Ứng dụng công nghệ cao góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất.

Cập nhật 18/12/2018, 13:12:14

Trên địa bàn tỉnh Gia Lai, ngành nông nghiệp chiếm tỷ trọng khá cao và là nguồn thu nhập chính của người dân. Trong xu thế phát triển chung của cả nước, tỉnh Gia Lai đã và đang đẩy mạnh áp dụng công nghệ cao vào sản xuất góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế, tăng giá trị cạnh tranh nhằm tạo đà xây dựng nền nông nghiệp bền vững.

Vùng đất An Phú, thành phố Pleiku là một trong những vựa rau lớn của tỉnh. Nguồn rau ở địa phương hiện đang cung cấp cho người dân trong và ngoài tỉnh. Để đáp ứng nhu cầu sản xuất, nhiều nông dân nơi đây đã mạnh dạn đầu tư nhà kính để trồng rau. Với hệ thống nhà kính đã giúp hạn chế được ảnh hưởng của môi trường bên ngoài, thời tiết giúp nông dân hoàn toàn chủ động trong việc trồng và chăm sóc. Cùng với đó, nhà lồng giúp che chắn khỏi các loài côn trùng  phá hoại mùa màng. Nhờ vậy, trong quá trình sản xuất sẽ không còn phải dùng quá nhiều thuốc bảo vệ thực vật nên sản phẩm thu được sẽ chất lượng, sạch sẽ và an toàn hơn cho người tiêu dùng.

Ông Nguyễn Ngọc Hoàng – Giám đốc Công ty TNHH MTV Hương đất An Phú, thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai cho biết:  “Chúng tôi áp dụng công nghệ vào sản xuất mang lại hiệu quả rất cao. Công nghệ giúp nâng cao sản lượng, đem lại thu nhập ổn định và chúng tôi có những sản phẩm tốt, những sản phẩm mà ở đất Gia Lai không trồng được nhưng chúng tôi đem vào áp dụng trồng trong nhà màn và sản xuất trên công nghệ cao, áp dụng khoa học kỹ thuật thì bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế và thành tựu cho sản xuất nông nghiệp.”

Không chỉ trồng rau trong nhà kính mà hiện nay trên địa bàn tỉnh đã có nhiều người dân mạnh dạn đầu tư trồng rau theo phương pháp thủy canh. Với phương pháp hiện đại này, rau không trồng trên đất mà được trồng trong các ống nhựa được nối thành một hệ thống giàn, chia thành nhiều tầng. Bên trong các ống nhựa có chứa dịch thủy canh với thành phần phù hợp được pha với nước, được bơm từ bể chứa lên hệ thống ống nhựa để cung cấp chất dinh dưỡng cho rau phát triển. Hệ thống này được thiết kế bơm tưới tự động, nên từ khi trồng rau cho đến khi thu hoạch sẽ không phải tưới nước và không phun bất cứ loại thuốc bảo vệ thực vật.

Chị Nguyễn Thị Kim Anh, thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai cũng cho biết:  “Thủy canh thì thuận lợi hơn ở chỗ là tiết kiệm được diện tích, thứ 2 là tiết kiệm được nước, thứ 3 là rau sạch tuyệt đối. Rau hàm lượng dinh dưỡng cố định được với lại không phải làm cỏ.”

Trong xu hướng phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, nông dân đã chủ động hơn trong việc áp dụng kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất. Đặc biệt, trước tình hình khô hạn, thiếu nước sản xuất diễn ra ngày càng nhiều thì mô hình tưới tiết kiệm được xem là giải pháp căn cơ để phát triển nông nghiệp hiệu quả và bền vững. Nếu như năm 2016, toàn tỉnh chỉ có khoảng 3.000 ha cây trồng áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm thì đến nay diện tích này đã mở rộng lên hơn 23.000 ha. Trong đó nhiều nhất là cây cà phê hơn10 ngàn ha; kế đến là rau các loại hơn 3.400 ha, hồ tiêu gần 3 ngàn ha, mía trên 2.800 ha và 2.500 ha cây ăn quả. Áp dụng mô hình tưới tiết kiệm giúp cho người dân tiết kiệm chi phí đầu tư, phân bón góp phần nâng cao năng suất, sản lượng cây trồng.

Đánh giá về xu hướng phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ cao ông Nguyễn Văn Khánh – Phó Trưởng phòng Nông  nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai cho biết:  “Công nghệ tưới tiết kiệm, nó sẽ giải quyết vấn đề ứng phó với biến đổi khí hậu. Hiện nay, nguồn nước ngầm có xu hướng ngày càng tụt giảm và nâng cao ý thức ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm để nâng cao hiệu quả kinh tế, nâng cao hiệu quả tiết kiệm nước để giữ môi trường. ”

Với Đề án “Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến năm 2020, định hướng đến năm 2030” do UBND tỉnh triển khai, đến nay tỉnh đã thu hút đầu tư được 20 dự án trên lĩnh vực này, tập trung vào các sản phẩm chính như: Rau quả, cao su, bơ, sầu riêng, thanh long, ớt… Từ những kết quả đã đạt được, tỉnh đang định hướng hình thành, phát triển các khu nông nghiệp ứng dụng cao làm hạt nhân để thúc đẩy phát triển nông nghiệp của tỉnh. Trong đó, ưu tiên các dự án chế biến sâu các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, sản xuất các loại cây, con giống chất lượng cao, xây dựng cánh đồng lớn, áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm,…nhất là tăng cường các mối liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị.

Thúy Diện, R’Piên

 


Lượt xem: 67

Trả lời