Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ làm việc với lãnh đạo tỉnh Gia Lai

Cập nhật 17/9/2019, 08:09:43

Như chúng tôi đã thông tin, thực hiện chương trình công tác tại Tây Nguyên, sáng (16/9), Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ và đoàn công tác Chính phủ đã có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Gia Lai. Nội dung làm việc tập trung  nắm tình hình phát triển kinh tế – xã hội 8 tháng đầu năm; Kết quả 15 năm thực hiện Nghị quyết số 13 của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể; 5 năm thực hiện sắp xếp đổi mới công ty nông, lâm nghiệp theo Nghị quyết số 30 của Bộ Chính trị và Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Gia Lai.

Tham dự buổi làm việc, về phía tỉnh Gia Lai có các đồng chí: Dương Văn Trang, Ủy viên BCH TW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Võ Ngọc Thành, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo các sở, ngành, địa phương trong tỉnh.

Theo báo cáo của UBND tỉnh Gia Lai về tình hình phát triển kinh tế – xã hội 8 tháng đầu năm; Kết quả 15 năm thực hiện Nghị quyết số 13 của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể; 5 năm thực hiện sắp xếp đổi mới công ty nông, lâm nghiệp theo Nghị quyết số 30 của Bộ Chính trị và Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Gia Lai, các bộ ngành trung ương và Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ rất phấn khởi với những kết quả tỉnh Gia Lai đã được được.

8 tháng đầu năm nay, mặc dù thực hiện nhiệm vụ trong điều kiện không mấy thuận lợi do tác động thời tiết nắng nóng kéo dài, giá cả nông sản giảm thấp…song tỉnh Gia Lai đã đạt được một số kết quả tích cực. Thu ngân sách nhà nước đạt hơn 3 ngàn tỷ đồng, bằng 67% dự toán trung ương giao, bằng 61% dự toán HĐND tỉnh giao; Tổng giá trị sản xuất công nghiệp đạt hơn 13 ngàn tỷ đồng, bằng 62% kế hoạch, tăng 8,3%; Kim ngạch xuất khẩu đạt 325 triệu USD, bằng 65% kế hoạch, tăng 3%.  8 tháng đầu năm có 525 doanh nghiệp, 280 chi nhánh thành lập mới, đạt 58% kế hoạch, tăng 15% so với cùng kỳ. Từ đầu năm đến nay có 24 dự án được phê duyệt quyết định chủ trương đầu tư với tổng vốn đăng ký 2.151 tỷ đồng.

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, toàn tỉnh hiện có 60 xã được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới, 14 làng được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.

Sau 15 năm thực hiện Nghị quyết số 13 của BCH TW Đảng khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã đạt nhiều kết quả khả quan và cơ bản thực hiện được mục tiêu đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của hợp tác xã. Các hợp tác xã ngày càng tăng quy mô, mở rộng sản xuất kinh doanh, từng bước đáp ứng nhu cầu, nguyện, nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống của thành viên. Toàn tỉnh hiện có 251 hợp tác xã, tăng 186 hợp tác xã so với thời điểm cuối năm 2013. Hàng năm các hợp tác xã đã giải quyết việc làm cho 1.822 lao động.

Việc thực hiện sắp xếp đổi mới công ty nông, lâm nghiệp theo Nghị quyết số 30 của Bộ Chính trị và Nghị định số 118 của Chính phủ, đã thu được một số kết quả nhất định. Đến nay, Gia Lai đã hoàn thành cổ phần hóa 3 công ty TNHH MTV nông nghiệp, gồm: Công ty cổ phần Cà phê Gia Lai, Công ty cổ phần Chè Bàu Cạn, Công ty cổ phần Chè Biển Hồ. Các công ty này đã đi vào hoạt động ổn định, doanh thu và đời sống của người dân được cải thiện. Đối với 11 Công ty TNHH MTV lâm nghiệp, UBND tỉnh đã chỉ đạo thực hiện xong các bước phê duyệt Đề án sắp xếp, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động; phương án sản xuất kinh doanh…

Tại buổi làm việc với Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ và đoàn công tác của Chính phủ, tỉnh Gia Lai đã nêu một số đề xuất, kiến nghị. Phó Thủ tướng Chí phủ Vương Đình Huệ ghi nhận tất cả các kiến nghị, chỉ đạo các bộ, ngành trung ương phối hợp để giải quyết.

