Xử lý phương tiện vi phạm giao thông đang còn gặp nhiều khó khăn

Cập nhật 01/3/2018, 14:03:45

Tình trạng người vi phạm luật ATGT đường bộ bỏ giấy phép lái xe (GPLX), phương tiện giao thông bị tạm giữ, hoặc không đến tham gia xử lý vi phạm hành chính trên lĩnh vực giao thông đường bộ đang là vấn đề phổ biến ở hầu hết các địa phương trên địa bàn tỉnh Gia Lai, gây khó khăn rất lớn đối với lực lượng chức năng trong quá trình phát hiện và xử lý vi phạm.

Theo phòng CSGT tỉnh Gia Lai cho biết, trong năm 2017 đến đầu năm 2018 đơn vị đang tạm giữ khoảng 650 GPLX mô tô, ô tô nhưng chưa thấy các chủ phương tiện đến lấy. Không chỉ vậy, có rất nhiều GPLX mà đơn vị đã tạm giữ ở nhiều năm trước và gần hết niên hạn cũng chưa có người đến để xử lý. Về phía đơn vị, mặc dù biết rằng sẽ có nhiều GPLX chủ nhân không đến lấy, tuy nhiên theo quy định thì vẫn phải giữ lại và bảo quản cẩn thận… Tình trạng này cũng đang là tình trạng chung ở các Đội CSGT huyện, thị xã và thành phố trên địa bàn tỉnh Gia Lai.

Thiếu tá Nguyễn Thanh Hải – Phó đội trưởng Đội xử lý vi phạm, Phòng CSGT tỉnh Gia Lai cho biết: “Một số lỗi theo quy định chỉ giữ giấy tờ, không tạm giữ phương tiện, trong khi số tiền phạt khá cao nên người vi phạm chấp nhận bỏ luôn GPLX, trong một số trường hợp người vi phạm báo mất và đến cơ quan chức năng cấp đổi GPLX mới, trong khi việc trao đổi thông tin, phản hồi thông tin giữa lực lượng CSGT và các đơn vị có trách nhiệm cấp GPLX còn chưa chặt chẽ, tỷ lệ phản hồi thông tin còn rất thấp.”

Trung tá Nguyễn Văn Hội – Đội trưởng đội CSGT Công an huyện Đăk Đoa cũng cho biết:  “Hiện nay chúng tôi cũng đang còn tồn động một số loại giấy tờ cũng như GPLX mà người vi phạm không đến cơ quan công an để nộp phạt để nhận lại, từ đó gây ra rất nhiều khó khăn trong xử lý vi phạm hành chính và công tác răn đe, phòng ngừa, giáo dục cho người vi phạm. Những khó khăn chính của chúng tôi là không đảm bảo được nguồn thu ngân sách cho Nhà nước theo quy định và người dân sẽ không chấp hành tốt pháp luật  của Nhà nước.”

Thực tế trong quá trình xử lý vi phạm giao thông tại các đơn vị chức năng cho thấy, việc xử lý các trường hợp vi phạm đang gặp không ít khó khăn khi các trường hợp này không chịu hợp tác với lực lượng chức năng, cho thấy thái độ coi thường và bất chấp quy định của pháp luật. Vì vậy, trong quá trình xử lý ngành chức năng cần có những điều chỉnh để tăng tính ràng buộc đối với người vi phạm, cùng với đó là tăng cường công tác phối hợp giữa các đơn vị để thẩm tra, xác minh, qua đó đảm bảo việc thực thi pháp luật được nghiêm minh, hạn chế tối đa vi phạm pháp luật về ATGT./.

Xuân Huy


Lượt xem: 37

Trả lời