2022 – năm bùng nổ của ngành công nghiệp vũ trụ thế giới

Cập nhật 08/12/2022, 13:12:07

Năm 2022 là một năm mang tính biểu tượng với ngành khoa học vũ trụ, vì năm nay vừa tròn 50 năm sứ mệnh Apollo của Mỹ đưa con người đặt chân lên Mặt trăng.

Tháng 6/2022: Tàu Thần Châu 14 được phóng vào không gian với nhiệm vụ xây dựng trạm vũ trụ Thiên Cung. 5 tháng sau, tàu Thần Châu 15 tiếp tục được phóng lên, đánh dấu lần đầu tiên Trung Quốc thay người trên vũ trụ.

Tháng 8: Hàn Quốc phóng tàu thăm dò Mặt trăng đầu tiên của nước này mang tên Danuri.

Trước đó, NASA công bố những hình ảnh đầu tiên về vũ trụ sơ khai do siêu kính viễn vọng James Webb chụp, gây chấn động giới khoa học toàn cầu.

Tháng 9, công ty SpaceX của tỷ phú Elon Musk đánh dấu lần phóng tàu thứ 40 lên vũ trụ trong năm nay.

Tháng 11 vừa rồi, NASA phóng thành công tàu vũ trụ thuộc sứ mệnh Artemis-1, là thành công đầu tiên trong sứ mệnh đưa con người quay lại Mặt trăng sau nửa thế kỷ.

Ngân sách chính phủ dành cho công nghiệp vũ trụ

Ngành công nghiệp vũ trụ không chỉ là những khám phá khoa học, mà đang và sẽ mang lại nhiều lợi ích thương mại cho những chính phủ và các công ty công nghệ vũ trụ. Năm 2022 là một năm mang tính biểu tượng với ngành khoa học vũ trụ, vì năm nay là vừa tròn 50 năm sứ mệnh Apollo của Mỹ đưa được con người đặt chân lên Mặt trăng. 50 năm trước, các chính phủ chạy đua xem ai đưa được con người vào không gian. Và năm nay, các chính phủ đua xem ai sẽ làm chủ được không gian đó và khai thác được lợi ích thương mại gì.

2022 - năm bùng nổ của ngành công nghiệp vũ trụ thế giới - Ảnh 1.

Từ trái qua phải: Nhà sáng lập Jeff Bezos (Blue Origin), Richard Branson (Virgin Galactic) và Elon Musk (SpaceX). Ảnh: Mail

Còn trên thế giới, theo số liệu mới nhất, Mỹ vẫn đang đứng đầu về ngân sách đổ vào nghiên cứu khoa học vũ trụ. Nhưng cuộc đua này còn có sự tham gia của Trung Quốc, Nhật Bản, Pháp và Nga.

Tỷ phú Jeff Bezos, một trong những người giàu nhất hành tinh kiếm hàng nghìn tỷ USD trên Trái đất chỉ để phục vụ ước mơ bay lên trời. Nhưng dù gì thì những chuyến bay như thế vẫn chỉ thuộc về giới siêu giàu với cái giá là hàng trăm nghìn USD cho một tấm vé bay lên vũ trụ chỉ vỏn vẹn vài phút.

Thậm chí, ông Jason Andrews, một nhà kinh doanh chuyên lĩnh vực hàng không còn so sánh là, kỷ nguyên này của hàng không vũ trụ, cũng giống như những năm 1920, khi mà chỉ người giàu có mới được đi máy bay. Thời đó số đông cũng gần như không có cơ hội được bước chân lên máy bay. Nhưng bây giờ đa phần người dân ở các đô thị hay các nước phát triển đều có thể bay, thậm chí tại các quốc gia phát triển như Na Uy và Thụy Sỹ, trung bình mỗi năm trước thời kì đại dịch, một người dân đi máy bay trên 2 lần. Du lịch vũ trụ cũng phải bắt đầu từ con số ít giống như đi máy bay vậy.

Du lịch vũ trụ năm 2022 – bước tiến mới

Nếu như năm 2021 được ví là năm mở ra kỷ nguyên du lịch vũ trụ của nhân loại, thì năm 2022 này là năm hiện thực hóa giấc mơ đưa du lịch vũ trụ đến với mọi nhà, mọi người.

2022 - năm bùng nổ của ngành công nghiệp vũ trụ thế giới - Ảnh 2.

Trong hơn một năm qua, các công ty tư nhân là động lực chính để du lịch vào không gian có giá thành rẻ hơn, gần hơn với túi tiền của một người bình thường. Tính đến thời điểm này, trong lịch sử loài người, mới chỉ có vỏn vẹn khoảng 500 người đã làm được điều đó, nhưng có những công ty tư nhân đã bước chân vào lĩnh vực này để biến giấc mơ đó thành hiện thực sớm hơn.

Ông Justin Bachman – Phóng viên hãng tin Bloomberg cho rằng: “Ngành hàng không vũ trụ đang được tư nhân hóa, rủi ro cao nhưng nhận lại cũng rất nhiều lợi nhuận. Đưa người lên vũ trụ tham quan, du lịch, làm việc, đây đang là lĩnh vực thống trị bởi những công ty của Jeff Bezos, Elon Musk hay Richard Branson”.

Cách đây hơn 1 năm, hãng hàng không vũ trụ Virgin Galactic của tỷ phú Richard Branson tiết lộ là đã có hơn 600 người đăng ký giữ chỗ bay lên không gian, trong số đó có cả ca sĩ Justin Bieber hay diễn viên Leonardo Di Caprio. Hành khách sẽ được bay lơ lửng trong môi trường không trọng lực khoảng 5 phút trước khi hạ cánh. Giá vé 250 nghìn USD, tương đương gần 6 tỷ VNĐ cho 5 phút.

