Trồng dâu nuôi tằm giúp nông dân phát triển kinh tế

Cập nhật 17/12/2022, 15:12:49

Nhờ mạnh dạn chuyển đổi những diện tích đất sản xuất cà phê, tiêu kém hiệu quả sang trồng dâu – nuôi tằm gắn với liên kết sản xuất, nhiều nông dân trên địa bàn huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai đã vươn lên thoát nghèo, cải thiện cuộc sống. Không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế, mô hình trồng dâu – nuôi tằm còn góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng nâng cao giá trị và phát triển bền vững tại địa phương.

Những ngày này, gia đình anh Trần Viết Tịnh – Thôn Ô Pếch, xã Ia Pếch, huyện Ia Grai đang tập trung chăm sóc lứa tằm hơn 10 ngày tuổi để đảm bảo thời gian thu hoạch kén. Trước đây kinh tế gia đình chủ yếu dựa vào vào vườn cà phê nhưng nhiều năm gần đây nhiều diện tích cà phê của gia đình đã già cỗi. Để cải thiện nguồn thu nhập, hơn 1 năm nay, gia đình anh quyết định chuyển đổi 4 sào cà phê kém hiệu quả sang trồng dâu – nuôi tằm. Với tinh thần chịu khó học hỏi, cộng thêm sự hỗ trợ kỹ thuật từ các thành viên trong Tổ hợp tác nuôi dâu tằm của xã, đến nay, gia đình anh đã có nguồn thu ổn định, khoảng hơn 200 triệu đồng/năm sau khi trừ vốn và công.

Anh  Tịnh  nói: “Tôi rất là vui mừng khi mọi sự cố gắng của mình đã có kết quả, sang năm em sẽ mở rộng thêm ra 3 sào nữa là thành hơn 7 sào để có thêm thu nhập cho gia đình”.

Không riêng gia đình anh Tịnh, tại xã Ia Pếch huyện Ia Grai, có hơn 70 hộ dân đã mạnh dạn chuyển đổi diện tích cà phê kém hiệu quả sang trồng dâu nuôi tằm. Cuối năm 2019, Tổ hợp tác trồng dâu nuôi tằm của xã đã ra đời, với 15 hội viên. Đến nay, Tổ hợp tác đã có 50 hội viên tham gia, với tổng diện tích trồng khoảng 40 ha dâu tằm. Đặc biêt, để nâng cao tính hiệu quả, Tổ hợp tác đã phân chia nhiệm vụ cho mỗi thành viên trong tổ đảm nhiệm mỗi khâu, cũng nhờ vậy chất lượng sản phẩm kén tằm của Tổ hợp tác nuôi dâu tằm xã Ia Pếch được các cơ sở chế biến đánh giá cao về chất lượng và trực tiếp thu mua.

Ông Trần Ngọc Minh – Tổ trưởng Tổ hợp tác trồng dâu nuôi dâu tằm xã Ia Pếch, huyện Ia Grai cho biết: “Định hướng sắp tới, tổ liên kết lại để cùng nhau tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm, cùng nhau liên kết phát bỏ những diện tích cà phê già cỗi kém chất lượng để chuyển sang trồng dâu nuôi tằm. Thứ hai, chúng tối sẽ liên kết với các xí nghiệp trên địa bàn tỉnh và tỉnh Lâm Đồng, để họ đánh giá chất lượng, có thêm đầu ra, nâng tầm sản phẩm của bà con trong tổ lên cao hơn. Chúng tôi cũng dự định sẽ tăng thêm các cơ sở thu mua để tăng tính cạnh tranh cho sản phẩm để bà con làm ra bán được cái giá cao nhất”.

Hiện nay, trên địa bàn huyện Ia Grai có 03 Tổ hợp tác nuôi dâu tằm, với tổng diện tích hơn 80 ha trồng dâu và khoảng hơn 200 thành viên tham gia. Việc chuyển đổi các diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng dâu nuôi tằm đang là hướng đi được bà con trên địa bàn huyện Ia Grai quan tâm, vì vốn đầu tư không cao và kỹ thuật chăm sóc cũng không quá phức tạp, có thể tận dụng lao động nhàn rỗi của gia đình, giá thu mua tằm hiện nay cũng cao nên đem lại lợi nhuận hơn so với cây trồng khác ở địa phương.

Trương Trang- Thúy Diện – Minh Trung


Lượt xem: 12

Trả lời