Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai với những khó khăn, thử thách của ngôi trường mới thành lập

Cập nhật 08/11/2013, 09:11:51

Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai đứng chân trên địa bàn xã ADơk, huyện ĐăkĐoa là 1 trong 2 trường THPT vừa được thành lập trên địa bàn tỉnh Gia Lai trong năm học 2013-2014. Khi trường đi vào hoạt động đã góp phần giúp cho việc đi lại, học hành của con em trên địa bàn 6 xã phía Nam của huyện được thuận tiện hơn. Tuy nhiên, những thiếu thốn về trang thiết bị phục vụ việc dạy và học, cũng như chất lượng đầu vào của học sinh còn thấp là những khó khăn, thử thách không nhỏ, đòi hỏi nhà trường phải nỗ lực cố gắng rất nhiều.

 

 

Lớp học ở trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, huyện Đak Đoa.

 

Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai đi vào hoạt động với 3 khối nhà 2 tầng gồm: Khu phòng học, khu thực hành và khu nhà làm việc được đầu tư xây dựng kiên cố…. Ngôi trường mới không chỉ góp phần tạo khí thế và hứng khởi cho con em và phụ huynh học sinh, mà còn giúp cho việc đi lại học hành của học sinh ở 6 xã phía Nam của huyện ĐăkĐoa gồm: ADơk, Glar, IaBăng, IaPếch, Hnor và xã Trang thuận lợi hơn trước rất nhiều.

 

Trong niềm vui Em Nguyễn Thị Bảo Yến-Lớp 10 Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, huyện ĐăkĐoa nói:Khi học ở ngôi trường này, ngoài cơ sở vật chất, trường lớp mới thì việc đi lại của tụi em cũng rất thuận tiện, các thầy cô nhiệt tình nữa. Nhà trường cũng tổ chức hợp đồng xe đưa đón nên việc đi lại của tụi em thuận lợi rất nhiều. Giờ em chỉ cố gắng học tập để đạt được kết quả cao thôi”.

 

Điều đáng nói là cơ sở vật chất bên ngoài khang trang là vậy nhưng hiện tại các trang thiết bị phục vụ làm việc của nhà trường và thực hành ở các bộ môn hiện chưa có… Điều này ảnh hưởng đến việc tổ chức thực hành cho học sinh ở một số bộ môn như: Lý, Hóa, Sinh… ngay sau khi học xong phần lý thuyết trên lớp.

Qua trao đổi Thầy giáo Lê Duy Thịnh- Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, huyện ĐăkĐoa cho biết: “Khi nhà trường chưa có các trang thiết bị phục vụ cho việc thực hành thì cũng ảnh hưởng đến việc giảng dạy và tiếp thu kiến thức bằng hình ảnh, thí nghiệm trực quan, sinh động của học sinh. Giờ khắc phục là giáo viên chỉ và diễn giải bằng hình ảnh trong sách giáo khoa cho các em. Những tiết theo lịch thực hành thì mình tổ chức ôn tập, giảng giải bài tập, khi nào có trang thiết bị rồi thì sẽ bố trí cho các em thực hành lại”.

 

Năm học 2013-2014, trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai có 8 lớp ở 2 khối 10 và 11 với tổng cộng 343 học sinh và 27 cán bộ, giáo viên, nhân viên. Trong đó, khối 10 có 271 học sinh và học sinh dân tộc thiểu số chiếm trên 60%. Qua khảo sát chất lượng đầu năm học ở 3 môn: Toán, Văn, Anh Văn, chất lượng học tập của học sinh ở 2 khối lớp 10 và lớp 11 thật sự là một điều đáng lo ngại… Ở khối 11, tỉ lệ học sinh có điểm trung bình môn Văn, Toán, Anh Văn đạt lần lượt từ trên 73%, gần 40% và trên 12%. Điều đáng nói là tỉ lệ của khối 11 đã không cao thì tỉ lệ  học sinh khối 10 đạt điểm trung bình 3 môn trên càng thấp hơn nữa… Trong đó, môn văn, toán chỉ đạt hơn 16%, cá biệt môn anh văn chỉ có trên 6% học sinh đạt điểm trung bình trở lên. Đây thật sự là một trong những khó khăn, thử thách không nhỏ trong công tác dạy và học của nhà trường.

 

Thầy giáo Nguyễn Văn Cường-Phó Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, huyện ĐăkĐoa cho biết:Nhà trường thực hiện nhiều biện pháp nhằm duy trì tốt việc duy trì sỉ số, từng bước nâng cao chất lượng giáo dục, dạy đủ các môn theo đúng khung chương trình đã được quy định, ngoài ra tiến hành dạy và học phù hợp với tình hình thực tế về học lực của học sinh. Nhà trường còn phối hợp với phụ huynh tổ chức các buổi dạy phụ đạo vào 3 buổi chiều ngay tại trường cho các học sinh có nguyện vọng để các em hệ thống và nắm vững kiến thức”.

 

Có thể nói, bên cạnh sự nỗ lực, phấn đấu không mệt mỏi của các thầy cô giáo thì cũng cần sự quan tâm đầu tư hỗ trợ kịp thời của các cấp, ngành giáo dục, sự đồng hành hợp tác của phụ huynh, học sinh nhằm góp phần giúp trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai khắc phục những thiếu thốn về cơ sở vật chất, trang thiết bị, thực hiện tốt việc dạy và học, từng bước khẳng định vị trí của trường mới thành lập trong điều kiện còn nhiều khó khăn, thử thách. Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ, giáo viên và nhân viên của trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, cũng như trường THPT Pleime, huyện Chư Prông rất mong nhận được các khoản lương, phụ cấp và nguồn kinh phí kịp thời nhằm đảm bảo cho các hoạt động của nhà trường, cũng như giúp giáo viên ổn định đời sống, thêm vững tâm công tác. Bởi mặc dù đã đi vào hoạt động được vài tháng nhưng từ tháng 9 đến nay các cán bộ, giáo viên, nhân viên của 2 trường này vẫn chưa được nhận lương… Bên cạnh đó, nguồn kinh phí để chi cho các hoạt động thường xuyên của nhà trường cũng chưa được cấp kịp thời. Để giải quyết các khoản chi cho hoạt động thường xuyên, 2 trường này không có sự lựa chọn nào hơn là đành ký nợ… và điều đó cũng ảnh hưởng đến việc hoạt động của nhà trường./.

Thiên Thanh-R’Piên


Lượt xem: 415

Trả lời