UBND tỉnh làm việc với các sở, ngành, thị xã An Khê kiểm tra công tác chuẩn bị Hội thảo Khoa học quốc tế lần 2 về sơ kỳ đá cũ An Khê

Cập nhật 21/3/2019, 07:03:57

Chiều 20/3, UBND tỉnh đã có buổi làm việc với đại diện lãnh đạo các sở, ngành của tỉnh và thị xã An Khê nhằm rà soát, kiểm tra công tác chuẩn bị cho Hội thảo Khoa học quốc tế lần 2 về sơ kỳ đá cũ An Khê. Đồng chí Huỳnh Nữ Thu Hà, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì cuộc họp. Tham dự có T.S Nguyễn Gia Đối, Quyền Viện trưởng Viện Khảo cổ học Việt Nam.

Năm 2014, di chỉ khảo cổ sơ kỳ Đá cũ đầu tiên, mang tên kỹ nghệ An Khê được phát hiện bởi các nhà khảo cổ học Việt – Nga. Từ năm 2015 đến 2019, việc khai quật, nghiên cứu được tiến hành tại 4 điểm: Gò Đá, Rộc Tưng 1, Rộc Tưng 4 và Rộc Tưng 7, với niên đại được xác định cách nay khoảng 800.000 năm đã gây chấn động trong giới khảo cổ học trong nước và quốc tế. Những phát hiện, nghiên cứu khảo cổ học ở An Khê thực sự đã mở ra triển vọng lớn cho các chương trình hợp tác quốc tế nghiên cứu lâu dài của các nước trên thế giới…

Chỉ còn hơn 1 tuần nữa sẽ diễn ra Hội thảo khoa học quốc tế về sơ kỳ đá cũ An Khê lần 2/2019, theo báo cáo của lãnh đạo Sở VH,TT&DL tỉnh, cùng các sở, ngành liên quan và thị xã An Khê, cùng Đại diện Viện Khảo cổ học Việt Nam : Đến nay, công tác chuẩn bị, từ: Trưng bày và thuyết minh tại một số điểm di tích; rà soát và thống nhất thành phần khách mời; chuẩn bị cơ sở vật chất, đón tiếp đại biểu; các bài tham luận; công tác tuyên truyền cho Hội thảo… đã được triển khai nghiêm túc, khoa học, với sự phối hợp của các bên liên quan.

Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Huỳnh Nữ Thu Hà, Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Hội thảo khoa học quốc tế về sơ kỳ đá cũ sẽ được tổ chức tại thị xã An Khê trong 2 ngày 29&30/3/2019, với sự tham gia của đông đảo học giả trong và ngoài nước sẽ tiếp tục đưa ra những luận cứ làm rõ hơn về quá trình tiến hóa của người hiện đại trên các châu lục, cũng như diễn trình, các giai đoạn sơ kỳ Đá cũ được khai phá ở An Khê. Tỉnh Gia Lai rất cần kinh nghiệm quốc tế về bảo tồn và phát huy các di tích khảo cổ tầm thế giới như An Khê, để biến giá trị di sản này thành tài sản du lịch, phục vụ cho chiến lược phát triển kinh tế-xã hội bền vững ở vùng đất An Khê nói riêng, tỉnh Gia Lai nói chung trong giai đoạn mở cửa và hội nhập… Do đó, để Hội thảo diễn ra đạt được những kết quả đúng như kỳ vọng, mọi công tác chuẩn bị cần phải được tiến hành chu đáo, thể hiện tinh thần, trách nhiệm của tỉnh Gia Lai đối với sự kiện, di chỉ khảo cổ mang tầm quốc tế  này./.

 Song Nguyễn,Thanh Sáng

 


Lượt xem: 41

Trả lời