Đối với đề nghị Chính phủ xem xét có chính sách đặc thù hỗ trợ cho các hợp tác xã vùng Tây Nguyên; Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Bộ Tài chính xem xét, nghiên cứu.

Về đề xuất sáp nhập 7 Công ty TNHH MTV lâm nghiệp thuộc địa bàn huyện Kbang để tinh giản bộ máy quản lý, tăng cường năng lực, nhân lực cho công tác bảo vệ rừng, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ cho biết, hiện nay theo Nghị quyết 30 của Bộ Chính trị chưa đề cập nội dung này, tuy nhiên sẽ đề xuất vấn đề này với Bộ Chính trị để bổ sung vào nghị quyết.

Tỉnh Gia Lai hiện có hơn 12 ngàn hecta cao su trồng trên đất rừng tự nhiên nghèo bị chết và kém phát triển đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho chuyển đổi cây trồng. Theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và PTNT, nếu chuyển sang trồng cây nông nghiệp, cây công nghiệp khác thì phải thực hiện chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác, đồng thời phải thực hiện việc trồng rừng.Trong điều kiện hiện nay khi các doanh nghiệp trồng cao su gặp rất nhiều khó khăn về tài chính khi phải đầu tư trồng, chăm sóc một thời gian dài không có nguồn thu, nay phải tiếp tục chuyển đổi cây trồng, trồng rừng thay thế bằng 3 lần diện tích chuyển mục đích sử dụng, do đó đến nay chưa có đơn vị nào triển khai được. Tỉnh Gia Lai đề nghị trung ương có hướng tháo gỡ giúp các doanh nghiệp sớm đưa diện tích đất này vào sử dụng có hiệu quả.  Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ giao Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và PTNT có văn bản báo cáo với Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ xem xét.

Đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ phát biểu: “Giao Bộ Công thương chủ trì phối hợp với Bộ Nông nghiệp, Bộ TNMT thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng…và báo cáo với Chính phủ và Thủ tướng chậm nhất trong tháng 10. Căn cứ vào Nghị quyết của Quốc hội về giải quyết các vấn đề trong quy hoạch, chúng ta có thể chuyển đổi đất này sang năng lượng tái tạo”.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ cũng nhất trí với các kiến nghị của tỉnh Gia Lai về đề nghị Trung ương hỗ trợ 311 tỷ đồng đề thực hiện Dự án đầu tư bảo vệ và phát triển rừng, giai đoạn 2017-2020; hỗ trợ 40 tỷ đồng từ nguồn ngân sách dự phòng trung ương để xây dựng 2 công trình giao thông liên xã và hỗ trợ phát triển sản xuất nâng cao đời sống nhân dân tại huyện Kbang, 1 trong 5 huyện điểm xây dựng nông thôn mới cả nước, bố trí vốn hỗ trợ cho 7 dự án bố trí dân cư vùng thiên tai lũ lụt của tỉnh Gia Lai.

Đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ phát biểu: “Nhất trí với đề xuất hỗ trợ kinh phí trồng rừng. Về hỗ trợ 40 tỷ đồng cho huyện Kbang, Giao Bộ NN& PTNT ưu tiên nguồn vốn dự phòng cho tỉnh GL, đó là phương án ưu tiên số 1, phương án số 2 là chúng tôi sẽ kêu gọi DN hỗ trợ xi măng để thực hiện 2 đường liên xã.

Về 7 dự án bố trí dân cư vùng thiên tai, ưu tiên trong 10 ngàn tỷ thu hồi của TP.HCM để bố trí. Còn trong trường hợp chưa thuộc ưu tiên thì tỉnh có văn bản đề nghị Trung ương cho phép sử dụng nguồn ngân sách dự phòng 2019. Toàn là những dự án cấp bách”.

Liên quan đến công trình thủy lợi Ia Mơr có tổng mức đầu tư 3 ngàn tỷ đồng. Mặc dù công trình đã hoàn thành nhưng không có diện tích cây trồng để tưới. Gia Lai đề nghị Chính phủ sớm xây dựng các vùng sản xuất nông nghiệp trong vùng tưới để phát huy hiệu quả công trình, tránh lãng phí, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ giao Bộ NN&PTNT chủ trì phối hợp chặt chẽ với tỉnh báo cáo chi tiết. Phối hợp Bộ TNMT báo cáo cụ thể vấn đề này. Phải có báo cáo chuyên đề để quyết vấn đề này, Thủ tướng đã chỉ đạo nhiều lần rồi.

