Vi phạm chế độ học sinh bán trú, biết sai vẫn phải làm!

Cập nhật 01/6/2016, 09:06:01

Ngành Giáo dục Kbang thừa nhận phải bớt tiền ăn của học sinh bán trú để chi cho những khoản khác. Việc này đã kéo dài gần 6 năm qua và khả năng vẫn phải kéo dài. Vì sao lại có tình trạng này xảy ra?

 

Trường phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học Đak Roong, huyện Kbang có 390 học sinh. Nói là bán trú, nhưng thực chất nó chẳng khác trường nội trú là mấy. Bởi nhiều làng cách trường quá xa, học sinh phải ở lại trường cả tuần. Vì thế, nhu cầu cần nhân viên cấp dưỡng lo việc ăn uống cho các em là cần thiết.

Ông Phạm Văn Phướn – Tổ trưởng Tổ cấp dưỡng, Trường PTDTBT Tiểu học Đak Roong, K Bang, Gia Lai cho biết: “Công việc thì đơn giản thôi, nhưng rất nhiều bước phức tạp, đòi hỏi phải có tinh thần, trách nhiệm, chất lượng công việc. Bởi đây là phục vụ cho con người, mà con người ở đây là các cháu nhỏ. 

Đồng lương thì hạn chế, nhưng chúng tôi muốn đóng góp một chút tinh thần, trách nhiệm vào công cuộc chung của đất nước” …

Theo qui định, cứ 40 em học sinh bán trú thì có một cấp dưỡng. Như vậy, trường PTDTBT Tiểu học Đak Roong phải có ít nhất 9 cấp dưỡng, chưa kể bảo vệ. Thế nhưng không có một khoản hỗ trợ nào để trả lương cho đội ngũ này, mặc dù trường chỉ hợp đồng có 5 nhân viên.

Thầy Phạm Quốc Tuấn – Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học Đak Roong, K Bang, Gia Lai ccho biết: “Theo Thông tư 24 thì yêu cầu phụ huynh chia nhau xuống nấu, nhưng địa bàn chúng tôi không thể thực hiện được. Vì nó kéo theo nhiều vấn đề về vệ sinh ATTP, y tế,… nên chúng tôi không thể thực hiện được. Để đảm bảo duy trì việc nấu ăn, giữ các em ở lại trường, chúng tôi bắt buộc phải trích tiền ăn của học sinh để thuê cấp dưỡng. Tuy nó không hợp lý những không còn cách nào khác, chúng tôi bắt buộc phải làm như vậy để giữ học sinh”.

Từ chế độ một bữa ăn chia thành ba bữa mỗi ngày, lại cõng thêm lương cho cấp dưỡng và các chi phí khác. Liệu bữa ăn của các em có đảm bảo?

Về vấn đề này thầy Phạm Quốc Tuấn – Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học Đak Roong, K Bang, Gia Laicho biết: “ Theo qui định của nhà nước, chi phí cho mỗi em là 460 ngàn/ tháng; số tiền đó theo qui định chỉ cho các em ăn một bữa trưa. Nhưng đặc thù trường chúng tôi là các em cách xa trường trên 20 km nên các em phải ăn ở tại trường chứ không thể về được. Nên số tiền đó chúng tôi phải chia thành 3 bữa ăn, đồng thời còn chi phí các hoạt động cá nhân như xà phòng, dầu gội, kem,… nói chung là tất cả các khoảng chi đó đều nằm trong số tiền của các cháu. Ngoài ra không có sự hỗ trợ nào. …Với số tiền như vậy mà chi nhiều khoản thì chất lượng bữa ăn thì không đảm bảo về dinh dưỡng, chủ yếu là cho các em ăn no để đi học thôi”.

Tại một cơ sở giáo dục khác, dù chưa phải là trường bán trú, nhưng Trường Tiểu học Sơn Lang vẫn đang duy trì mô hình bán trú với 100 học sinh. Cái khó ở đây là có mô hình bán trú, nhưng thầy và trò Trường Tiểu học Sơn Lang không được hưởng một chế độ nào của một trường bán trú. Tất cả các chi phí đều nhìn vào tiền ăn của học sinh.

Cô Nguyễn Thị Phượng – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Sơn Lang, KBang, Gia Lai cũng cho biết: “Khi mở lớp bán trú thì trường Tiểu học Sơn Lang trích từ 460 ngàn của học sinh để vừa trả cho cấp dưỡng, vừa chi cho các khoản xà phòng, giày dép…Tất cả các khoản chi khác đều từ tiền của học sinh”.

Vận động đội ngũ cán bộ y tế, giáo viên tham gia công việc cấp dưỡng mà ngành giáo dục Kbang đã làm trong thời gian qua là một giải pháp tình thế, phát sinh trong quá trình thực hiện mô hình này. Thực chất, đó chỉ là một hình thức tiết kiệm, chứ không phải là giải quyết vấn đề.

Ông Lê Thanh Hải – Trưởng phòng Giáo dục – Đào tạo huyện Kbang, Gia Lai nói: “Trước khó khăn như thế mà không có chỉ đạo giải quyết thì chúng tôi buộc phải thực hiện bằng cách khấu trừ vào tiền ăn của học sinh.  Điều đó ai cũng thấy, việc đó ai cũng biết, đó là sai vì vi phạm chế độ chính sách đối với học sinh. Nhưng nếu không làm vậy thì chúng tôi không có khoản nào để chi trả”.

Phải nói rằng mô hình trường PTDT bán trú là khâu đột phá trong việc nâng cao chất lượng giáo dục dân tộc ở vùng sâu, vùng xa; nó là cứu cánh để giúp cho các địa phương có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn phát triển giáo dục. Vì thế, cảnh “giật gấu vá vai” này cần được các cấp, các ngành quan tâm tháo gỡ, chứ không phải là kiểm tra, rồi “ghi nhận” như mấy năm nay!

 

Minh Thanh; Viễn Khánh


Lượt xem: 205

Trả lời