Ngoài tiền, người tham gia còn cần được huấn luyện đặc biệt về thể lực. Nhưng mới đây, công ty SpaceX của tỷ phú Elon Musk muốn chứng minh rằng hành trình này có thể dành cho bất cứ ai. Thông qua chương trình Inspiration 4, đã có 4 người được bay 3 ngày gần như vòng quanh Trái đất. Họ đều là những người bình thường, có một nữ y tá còn từng bị chẩn đoán mắc ung thư.

Hai tháng trước, SpaceX cũng lên kế hoạch đưa một cựu phi hành gia 82 tuổi bay lên Mặt trăng. Các tỷ phú này và các công ty của họ đang chạy đua để biến du hành lên vũ trụ thành một ngành thương mại. Mặc dầu vậy, họ đối mặt với nhiều rủi ro và quy trình phức tạp.

2022 - năm bùng nổ của ngành công nghiệp vũ trụ thế giới - Ảnh 3.

Một vụ phóng tàu vũ trụ SpaceX có giá thành đắt đỏ nhưng mang lại lợi nhuận kinh tế cao. Ảnh: Getty Images.

Bà Michelle Hanlon – Luật sư Hàng không Vũ trụ trường Luật Mississippi cho rằng: “Có hàng nghìn mối nguy hiểm có thể xảy ra khi bạn bay ngoài không gian, và chúng có thể khiến bạn tử vong. Một chiến dịch giải cứu bạn cũng sẽ rất đắt đỏ, nếu có sự cố xảy ra. Các công ty khi bán vé đưa người ra không gian cần cảnh báo khách hàng của họ về những mối nguy này”.

Bà Hanlon còn đặt giả thuyết, nếu sau này bạn du lịch lên vũ trụ, có trượt chân ngã trong một khách sạn ở hành tinh khác, thì bạn cũng phải đi qua rất nhiều thủ tục lớn nhỏ mới có thể khiếu nại bất kỳ ai.

Phóng vệ tinh – ngành kinh tế mới “gà đẻ trứng vàng”

Ngành công nghiệp vũ trụ không lớn mạnh nhờ vào một vài chuyến bay du lịch của giới thượng lưu trong một năm, mà con gà đẻ trứng vàng trong ngành này lại nằm ở những vệ tinh nhỏ bé, được phóng lên quỹ đạo Trái đất tầm thấp (LEO). Chính những vệ tinh nhỏ bé, lặng lẽ này mới đang là động cơ cho ngành công nghiệp vũ trụ phát triển. Và nó cũng chính là cuộc đua giữa hàng chục công ty công nghệ lớn nhỏ trong năm 2022.

Mặt đất và không gian dường như chẳng có điểm giao thoa, nhưng bạn sẽ phải nghĩ khác, khi nhìn vào quỹ đạo không gian tầm thấp LEO – Low Earth Orbit, nơi đang có hơn 3 nghìn vệ tinh lớn nhỏ phục vụ những hoạt động trên mặt đất. Nếu bạn cho rằng vũ trụ ở quá xa tầm tay và chúng không hiện diện trong cuộc sống hàng ngày thì có lẽ bạn đã nhầm.

2022 - năm bùng nổ của ngành công nghiệp vũ trụ thế giới - Ảnh 4.

Bà Namrata Goswami – Học giả độc lập về chính sách không gian: “Tôi nghĩ mọi người không nhận ra rằng tất cả các nền tảng chúng ta sử dụng hiện nay đều dựa vào khai thác tín hiệu từ không gian. Tiêu dùng số và định vị chỉ đường đều nhờ vào không gian, còn cả thanh toán trực tuyến và rút tiền ở cây ATM cũng vậy. Đấy chính là nền kinh tế vũ trụ mới”.

Có hàng nghìn vệ tinh đang hoạt động trong quỹ đạo Trái đất. Phát tín hiệu truyền hình vệ tinh, gọi điện thoại, định vị dẫn đường, quan sát và viễn thám, thông tin quân sự và đương nhiên là dự báo thời tiết – tất cả thông tin này đều được truyền tải về Trái đất.

“Mảng du lịch vũ trụ không phải là đóng góp chính cho nền kinh tế khai thác vũ trụ trị giá 400 tỷ USD. Yếu tố đóng vai trò chính là truyền thông, viễn thông và khám phá các ngôi sao mới là những mối quan tâm của các công ty như SpaceX hay các quốc gia như Trung Quốc và Ấn Độ hiện nay”, bà Namrata Goswami nói.

Thuật ngữ “khu vực LEO” thường được sử dụng cho khu vực không gian vũ trụ tầm thấp, nằm ở độ cao 80 – 1,700 km, xấp xỉ 1/3 bán kính Trái đất. Những chùm vệ tinh này hứa hẹn sẽ giảm độ trễ xuống dưới 100 mili giây, tức là giảm gấp 5 lần so với các vệ tinh địa tĩnh GEO. Có hàng nghìn vệ tinh bao phủ toàn bộ bề mặt Trái đất đang tạo ra những vùng phủ sóng toàn cầu và mang đến hàng terabyte dung lượng trực tuyến mới. Cả Elon Musk, Jeff Bezos và những chương trình không gian của Chính phủ Trung Quốc đều nhắm tới việc phóng hàng trăm, hàng nghìn vệ tinh lên LEO. Mục đích là để cung cấp càng nhiều kết nối Internet vệ tinh tới những vùng xa xôi hẻo lánh của Trái đất càng tốt.

Theo VTV


Lượt xem: 2

Trả lời