Về Ia Piơr hôm nay

Cập nhật 17/10/2019, 08:10:17

Đa thành phần dân tộc, thế nhưng với sự giao thoa về văn hóa và đặc biệt là sự đoàn kết giữa cộng đồng dân cư tại chỗ với cộng đồng các dân tộc từ nơi khác đến trong phát triển kinh tế đã mang lại cho xã biên giới Ia Piơr, huyện Chư Prông một diện mạo mới so với nhiều năm trước đây. Cuộc sống người dân đã vươn lên thoát khỏi đói nghèo, đi lên cùng tiến trình xây dựng Nông thôn mới của địa phương.

Áp dụng khoa học kỹ thuật và cơ giới hóa vào sản xuất trong những năm gần đây đã mang lại cho bà con nông dân ở xã Ia Piơr những vụ lúa đạt cả về năng suất lẫn chất lượng. Cũng nhờ đó mà người dân, nhất là bà con DTTS ở địa phương nay không còn phải lo cái đói mỗi mùa giáp hạt; thậm chí là làm giàu từ sản xuất nông nghiệp.

 Ông Trần Đình Cửu – Bí thư Chi bộ làng Piơr, xã Ia Piơr, huyện Chư Prông, Gia Lai bày tỏ: “Đất này rất phù hợp với cây lúa nước. Bà con làm lúa nước một năm 2 vụ, đời sống tương đối ổn định”.

Là một trong những xã xa nhất của huyện biên giới Chư Prông, với sự quan tâm hỗ trợ đầu tư của Đảng, Nhà nước về hạ tầng cơ sở; đến nay, diện mạo 14 thôn/làng của xã Ia Piơr đã có những đổi thay đáng phấn khởi. Hệ thống đường giao thông nông thôn cơ bản được bê-tông và cứng hóa, điện thắp sáng được kéo về tận nhà dân, trạm y tế đảm bảo bảo công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân; và đặc biệt là hệ thống trường lớp học được đầu tư xây dựng mới cũng như sửa chữa khang trang hơn đáp ứng nhu cầu học tập, nâng cao chất lượng giáo dục trên vùng biên giới.

Cô giáo Hoàng Thị Kiệm – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hoàng Hoa Thám, xã Ia Piơr, huyện Chư Prông, Gia Lai cho biết: “Từ trước đến giờ Đảng và Nhà nước rất quan tâm đến đời sống kinh tế xã hội nói chung cũng như giáo dục của dân ở vùng kinh tế mới; đầu tư về cơ sở vật chất rồi mọi mặt, đặc biệt là quan tâm đến giáo dục, cho đầu tư về nhân sự. Ví dụ như thầy/cô giáo ở nơi khác thì được chuyển về đây phục vụ cho dạy và học; còn các em học sinh thì được hỗ trợ về chi phí học tập rồi có chế độ cho học sinh nghèo”.

Để ổn định dân cư trên vùng biên giới, thực hiện việc hỗ trợ định canh định cư đối với bà con DTTS tại chỗ và bà con kinh tế mới cũng như người dân di dân tự do đến địa phương, xã Ia Piơr đã có nhiều chính sách hỗ trợ, trong đó gắn quy hoạch một cách hài hòa giữa khu dân cư với khu sản xuất. Từ đó tạo điều kiện để giao thoa giữa các nền văn hóa, giúp bà con thay đổi nhận thức cũng như các tập tục, nếp sống cũ lạc hậu mà tiếp cận cái hay, cái mới; xây dựng cuộc sống phát triển đi lên.

Ông Đào Trung Kiên – Bí thư Đảng ủy xã Ia Piơr, huyện Chư Prông, Gia Lai trao đổi: “Nhìn chung thì bà con rất phấn khởi, tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền; đã phát huy những kế hoạch, đề án xã xây dựng để đưa vào vấn đề sản xuất. Và các hộ ngày trước mới vào thì khó khăn nhưng nay đã ổn định kinh tế gia đình”.

Bà Hoàng Thị Tuyết – Xã Ia Piơr, huyện Chư Prông, Gia Lai nói: Mười mấy năm trước không có gì, dân từ đây lên ngã ba chỉ được vài nhà nhưng bây giờ dân người ta ở kín hết rồi. Đời sống của dân mình hơn ngày xưa nhiều.

Về Ia Piơr hôm nay, một cuộc sống hạnh phúc đủ đầy đã hiện hữu trên từng con đường, từng nếp nhà nơi đây; và theo lộ trình, xã Ia Piơr phấn đấu đạt chuẩn NTM vào năm 2025./.

Mỹ Tiến, Huy Toàn, R’Piên


Lượt xem: 121

Trả lời