Xung quanh vấn đề bảo vệ môi trường tại Khu chế biến tinh bột sắn ở phường Ngô Mây, thị xã An Khê

Cập nhật 16/1/2019, 13:01:32

Làm thế nào để vừa phát triển kinh tế, vừa đảm bảo môi trường, không bị tác động xấu, gây ô nhiễm, nhất là tại các cơ sở sản xuất chế biến các loại sản phẩm – đó là vấn đề nhiều địa phương đang đặc biệt quan tâm. Phản ánh của nhóm phóng viên Thời sự tại Khu chế biến tinh bột sắn tập trung ở phường Ngô Mây, thị xã An Khê.

Nhằm không để tiếp tục tác động xấu đến môi trường, năm 2012, UBND thị xã An Khê tiến hành quy hoạch Khu chế biến tinh bột sắn tập trung ở xa khu dân cư nằm trên địa bàn Tổ 6, phường Ngô Mây. Theo đó, 10 hộ trước đây chế biến tinh bột sắn trong khu dân cư Tổ 4, phường Ngô Mây di dời cơ sở sản xuất đến khu này hoạt động. UBND thị xã An Khê đã triển khai đề án bảo vệ môi trường, theo đó các hộ cũng đã đầu tư xây dựng một số hạng mục công trình, chủ yếu các hầm biogas phủ bạt nhựa và các hồ chứa nước thải để xử lý trước khi thải ra môi trường. Tuy nhiên, qua thời gian hoạt động, công suất chế biến tinh bột sắn tại đây tăng cao, có cơ sở chế biến 15 tấn sắn tươi/ngày, do đó lượng nước thải ngày càng nhiều, đã xảy ra một số trường hợp vỡ bờ chứa nước thải, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến việc sản xuất nông nghiệp của người dân trong khu vực. Chính quyền địa phương phường Ngô Mây phối hợp với các ngành chức năng của thị xã An Khê đã xử lý kịp thời, buộc một số cơ sở tạm ngưng hoạt động vì thực hiện không nghiêm túc cam kết bảo vệ môi trường, chế biến tinh bột sắn vượt quá công suất cho phép. Tại đây hiện còn 3/10 hộ đang duy trì chế biến tinh bột sắn theo cam kết với chính quyền địa phương.

Chị Hồ Thị Mỹ Nhân -Tổ 4, phường Ngô Mây, thị xã An Khê, Gia Lai cho biết: “Bà con sẽ tiếp tục đầu tư xây dựng một số hạng mục công trình nhằm khắc phục, không để ô nhiễm môi trường”.

Quan điểm của chính quyền địa phương phường Ngô Mây, thị xã An Khê đó là kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp tại Khu chế biến tinh bột mì tập trung này nếu không thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.

Trao đổi về vấn đề này, chị Ngô Thị Thúy Hằng – Công chức địa chính phường Ngô Mây, thị xã An Khê, Gia Lai cho biết: “Trên cơ sở đề án xử lý ô nhiễm môi trường do cấp có thẩm quyền phê duyệt, các ngành chức năng của phường sẽ yêu cầu các chủ cơ sở sản xuất đầu tư triển khai thực hiện một số danh mục chưa triển khai về bảo vệ môi trường. Thực tế hiện nay, tại khu chế biến tinh bột sắn này đã giảm công suất chế biến, các hộ cũng đã đầu tư xây dựng hầm biogas và hệ thống xử lý nước thải nhằm giảm thiểu thải ra môi trường”.

Chính quyền địa phương phường Ngô Mây đang tiếp tục vận động 10 hộ chế biến mì tại đây hoạt động theo mô hình hình hợp tác xã, từ đó xây dựng kế hoạch một cách bài bản để vừa duy trì ổn định sản xuất, vừa bảo vệ môi trường một cách bền vững./.

 Hà Đức,  R’Piên


Lượt xem: 163

Trả lời