Vườn rau xanh của học sinh tự trồng

Cập nhật 13/10/2018, 11:10:38

Cùng với việc trồng cây xanh, tạo cảnh quan trường học xanh – sạch – đẹp, những năm gần đây, một số trường học ở Gia Lai đã xây dựng môi trường xanh ngay tại trường, đó là tận dụng những khoảng đất trống trong khuôn viên nhà trường để lập mô hình vườn rau xanh. Việc áp dụng mô hình trồng rau xanh ngay tại trường học là nhằm đưa học sinh về với thực tế sau những bài học trên lớp. Hứng thú với mô hình này, những công việc của nhà nông được thầy cô trực tiếp hướng dẫn và thực hành, học sinh nhiều trường nội trú đã cho ra đời sản phẩm là những vườn rau xanh, phục vụ tốt cho cải thiện bữa ăn hằng ngày. Mô hình trồng rau xanh của các em học sinh Trường THCS Dân tộc Nội trú, huyện Chư Pưh là một ví dụ.

Sau giờ học, mỗi buổi chiều, các em học sinh của Trường THCS Dân tộc Nội trú, huyện Chư Pưh lại tập trung để trồng và chăm sóc vườn rau….Đây là lứa rau thứ 2 của các em sau gần 2 tháng trở lại với công việc học tập. Mỗi người mỗi việc, em thì làm cỏ, em thì tưới nước, có bạn lại trồng thêm rau mới. Chẳng mấy chốc những luống rau sẽ xanh tốt, quan trọng là hầu hết các em rất hứng thú với việc trồng và chăm sóc những luống rau của lớp mình.

Em Rmah H’Sơni, HS Trường THCS DT nội  trú huyện Chư Pưh cho biết: “Em rất thích trồng rau, mục đích trồng rau của em là tận dụng những khoảng đất trống của nhà trường để làm rau có ích cho cá nhân và tập thể, để có rau sạch. Trồng rau sạch để chúng em ăn, bán cho nhà bếp”.

Em Kpuih H’Yên,  HS Trường THCS DT nội trú huyện Chư Pưh cũng nói: “Một tháng mỗi lớp thi đua trồng 1 luống rau, lớp nào bón phân bò nhiều thì rau sẽ đẹp và xanh hơn. Đất trong sân trường rộng không làm gì thì thầy cô cho cho phép tập thể lớp trồng rau, chúng em cũng có tiền hơn”.

Để phong trào trồng rau xanh trong nhà trường thực sự hiệu quả, ngoài sự  hướng dẫn của các giáo viên chủ nhiệm chỉ cho các em biết chăm sóc rau đúng cách, biết thay đổi các loại rau trồng theo mùa vụ thì nhà trường còn luôn động viên, khích lệ kịp thời những cá nhân tích cực cũng như tập thể lớp thực hiện tốt phong trào này.

Thầy Trần Thanh Bình, Hiệu trưởng Trường THCS Dân tộc nội trú huyện Chư Pưh cho biết: “Nhà trường đã tận dụng khu đất trống trong trường và cho học sinh tham gia sản xuất. Qua quá trình tăng gia sản xuất như vậy cái thứ nhất là tạo cho học sinh ý thức, trách nhiệm trong quá trình học tập và trong quá trình chăm sóc, cái thứ hai nữa là tăng thêm nguồn thu nhập. Từ quá trình trồng rau như vậy thì các em tự chăm sóc rau nhập vào nhà ăn của tập thể trường rồi lấy nguồn kinh phí đó để tổ chức các hoạt động cho lớp. Qua những hoạt động như vậy, chúng tôi thấy nó rất thiết thực và giáo dục cho học sinh rất nhiều ý thức về học tập, về quá trình chăm sóc bản thân, về ý thức lao động”.

 Có thể nói, việc lập mô hình vườn rau xanh của các em học sinh Trường THCS Dân tộc Nội trú, huyện Chư Pưh không chỉ có tác dụng rèn đức tính lao động cần cù, chăm chỉ mà còn giúp các em thêm yêu lao động, gắn bó với công việc thường ngày mà ở nhà các em vẫn thường hay làm giúp bố mẹ.

Tuy mới chỉ triển khai thực hiện trong một thời gian ngắn nhưng mô hình vườn rau xanh của Trường THCS Dân tộc Nội trú, huyện Chư Pưh đã mang lại hiệu quả thiết thực cả về giá trị kinh tế lẫn tinh thần. Đến thời điểm hiện tại, dù chưa đáp ứng được nhu cầu cho bếp ăn tập thể với gần 300 em học sinh, song vườn rau của nhà trường cũng đã cung cấp được một phần rau sạch, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm phục vụ cho bữa ăn của cả cô và trò nơi  đây./.

Lệ Xuân, Kim Châu, R’Piên

 


Lượt xem: 244

Trả lời