Xã Sơn Lang, Kbang nhân rộng mô hình cây sa nhân tím

Cập nhật 12/3/2019, 12:03:27

Từ mô hình triển khai thí điểm trồng 4 héc ta cây dược liệu sa nhân tím của Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ ở vùng đất Sơn Lang, huyện Kbang năm 2008, đến nay cây sa nhân tím đã và đang được bà con Bahnar tại địa phương phát triển nhân rộng.

Năm 2008, gia đình anh Đinh Văn Chuyên cùng với 40 hộ dân ở làng Hà Nừng, xã Sơn Lang, huyện Kbang đã tham gia trồng 4ha sa nhân tím. Với khả năng chịu hạn tốt, chăm sóc dễ dàng, giá trị đem lại cao, cây sa nhân tím đã mang lại nguồn thu nhập ổn định từ việc cho thu hạt và mở ra triển vọng phát triển kinh tế cho bà con dân tộc thiểu số tại địa phương.

Anh Đinh Văn Chuyên – Làng Hà Nừng, xã Sơn Lang, huyện Kbang, Gia Lai cho biết: “Tôi cùng dân làng ở đây trồng cây sa nhân do Trung tâm Khuyến nông huyện cấp giống và hỗ trợ kỹ thuật. Chúng tôi trồng ở phần đất chung của làng, cây phát triển tốt vì nhờ có tán cây che bóng mát. Cây sa nhân đã cho thu hoạch và hy vọng những năm tới sẽ tiếp tục được thu nhiều hơn nữa”.

Từ mô hình trồng cây sa nhân tím ban đầu đến nay trên địa bàn xã Sơn Lang đã phát triển được 45 ha sa nhân tím. Cây sa nhân tím là loại cây thích hợp với điều kiện phát triển dưới tán rừng, thời tiết khí hậu cũng như tập quán canh tác của đồng bào dân tộc thiểu số. Đây là loài cây dược liệu, hạt sa nhân sẽ được dùng để làm thuốc, nên đem lại giá trị kinh tế cao, giúp người dân có thêm khoản thu ổn định trong năm mà không tốn nhiều công sức cũng như vốn đầu tư phân bón.

Ông Bùi Trọng Lượng – Giám đốc Trung tâm Dịch vụ  Nông nghiệp huyện Kbang, Gia Lai cho biết: “ Cây sa nhân dễ trồng, chủ yếu là chăm sóc ban đầu lúc mới trồng thôi, sau đó thì cây phát triển vì chịu hạn tốt. Loại cây này phù hợp với canh tác của bà con địa phương, tận dụng được vùng đất đồi, trồng dưới tán cây rừng. Trong thời gian tới chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ cho người dân mở rộng cây sa nhân tím và một số loại cây dược liệu khác nữa”.

Cùng với việc đem lại thu nhập kinh tế cho người dân, việc tận dụng trồng sa nhân tím xen giữa các cây hoặc trồng dưới tán rừng còn giải quyết được tình trạng rửa trôi và xói mòn đất, giữ độ ẩm cho rừng và giữ nước, tạo nên thảm thực vật đa dạng, góp phần bảo vệ tài nguyên rừng là hướng phát triển bền vững phù hợp với điều kiện sẵn có của địa phương./.

Ngọc Ánh, Thanh Sáng


Lượt xem: 91

Trả lời