Đối với đề xuất về bố trí kinh phí thực hiện Dự án đường tỉnh 666 nối từ huyện Mang Yang đến huyện Ia Pa,  Phó Thủ tướng Chí phủ Vương Đình Huệ cho biết Chính phủ đã đồng ý bố trí vốn cho địa phương. Đối với Dự án đường liên huyện Chư Sê – Chư Pưh – Chư Prông sẽ đưa vào danh mục sử dụng nguồn vốn trung hạn.

Một trong những vấn đề được nông dân trồng tiêu của tỉnh Gia Lai đang rất trông đợi là trung ương có cơ chế, chính sách để hỗ trợ cho các hộ dân có diện tích tiêu bị chết do thời tiết mưa kéo dài trong năm 2018. Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ giao cho Bộ Tài chính chủ trì báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét để có thể vận dụng Nghị định 02 của Chính phủ về thực hiện cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh. Đồng thời giao Bộ Nông nghiệp & PTNT phối hợp với Bộ Tài nguyên xem xét, báo cáo với Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ về đề nghị của tỉnh Gia Lai công nhận hiện tượng mưa kéo dài khác thường trên diện rộng năm 2018 gây chết cây hồ tiêu hàng loạt là loại hình thiên tai khác để làm căn cứ xem xét thực hiện khoanh nợ cho người dân.

Để thúc đẩy kinh tế – xã hội phát triển mạnh mẽ, đẩy mạnh thu hút đầu tư,  đồng chí Dương Văn Trang, Ủy viên BCH TW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh là Trung ương cần xem xét đầu tư cho Gia Lai tuyến đường cao tốc từ Pleiku đến cảng Quy Nhơn, mở rộng nhà ga sân bay Pleiku.

Phát biểu tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Gia Lai, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ nhấn mạnh một số nhiệm vụ trọng tâm Gia Lai cần tập trung thực hiện trong thời gian tới. Đó là tiếp tục rà soát việc thực hiện Nghị quyết 01, Nghị quyết 02 của Thủ tướng Chính phủ; Rà soát triển khai lập quy hoạch của tỉnh theo hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Hiện thực hóa dự án nông nghiệp công nghệ cao phục vụ phát triển nông nghiệp; tái cơ cấu mạnh mẽ ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới:

“Đối với vấn đề tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng NTM, Bộ NN& PTNT phải có đề án tổng thể, phải quan tâm như quan tâm ở vùng Đông Nam Bộ. Các mặt hàng chủ lực rất khó khăn. Quan điểm của tôi là giá cao su không bao giờ quay trở lại như trước vì giá cao su phụ thuộc vào giá dầu thế giới. Trước đây Mỹ khai thác 1 tấn mất 70 đô la, hiện nay chỉ còn 30 đô la. Giá thấp như thế này thì kim ngạch sẽ giảm, kể cả tiêu, cà phê. Nếu không tái cơ cấu mạnh mẽ sẽ rất khó khăn”.

Dựa vào tiềm năng hiện có, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đề nghị Gia Lai tiếp tục phát huy các lợi thế về du lịch, đặc biệt là du lịch sinh thái; Phát triển có chọn lọc một số ngành công nghiệp như chế biến, năng lượng tái tạo…Tiếp tục tổ chức thực hiện tốt các nghị quyết của Trung ương, đặc biệt là Nghị quyết TW 4, Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về học tập, làm theo tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh; xây dựng Đảng, sắp xếp lại bộ máy chính trị và các đơn vị sự nghiệp công lập, tinh giảm biên chế. Tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới;15 năm thực hiện Nghị quyết số 13 của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể; 5 năm thực hiện sắp xếp đổi mới công ty nông, lâm nghiệp theo Nghị quyết số 30 của Bộ Chính trị và một số nhiệm vụ quan trọng khác, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội bền vững, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

Hồng Uyên, R’Piên


Lượt xem: 36

Trả lời