Xã vùng sâu Lơ Pang vươn lên phát triển kinh tế nông nghiệp bền vững

Cập nhật 05/5/2014, 16:05:55

Là một trong những xã đặc biệt khó khăn, nằm ở phía Đông sông Ayun huyện MangYang, những năm qua bên cạnh chú trọng phát triển cây lúa để đảm bảo lương thực cho người dân, xã LơPang cũng đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng có giá trị kinh tế cao. Đây được xem là hướng phát triển kinh tế nông nghiệp bền vững, giúp hơn 76% người dân Bana nơi đây dần dần có cuộc sống ổn định và là động lực để địa phương thoát khỏi xã vùng 3 trong năm 2015.

 

 

Vườn tiêu của gia đình ông Xik, làng H'Lim.

 

Gia đình ông Xik ở làng H’Lim là một trong hộ tiên phong trên địa bàn xã mạnh dạn trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Bên cạnh trồng 6,5 sào lúa, bời lời, gia đình ông còn đầu tư trồng trên 500 trụ tiêu. Để tiêu phát triển xanh tốt, những kiến thức, kỹ thuật cơ bản để có thể trồng loại cây vốn “khó tính” này ông dường như đã thuộc lòng. Nhờ vậy mà vụ thu hoạch bói năm nay đã đem lại cho gia đình ông một khoản thu nhập kha khá.

 

Trò chuyện với chúng tôi Ông Xik tâm sự: Giờ mình có kinh nghiệm rồi, trước khi trồng phải làm đất bài bản, rải vôi, phân bón đàng hoàng, chọn giống cho kỹ và chịu khó học hỏi kinh nghiệm từ những hộ đã thu hoạch tiêu lâu năm. Hiện tại thu nhập đủ ăn, nuôi được con ăn học. Mới thu bói 300 trụ được hơn 7 tạ khô bán được hơn 110 triệu đồng. Không biết sang năm thế nào, nếu tiêu tốt mình được thêm nữa, gia đình rất phấn khởi.

 

Với phần đông người dân là đồng bào Bana, nếu như nhiều năm trước đây việc sản xuất của bà con còn lạc hậu, chủ yếu theo kiểu “may nhờ rủi chịu” vào thời tiết thì hiện nay, trình độ sản xuất của bà con đã từng bước được nâng lên. Cùng với việc trồng lúa để có gạo ăn trong gia đình với diện tích lúa nước, lúa rẫy khoảng 300 ha, vài năm gần đây người dân của xã đặc biệt khó khăn này còn trồng mì, cà phê, tiêu… để từng bước cải thiện đời sống. 

 

Anh Sơr-Làng H’Lim, xã Lơ Pang, huyện MangYang: Hồi trước cũng khó, không biết làm tiêu, làm mì cũng khó, chỉ có làm bời lời. Bây giờ đỡ hơn rồi, cơm ăn đủ, quần áo đủ, làm nhà 250 triệu đồng cách đây 4 năm rồi.

 

Anh Sơr, chăm sóc vườn tiêu.

 

Nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước thông qua nhiều chương trình đầu tư, hỗ trợ, cộng với sự nỗ lực vươn lên trong phát triển kinh tế của người dân, đến nay diện mạo nông thôn, cũng như đời sống của người dân xã Lơ Pang đã có những đổi thay đáng phấn khởi. Đến năm 2013, tỉ lệ hộ nghèo của xã giảm còn gần 34%, đáng mừng là có vài chục hộ có thu nhập trên 100 triệu đồng/năm, thậm chí vài hộ thu nhập trên 500 triệu đồng/năm. Trong năm 2014, địa phương phấn đấu giảm 7-8% hộ nghèo và đến năm 2015 dự kiến giảm tỉ lệ hộ nghèo xuống dưới 20%, từ đó thoát khỏi xã vùng 3.

 

Phấn khởi trước những đổi mới nhận thức của dân làng Ông Võ Minh Quang-Chủ tịch UBND xã Lơ Pang, huyện MangYang chia sẻ: Để thoát khỏi xã đặc biệt khó khăn, chúng tôi cần quan tâm nhiều hơn nữa đến bà con, trong đó phát triển tiêu, cà phê theo quy hoạch, phù hợp với đất đai của địa phương, từ vài trăm hộ rồi nhân ra các hộ khác. Ngoài cây tiêu, cà phê còn trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao, không trồng đại trà mà trồng thử nghiệm rồi sẽ nhân rộng ra.

 

Với lợi thế có tỉnh lộ 666 đi qua là một trong những nền tảng quan trọng để thúc đẩy giao thương, phát triển kinh tế hàng hóa trên địa bàn xã Lơ Pang, huyện MangYang. Việc khai thác có hiệu quả các chương trình đầu tư của Nhà nước, tiềm năng thế mạnh đất đai trong sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là ý thức nỗ lực vươn lên của người dân, xã Lơ Pang là một trong hai xã đi đầu và có điều kiện kinh tế-xã hội phát triển trong 5 xã Đông sông của huyện MangYang, góp phần tạo ra bức tranh tươi sáng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số để thực hiện có hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới./.

 

Thiên Thanh-Thiên Nga


Lượt xem: 94

Trả lời