Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ làm việc với lãnh đạo tỉnh Gia Lai

Cập nhật 16/9/2019, 14:09:20

Tiếp tục chuyến công tác tại Tây Nguyên, sáng nay (16/9), Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ và đoàn công tác Chính phủ đã có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Gia Lai. Nội dung làm việc tập trung  nắm tình hình phát triển kinh tế – xã hội 8 tháng đầu năm; Kết quả 15 năm thực hiện Nghị quyết số 13 của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể; 5 năm thực hiện sắp xếp đổi mới công ty nông, lâm nghiệp theo Nghị quyết số 30 của Bộ Chính trị và Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Gia Lai.

Tham dự buổi làm việc, về phía tỉnh Gia Lai có các đồng chí: Dương Văn Trang, Ủy viên BCH TW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Võ Ngọc Thành, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo các sở, ngành, địa phương trong tỉnh.

Tại buổi làm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Hoàng đã báo cáo khái quát tình hình phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn tỉnh trong 8 tháng đầu năm. Mặc dù thực hiện nhiệm vụ trong điều kiện không mấy thuận lợi do tác động thời tiết nắng nóng kéo dài ảnh hưởng đến ngành công nghiệp điện, giá cả nông sản giảm thấp…song tỉnh Gia Lai đã đạt được một số kết quả tích cực. Thu ngân sách nhà nước đạt hơn 3 ngàn tỷ đồng, bằng 67% dự toán trung ương giao, bằng 61% dự toán HĐND tỉnh giao; Tổng nguồn vốn huy động trên địa bàn ước đạt hơn 35 ngàn tỷ đồng, tăng 2,4% so với cuối năm 2018; Tổng dư nợ cho vay đạt 89.550 tỷ đồng, tăng 2,3%; Tổng giá trị sản xuất công nghiệp đạt hơn 13 ngàn tỷ đồng, bằng 62% kế hoạch, tăng 8,3%; Kim ngạch xuất khẩu đạt 325 triệu USD, bằng 65% kế hoạch, tăng 3%.  8 tháng đầu năm có 525 doanh nghiệp, 280 chi nhánh thành lập mới, đạt 58% kế hoạch, tăng 15% so với cùng kỳ. Từ đầu năm đến nay có 24 dự án được phê duyệt quyết định chủ trương đầu tư với tổng vốn đăng ký 2.151 tỷ đồng.

Về kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, toàn tỉnh hiện có 60 xã được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới, 14 làng được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.

Sau 15 năm thực hiện Nghị quyết số 13 của BCH TW Đảng khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã đạt nhiều kết quả khả quan và cơ bản thực hiện được mục tiêu đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của hợp tác xã. Các hợp tác xã ngày càng tăng quy mô, mở rộng sản xuất kinh doanh, từng bước đáp ứng nhu cầu, nguyện, nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống của thành viên. Toàn tỉnh hiện có 251 hợp tác xã, tăng 186 hợp tác xã so với thời điểm cuối năm 2013. Hàng năm các hợp tác xã đã giải quyết việc làm cho 1.822 lao động.

Về kết quả sau 5 năm thực hiện sắp xếp đổi mới công ty nông, lâm nghiệp theo Nghị quyết số 30 của Bộ Chính trị và Nghị định số 118 của Chính phủ, việc sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của các công ty nông, lâm nghiệp do tỉnh Gia Lai quản lý đã thu được một số kết quả nhất định. Đến nay, Gia Lai đã hoàn thành cổ phần hóa 3 công ty TNHH MTV nông nghiệp, gồm: Công ty cổ phần Cà phê Gia Lai, Công ty cổ phần Chè Bàu Cạn, Công ty cổ phần Chè Biển Hồ. Các công ty này đã đi vào hoạt động ổn định, doanh thu và đời sống của người dân được cải thiện. Đối với 11 Công ty TNHH MTV lâm nghiệp, UBND tỉnh đã chỉ đạo thực hiện xong các bước phê duyệt Đề án sắp xếp, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động; phương án sản xuất kinh doanh; bổ sung vốn điều lệ; phương án sử dụng đất, đang triển khai việc đo đạc, lập hồ sơ địa hình, đóng mốc giới ngoài thực địa…

Thông qua buổi làm việc với Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, tỉnh Gia Lai đã nêu một số đề xuất, kiến nghị. Gia Lai đề nghị Chính phủ xem xét có chính sách đặc thù hỗ trợ cho các hợp tác xã vùng Tây Nguyên; cơ chế chính sách cho việc thực hiện Đề án sắp xếp đổi mới, phương án sản xuất kinh doanh các Công ty lâm nghiệp; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thực hiện chuyển đổi cây trồng đối với diện tích cao su trồng trên đất rừng tự nhiên nghèo bị chết và kém phát triển; hỗ trợ kinh phí trồng rừng và một số vấn đề liên quan đến xây dựng các vùng sản xuất nông nghiệp trong vùng tưới của Công trình thủy lợi Ia Mơr; bố trí kinh phí để Kbang, 1 trong 5 huyện điểm xây dựng nông thôn mới cả nước có điều kiện đầu tư xây dựng công trình giao thông liên xã và hỗ trợ phát triển sản xuất; đề xuất nguồn vốn hỗ trợ các dự án bố trí dân cư vùng thiên tai lũ lụt và một số dự án giao thông tại một số địa phương và quốc lộ – tuyến đường huyết mạch nối các tỉnh Duyên hải miền Trung Tây nguyên qua địa bàn Gia Lai và nối với các tỉnh Đông Bắc Campuchia.

Hồng Uyên, R’Piên


Lượt xem: 43

Trả lời