không ai có thể đánh bại ông Trump vào năm 2020, không phải bà Haley và cũng không phải bất kỳ ai.

Tuy nhiên, chỉ vì bà Haley không chạy đua cho vị trí Tổng thống năm 2020 không có nghĩa là bà không tranh cử vị trí này nữa. Nên nhớ rằng dù ông Trump thắng hay thua năm 2020 thì ứng cứ viên Đảng Cộng hòa năm 2024 sẽ là một người khác. Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence là một ứng viên tiềm năng, đặc biệt nếu ông Trump tái đắc cử nhiệm kỳ thứ 2 năm 2020. Tuy nhiên, nếu có một ứng cử viên có mối quan hệ tốt với các quan chức trong chính quyền Tổng thống Trump nhưng lại không phải lúc nào cũng đồng ý với các quyết định của ông thì còn có thể là ai khác ngoài cái tên Nikki Haley.

Bà Haley đã dành gần 2 năm phục vụ trong chính quyền ông Trump nhưng đến năm 2024, cựu Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc đã rời Nhà Trắng được 6 năm và ai biết được khi ấy, bà lại chính là một ứng viên Tổng thống đầy tiềm năng của Đảng Cộng hòa?./.

Theo VOV


Lượt xem: 19

Trả lời